AMD Ryzen 5 7600 giá 6.300.000 VNĐ đã giúp đưa nền tảng AM5 đến gần với game thủ hơn bao giờ hết
Với AMD Ryzen 5 7600, chỉ cần 6.300.000 VNĐ là bạn đã có thể bước chân lên nền tảng AM5.
Thừa thắng xông lên sau thành công của đợt ra mắt CPU Ryzen 7000 series đầu tiên, hồi đầu tháng 1/2023 AMD đã tiếp tục mở rộng dòng CPU này với những con chip phiên bản non-X. Trong đó, vi xử lý non-X nói riêng và cả dòng Ryzen 7000 nói chung có giá mềm nhất giờ đây chính là Ryzen 5 7600. Chỉ với 6.300.000 VNĐ, bạn đã có thể nâng cấp lên nền tảng AM5 thế hệ mới mà không quá tốn kém như những con chip Ryzen 7000 X -series khác.
Cơ bản thì Ryzen 5 7600 phần lớn là giống với Ryzen 5 7600X, vẫn là con chip 6 nhân 12 luồng, chỉ khác cái là xung nhịp thấp hơn (do TDP bị giới hạn ở mức 65W, thay vì là 105W), và Ryzen 5 7600 thì có kèm sẵn tản nhiệt AMD Wraith Stealth trong hộp. Vậy thì hiệu năng của con chip này mạnh đến đâu, và liệu Wraith Stealth có đủ để cho bạn khai thác hết tiềm năng của con chip này hay không? Chúng ta cùng nhau tìm hiểu trong phần ngay dưới đây nhé.
Thông số kỹ thuật AMD Ryzen 5 7600:
- Số nhân/luồng: 6 nhân 12 luồng
- Xung nhịp boost tối đa: lên đến 5,1 GHz (1 nhân)
- Xung nhịp cơ bản: 3,8 GHz
- Bộ nhớ đệm L1: 384 KB
- Bộ nhớ đệm L2: 6 MB
- Bộ nhớ đệm L3: 32 MB
- TDP mặc định: 65 W
- GPU tích hợp: 2 nhân AMD Radeon Graphics
- Tiến trình nhân CPU: TSMC 5nm FinFET
- Mở khóa ép xung: Có
- Socket tương thích: AM5
- RAM tương thích: DDR5 (2 kênh)
- Tản nhiệt đi kèm: AMD Wraith Stealth
Nhìn chung, Ryzen 5 7600 có xung nhịp thấp hơn Ryzen 5 7600X, cụ thể là xung nhịp boost và xung nhịp cơ bản của 7600X lần lượt lên tới 5,3 GHz và 4,7 GHz. Tính ra, chênh lệch xung nhịp boost không quá nhiều, nhưng xung nhịp cơ bản thì cách nhau gần 1 GHz. Nhưng nhìn về mặt tích cực thì do xung nhịp chậm hơn, TDP cũng thấp hơn 7600X, cho nên 7600 hiển nhiên sẽ chạy mát hơn nhiều so với 7600X. Thế nên bạn không nhất thiết phải mua 1 bộ tản nhiệt quá xịn sò để cân con chip này, vả lại AMD cũng có kèm sẵn con Wraith Stealth trong hộp luôn, đỡ phải tốn tiền mua thêm tản nhiệt của bên thứ 3.
Con chip này có giá bán lẻ rơi vào tầm 6.300.000 VNĐ, kết hợp với bo mạch chủ B650E là bạn đã có ngay 1 combo AM5 giá mềm rồi. Ryzen 5 7600 vẫn hỗ trợ ép xung tăng hiệu năng, vẫn có tính năng AMD EXPO (một tính năng ép xung RAM tương tự XMP của Intel), và bo mạch chủ B650E vẫn hỗ trợ PCIe 5.0, cho nên nếu đi theo hướng combo CPU non-X cộng với B650E thì sẽ kinh tế hơn nhiều so với việc chọn CPU X-series cùng bo mạch chủ X670E mà không phải hi sinh quá nhiều hiệu năng và tính năng.
Chưa kể, giá RAM DDR5 đầu năm 2023 vẫn trên đà giảm mạnh, và trong năm 2022 nó đã giảm tới 43%. Theo xu hướng này, RAM DDR5 sẽ ngày một trở nên dễ tiếp cận hơn, phổ biến hơn. Kết hợp điều này với combo 7600 + B650E ở trên là bạn đã có thể đặt chân lên nền tảng AM5 với mức giá vô cùng dễ chịu, đồng thời an tâm về lâu về dài vì có thể dễ dàng nâng cấp CPU (AMD hứa hẹn sẽ hỗ trợ socket AM5 ít nhất là cho tới năm 2025) và GPU (B650E có khe PCIe 5.0) sau này.
Mà đó là câu chuyện của tương lai phía trước. Còn ở thời điểm hiện tại, con CPU này mạnh đến đâu? Mời bạn cùng GVN 360 xem tiếp nhé.
CPU AMD Ryzen 5 7600 vừa đủ mạnh để GPU Radeon RX 7900 XTX đầu bảng vẫn có thể “bung lụa” khi chiến game 4K max setting
Bản thân con chip 7600 được tích hợp sẵn 2 nhân đồ họa RDNA 2, cho nên bạn không nhất thiết phải mua thêm card rời như các thế hệ Ryzen trước đây. iGPU này vừa đủ để xử lý các tác vụ nhẹ nhàng, hoặc chiến game eSports cũng ổn, na ná iGPU của Intel, cho nên nó cũng không có gì quá đặc sắc ngoại trừ chuyện tiện lợi ra. Thế nên mình đã bắt cặp 7600 với card đồ họa đầu bảng của đội đỏ hiện nay – Radeon RX 7900 XTX – để xem xem combo này chiến game 4K max setting ngon tới đâu.
Dàn test bench AMD Ryzen 5 7600 của bọn mình gồm những linh kiện sau:
- CPU: AMD Ryzen 5 7600
- Tản nhiệt: AMD Wraith Stealth
- RAM: 2 x 16 GB Kingston FURY Beast RGB DDR5-6000 (36-38-38)
- Bo mạch chủ: ASUS ROG Crosshair X670E HERO
- Card màn hình: AMD Radeon RX 7900 XTX
- SSD: 512 Plextor M9P
- PSU: FSP Hydro G PRO ATX3.0 (PCIe 5.0) 1000W
- Hệ điều hành: Windows 11 Professional 64-bit 22H2
- Driver: Adrenalin 22.12.1
Cinebench R23
Corona
Blender
PCMark 10
3DMark Time Spy Extreme
3DMark Time Spy
Superposition Benchmark (8K Optimized)
Superposition Benchmark (4K Optimized)
Shadow of the Tomb Raider
Shadow of the Tomb Raider + ray tracing
Red Dead Redemption 2
Red Dead Redemption 2 – FSR Performance
Cyberpunk 2077
Cyberpunk 2077 – FSR Ultra Performance
Cyberpunk 2077 – ray tracing + FSR Ultra Performance
Call of Duty: Modern Warfare II
Call of Duty: Modern Warfare II – FSR Performance
Trong các bài benchmark gaming, ngoài thiết lập 4K max setting ra, mình còn có test thêm hiệu năng khi chỉ FSR ở chế độ ưu tiên hiệu năng (performance); tức là gánh nặng ở CPU lúc này sẽ nhiều hơn một chút so với việc không bật FSR (hoặc bật FSR ở chế độ ưu tiên chất lượng), do CPU phải xử lý nhiều khung hình hơn. Mình sẽ lấy trò Modern Warfare II ra làm ví dụ điển hình để các bạn dễ hình dung hơn nhé. Khi không bật FSR, nếu chỉ chỉnh 4K max setting thôi (trò nàykhông có ray tracing) thì dàn test bench kéo được 119 fps, và bottleneck sẽ nghiêng về GPU nhiều hơn, tới 99% – tức là RX 7900 XTX không bị kìm hãm sức mạnh. Đến khi bật FSR Permormance lên thì fps lúc này đã tăng gần gấp đôi, lên đến 231 fps. Tuy nhiên, nếu bạn để ý thì sẽ thấy bottleneck lúc này đã có dấu hiệu nghiêng bớt cho CPU, cụ thể là 16%. Do 7600 không thể xử lý khung hình đủ nhanh, cho nên RX 7900 XTX cũng không thể bung hết khả năng của nó được. Nếu bạn bắt cặp với CPU xịn sò hơn thì tất nhiên fps sẽ tăng, nhưng 231 fps ở thiết lập 4K max setting trong 1 tựa game bom tấn như Modern Warfare II cũng có thể xem là dư dả rồi.
Bàn về tản nhiệt Wraith Stealth đi kèm với Ryzen 5 7600
Nãy giờ mình test là xài tản AMD Wraith Stealth. Sẵn có 2 bộ tản nhiệt nước AIO trong tay, mình gắn vào dàn test bench xem xem hiệu năng của con chip Ryzen 5 7600 có khác biệt chút nào không. Hai bộ tản nhiệt đó là Cooler Master MASTERLIQUID ML240 MIRROR (giá 1.990.000 VNĐ) và ASUS ROG Ryuo III 360 ARGB (giá 9.300.000 VNĐ).
Prime95 Small FFTs (AMD Wraith Stealth)
Prime95 Small FFTs (Cooler Master MASTERLIQUID ML240 MIRROR)
Prime95 Small FFTs (ASUS ROG Ryuo III 360 ARGB)
Prime95 là 1 trong những công cụ stress test phổ biến hiện nay, và ở chế độ Small FFTs thì CPU sẽ chịu tải nặng nhất. Tất nhiên, thực tế xài hằng ngày thì bạn sẽ hiếm khi nào ép Ryzen 5 7600 chạy đến mức cực hạn như này, nhưng vì mục đích khám phá nên mình sẽ test thử xem trong tình huống xấu nhất, con chip này sẽ hoạt động ra sao.
Đối với tản stock, sau khi chạy Prime95 Small FFTs được 15 phút thì xung nhịp có dấu hiệu giảm nhẹ, và CPU nóng tới 95 độ C. Đây vẫn nằm trong mức cho phép của AMD, nhưng nhìn số đỏ lè thì cũng hơi… bất an. Khi mình chuyển sang Cooler Master MASTERLIQUID ML240 MIRROR thì tình hình đã khá hơn rất nhiều: sau khi chạy 15 phút thì xung nhịp toàn nhân vẫn giữ ở mức 4,6 GHz và nhiệt độ chỉ tầm 80 độ C mà thôi, tức là mát hơn tới 15 độ khi xài tản stock các bạn ạ. Khi lên đến tản ASUS ROG Ryuo III 360 ARGB thì tình hình có cải thiện một chút: xung nhịp sau khi chạy được 15 phút loanh quanh ở khoảng 4,6-4,7 GHz, và nhiệt độ thì giảm còn 75 độ C.
Cinebench R23 (AMD Wraith Stealth)
Cinebench R23 (Cooler Master MASTERLIQUID ML240 MIRROR)
Cinebench R23 (ASUS ROG Ryuo III 360 ARGB)
Tiếp đến, mình chạy thử bài benchmark Cinebench R23, xem xem hiệu năng khi test synthetic có khác biệt gì không. Nhìn chung, tản stock với tản AIO cách nhau tầm 300 điểm (đa nhân), còn giữa 2 bộ tản nhiệt AIO với nhau thì hầu như không có khác biệt gì cả.
Call of Duty: Modern Warfare II (AMD Wraith Stealth)
Call of Duty: Modern Warfare II – FSR Performance (AMD Wraith Stealth)
Call of Duty: Modern Warfare II (Cooler Master MASTERLIQUID ML240 MIRROR)
Call of Duty: Modern Warfare II – FSR Performance (Cooler Master MASTERLIQUID ML240 MIRROR)
Call of Duty: Modern Warfare II (ASUS ROG Ryuo III 360 ARGB)
Call of Duty: Modern Warfare II – FSR Performance (ASUS ROG Ryuo III 360 ARGB)
Đến khi mình vô chiến game Modern Warfare II thì kết quả lúc này hầu như chẳng có sự khác biệt nào cả. Đúng là có xê xích vài ba fps đó, nhưng nó vẫn nằm trong khoảng sai số nên có thể nói là xài tản nào chiến game cũng cho trải nghiệm như nhau, chí ít là với Modern Warfare II.
Từ đó, có thể tạm rút ra kết luận là bạn cứ xài tản AMD Wraith Stealth để chiến game vô tư cùng với con chip Ryzen 5 7600. Tuy nhiên, nếu điều kiện tài chính cho phép thì mình khuyên các bạn vẫn nên sắm 1 bộ tản nhiệt nước AIO để làm mát cho con chip này (ít nhất là tản AIO 240mm), một phần là để đảm bảo hiệu năng ổn định khi nó chịu tải nặng, phần khác là để sau này nếu có nâng cấp lên chip xịn sò hơn thì bạn cũng có sẵn tản nhiệt để gắn vô xài luôn, đỡ phải mất công đến lúc đó lại phải đi mua tản mới nữa thì phiền lắm.
AMD Ryzen 5 7600 dành cho ai?
Nếu hầu bao của bạn không quá rủng rỉnh, và bạn cũng chỉ đơn giản là muốn mua 1 con chip AMD thế hệ mới để chơi game vui vẻ, sau này dư dả rồi mới nâng cấp dần dần thì Ryzen 5 7600 sẽ là sự lựa chọn sáng giá cho bạn đó, vì đây là con chip Ryzen 7000 series có giá mềm nhất tại thời điểm bài viết – chỉ 6.300.000 VNĐ mà thôi. Kết hợp thêm với bo mạch chủ B650E là đã có ngay combo bình dân cho bạn an tâm chiến game trong vòng 2-3 năm tới rồi đó.