Trung Quốc có thể lấy cớ Mỹ cấm vận Huawei để phá bĩnh thương vụ NVIDIA-ARM
Trong những cuộc sáp nhập và mua lại công ty lớn, liên quan đến các tập đoàn đa quốc gia thì tiền là phần dễ, phần khó là phải có được sự đồng ý của các cơ quan quản lý cạnh tranh ở các thị trường lớn. Thương vụ NVIDIA mua lại Arm có thể phải dính líu đến cuộc chiến tranh thương mại về công nghệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, và khả năng là Bắc Kinh sẽ lợi dụng sự chấp thuận của mình trong thương vụ NVIDIA-Arm để đàm phán với Mỹ. Ni Guangnan – cựu kỹ sư trưởng của Lenovo – dự đoán rằng chính phủ Trung Quốc sẽ tìm cách ngăn cản vụ mua bán này với lý do là chống độc quyền, bởi vì nếu NVIDIA thành công thì có thể tạo ra sự độc quyền đối với một số công nghệ thiết kế chip.
Tuy nhiên, mối quan tâm hàng đầu của Trung Quốc sẽ là việc công nghệ của Arm rơi vào tay một tập đoàn ở Mỹ là NVIDIA, và hệ quả là các công nghệ đó sẽ chịu sự áp đặt của các quy định về việc kiểm soát xuất khẩu của Hoa Kỳ. Cả Arm và NVIDIA đều xác nhận thương vụ sáp nhập, cụ thể là NVIDIA sẽ mua lại Arm từ tay SoftBank với giá là 40 tỷ USD. CEO của NVIDIA có chia sẻ rằng đây sẽ là “thương vụ của thế kỷ” vì nó sẽ giúp công ty nắm quyền kiểm soát kiến trúc CPU lớn thứ nhì thế giới, sau kiến trúc x86 của Intel. Với công nghệ này thì NVIDIA có thể tạo ra những sản phẩm dành cho thiết bị tiết kiệm điện cho đến vi xử lý cho các turng tâm dữ liệu lớn.
Về phía Trung Quốc thì để “phá bĩnh” thương vụ NVIDIA-Arm, họ có thể lôi vụ Hoa Kỳ ban hành các điều luật liên quan đến việc xuất khẩu công nghệ đối với Huawei và SMIC, gây tác động tiêu cực đến ngành công nghệ của Trung Quốc. Tính đến giữa tháng 9/2020 thì có đến hơn 200 công ty của Trung Quốc đang được Arm cấp phép để tạo ra hơn 19 tỷ con chip dựa trên kiến trúc Arm.
Nguồn: TechPowerUp