Bắn súng lên trời thì khi đạn rơi xuống có nguy hiểm không?
Mọi viên đạn bắn lên trời đều sẽ bị lực hấp dẫn của trái đất kéo quay trở lại. Chính xác hơn là hiện tại loài người chúng ta vẫn chưa thể tạo ra được một khẩu súng đủ mạnh để có thể bắn viên đạn vào không gian. Vậy khi đạn rơi trở lại từ độ cao cực đại thì nó liệu có gây nguy hiểm không? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu sau đây các bạn nhé.
Đầu đạn thả rơi tự do tương đối nguy hiểm nhưng chưa đến mức như bị bắn
Theo thử nghiệm của chương trình truyền hình chuyên kiểm chứng những huyền thoại thú vị MythBusters thì đầu đạn rơi tự do cũng rất nguy hiểm nhưng thường thì sẽ không đủ gây chết người. Họ đã bỏ một đầu đạn vào ống thổi khí, điều chỉnh tốc độ khí đến khi nó bay lơ lửng trong ống rồi đo tốc độ dòng khí. Tốc độ dòng khí đo được là hơn 100 dặm mỗi giờ (hơn 160km/h).
Sau đó họ lại dùng ống khí nén để bắn viên đạn với tốc độ đó vào một cái đầu heo. Kết quả là viên đạn gây xây xát và tạo ra vết thương trên cái đầu heo, tuy nhiên phần xương sọ vẫn không hề hấn. Nếu đổi lại là con người thì một cú va chạm như thế vẫn khá nguy hiểm nhưng khó mà gây ảnh hưởng tính mạng. Tuy nhiên đó là với đầu đạn được thả rơi tự do thôi, nó xoay vô định trong không khí và bị không khí cản lại nên không thể đạt tốc độ quá cao. Chứ nếu là đầu đạn được bắn ra từ một khẩu súng và rơi trở lại thì sẽ nguy hiểm hơn rất nhiều.
Khi viên đạn bắn ra từ súng quay trở lại từ không trung thì nó vẫn đáng sợ như lúc rời nòng
Các nhà nghiên cứu của chương trình MythBusters đã tiến hành thử nghiệm với súng thật. Họ cho bắn một khẩu súng lục cỡ nòng 9mm thẳng xuống nền đất của một hoang mạc rồi đo khoảng cách viên đạn xuyên xuống đất. Kết quả thu được là khoảng 3inch (khoảng 7,62cm). Tiếp theo họ cho bắn thẳng lên trời, đợi đạn rơi xuống và đo. Kết quả làn này là khoảng 2inch (khoảng 5.08cm). Thế là mọi chuyện đã quá rõ ràng. Viên đạn 9mm của súng lục khi rơi xuống đất có độ xuyên bằng 2/3 viên đạn bắn trực tiếp. Bao nhiêu đó là đủ để tiễn một con người về với đất mẹ rồi.
Lý do là súng thường có nòng xoắn, khiến viên đạn xoay tít khi rời nòng. Khi đạt độ cao cực đại khoảng vài km thì viên đạn sẽ được trọng lực lôi trở lại mặt đất. Do luôn xoay tròn và giữ mũi về hướng bay nên viên đạn được bắn ra từ một khẩu súng ít bị không khí cản hơn, đạt vận tốc lớn hơn khi trở về mặt đất, do đó cũng nguy hiểm hơn rất nhiều.
Một vài ví dụ thực tế về sự nguy hiểm của đạn rơi
Trên thực tế thì đã có nhiều tai nạn thương tâm từ việc đạn lạc rơi trúng những người không may mắn. Một nghiên cứu được tiến hành ở Hoa Kỳ vào năm 2012 đã chỉ ra rằng 4,6% ca tử vong do đạn lạc là hậu quả của văn hóa “tiếng súng ăn mừng” (Celebratory gunfire – xả súng lên trời khi ăn mừng dịp vui nào đó như năm mới và các ngày lễ tôn giáo).
Một thống kê của một nhóm bác sĩ tại bệnh viện Martin Luther King ở Los Angeles cho biết từ năm 1985 đến năm 1992, họ đã tiếp nhận 118 nạn nhân của đạn rơi từ trên trời xuống. Trong khi nạn nhân của các vụ xả súng thông thường có tỷ lệ tử vong từ 2 đến 6%.
Tuy nhiên với những pha đạn rơi thẳng từ trên trời xuống thì tỷ lệ tử vong lên đến tận 1/3. Lý do là vì đạn khi rơi từ phương thẳng đứng xuống hễ trúng người thì sẽ có xác suất rơi thẳng lên đầu khá cao.
Tổng kết lại bài viết, chúng ta có thể kết luận rằng đạn bắn lên trời và rơi trở lại cực kỳ nguy hiểm và hoàn toàn có thể gây chết người. Mong rằng bài viết đã mang đến cho các bạn những thông tin hữu ích, cảm ơn các bạn vì đã quan tâm theo dõi và chúc các bạn có một ngày tốt lành.
Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:
- Vì sao nòng súng lại có rãnh xoắn?
- Súng đã mất hàng thế kỷ để “tiến hóa” lên nòng xoắn, thế sao xe tăng hiện đại lại quay về nòng trơn?
- Cục u trên nòng pháo có tác dụng gì mà hầu như xe tăng hiện đại nào cũng có?
Nguồn: Debunked, Mythbusters