AMD xác định lỗi “bóp” hiệu năng trên Windows 10 và Windows 11 là do fTPM
AMD cũng có hướng dẫn cách sửa lỗi hiệu năng, nếu bạn bị “dính chưởng” thì có thể tham khảo nhé.
Nếu bạn đang xài PC Windows 11 trang bị CPU AMD Ryzen và bắt gặp tình trạng khu vực hiển thị thời gian và icon thông báo ở góc dưới bên phải màn hình load chậm, hoặc hiệu năng máy tính lâu lâu bị trồi sụt thất thường thì khả năng là do lỗi phần cứng, chứ không phải là do lỗi giao diện người dùng của Microsoft đâu. Lý do là vì AMD phát hiện ra rằng một vài PC Windows 10 và Windows 11 chạy CPU Ryzen sẽ dính lỗi “bóp” hiệu năng khi fTPM (firmware TPM) được bật.
Lỗi hiệu năng này bắt nguồn từ việc giao tiếp bộ nhớ nền (background memory transaction) giữa Windows và fTPM nhằm xác minh một hành động nào đó. Vì fTPM là một phần trong firmware UEFI nằm trong chip SPI flash EEPROM, thế nên vấn đề về hiệu năng là do việc giao tiếp bộ nhớ liên quan đến fTPM với con chip này gây ra.
AMD có tung ra cách sửa lỗi tạm thời và thông báo là họ đang tìm phương án khắc phục triệt để vấn đề này. Để sửa lỗi trong thời gian này, bạn có thể chuyển từ fTPM sang môđun TPM rời (dTPM) cắm vào cổng TPM 2.0 trên bo mạch chủ. dTPM như trong hình minh họa phía trên sẽ có giá từ 50 đến 100 USD (trên Amazon). Ngoài ra, bạn cũng cần lưu ý là hãy vô hiệu hóa Bitlocker trước khi chuyển từ fTPM sang dTPM nhé.
Hoặc bạn cũng có thể chờ thêm một thời gian nữa để AMD tung ra bản vá cho các hãng bo mạch chủ, và bạn chỉ việc cập nhật firmware UEFI là xong. AMD dự kiến bản cập nhật này sẽ ra mắt vào tháng 5/2022. Nó sẽ dùng microcode AGESA V2 ComboPI 1.2.0.7 (hoặc mới hơn).
Tóm tắt ý chính:
- AMD cho biết một vài PC Windows 10 và Windows 11 chạy CPU Ryzen sẽ dính lỗi “bóp” hiệu năng khi fTPM được bật
- Lỗi hiệu năng này bắt nguồn từ việc giao tiếp bộ nhớ nền giữa Windows và fTPM
- Cách sửa lỗi tạm thời là chuyển từ fTPM sang môđun TPM rời cắm vào cổng TPM 2.0 trên bo mạch chủ
- Bản vá lỗi chính thức dự kiến sẽ được AMD tung ra vào tháng 5/2022
Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:
- Điểm mặt CPU AMD Ryzen 5000 đầu năm 2022: từ iGPU vô địch đến “quái vật” 16 nhân 32 luồng
- Người dùng AMD Ryzen 2000 sẽ không được xài ứng dụng Android trên Windows 11
Nguồn: TechPowerUp