Amazon rục rịch mở dịch vụ cho xài thử… máy tính lượng tử
Ở thời điểm hiện tại thì cuộc chiến máy tính lượng tử giữa Google và IBM vẫn chưa có hồi kết, đơn cử là hồi đợt Google tuyên bố rằng họ đã đạt được trạng thái “ưu thế lượng tử tối thượng”, IBM đã phủ nhận kết luận này và cho rằng nó vẫn còn nhiều điều khuất tất.
Nhưng trong lúc 2 ông lớn này đang tranh cãi quyết liệt thì Amazon vẫn ung dung ra mắt Amazon Braket, một nỗ lực của Amazon nhằm “hô biến” tính toán lượng tử (quantum computing) thành một dịch vụ mà người dùng có thể truy cập thông qua Internet, tương tự như dịch vụ Azure Quantum của Microsoft ra mắt hồi tháng 11/2019.
Trong bài blog của Amazon, họ cho biết Amazon Braket là một dịch vụ AWS (Amazon Web Services), với tính năng bảo mật và mã hóa được tích hợp sẵn. Thực chất, dịch vụ này chỉ dành cho các công ty đối tác của Amazon, và hiện tại thì họ chỉ mới có thể thử nghiệm bằng cách chạy phần mềm mô phỏng trên các máy tính lượng tử được cung cấp bởi D-Wave, IonQ, và Rigetti.
Amazon cho biết dịch vụ này giúp khách hàng tìm hiểu thêm về qubit và mạch lượng tử (quantum circuit). Ngoài ra, người dùng còn có thể chế tạo và chạy thử các mạch lượng tử đó trong môi trường mô phỏng, sau đó ứng dụng vào các máy tính lượng tử ngoài đời thật.
Theo lý thuyết thì máy tính lượng tử có khả năng tính toán nhanh hơn rất nhiều lần so với siêu máy tính (supercomputer) truyền thống, bởi vì những bit của nó có thể tồn tại ở nhiều trạng thái lượng tử khác nhau chứ không chỉ đơn thuần là 2 trạng thái tắt/mở (0/1) như trong máy tính truyền thống. Cũng nhờ điều này mà máy tính tính lượng tử Sycamore của Google đã xử lý bài toán 10.000 năm chỉ trong 200 giây (tất nhiên là IBM cũng phản bác nốt kết quả này).
Máy tính lượng tử hiện đang là một món đồ công nghệ hiếm hoi và rất đắt đỏ, nhưng dịch vụ Amazon Braket, cùng với Azure Quantum, đã mở ra giải pháp cho vấn đề này bằng cách biến nó trở thành một dịch vụ mà mọi người có thể cùng nhau chia sẻ và quản lý được. Trước đây, Amazon đã làm được điều tương tự với nền tảng điện toán đám mây AWS (cloud computing), nên khả năng cao là họ cũng sẽ thành công với dự án lần này.