Chế độ Hibernate có hại cho PC hay không, đây là câu trả lời cho bạn
Dùng chế độ Hibernate nhiều có hại cho PC hay không, đâu sẽ là câu trả lời dành cho bạn? Hãy cùng GVN 360 tìm lời giải đáp nhé.
Chế độ Hibernate hay còn gọi là chế độ ngủ đông của máy tính luôn là một chủ đề mà người dùng Windows bàn tán xem có nên sử dụng thường xuyên hay không. Đơn giản là vì Hibernate không đơn giản chỉ là tắt máy và bật lại, do đó người dùng luôn thắc mắc là sử dụng chế độ này thường xuyên có gây ảnh hưởng gì tới cho máy tính hay không. Để trả lời cho câu hỏi này, các bạn hãy cùng GVN 360 đi tìm hiểu nhé.
Chế độ Hibernate là gì và cách nó hoạt động ra sao?
Hibernate là một chế độ quản lý năng lượng (power management) có sẵn bên trong các thiết bị sử dụng hệ điều hành Windows. Người dùng Windows có thể thiết lập cho máy tính ngủ đông (Hibernate) khi không sử dụng tới nhằm tiết kiệm pin và giảm đáng kể thời gian khởi động máy khi cần.
Khi ở chế độ Hibernate, PC của bạn sẽ lưu toàn bộ các tác vụ đang hoạt động trong RAM vào ổ cứng, đồng thời tắt toàn bộ hệ thống. Khi bạn khởi động lại máy, hệ thống sẽ khôi phục lại dữ liệu được lưu trong ổ cứng (boot drive) rồi mang nó lên RAM lại, cứ như thể là bạn chưa hề tắt máy tính đi vậy.
Trong chế độ Sleep, máy tính sẽ lưu các tác vụ đang hoạt động vào RAM, sau đó chuyển hệ thống sang chế độ tiết kiệm điện. Chế độ này vẫn sẽ sử dụng một lượng điện nhất định để giữ cho các dữ liệu được lưu trong RAM không bị mất đi. Trong khi đó thì chế độ Hibernate sẽ tắt toàn bộ máy tính của bạn và không sử dụng điện.
Chế độ này cực kỳ tiện lợi đối với những bạn nào có nhu cầu sử dụng máy tính thường xuyên. Ví dụ như bạn đang sử dụng laptop ở công ty thì tới giờ tan làm, bạn chỉ cần việc đóng nắp laptop lại, cho máy tính chuyển sang chế độ Hibernate rồi bỏ laptop vào balo và mang về nhà. Về tới nhà thì khi bạn mở laptop lên, máy tính sẽ khôi phục lại các tác vụ đang chạy dở lúc trước từ file Hiberfil.sys rồi chạy như bình thường. Bạn sẽ không cần phải ngồi chờ máy khởi động, và mở lại thủ công các ứng dụng đang dùng dở trên công ty như cách shutdown máy thông thường.
Chế độ Hibernate cũng rất tiện lợi khi bạn vắng nhà, và không thể đụng tới laptop được trong một khoảng thời gian dài, tuy nhiên bạn lại không muốn nó hao điện trong lúc bạn không dùng tới, cũng như là không muốn phải ngồi chờ máy khởi động khi quay về nhà. Chỉ bằng việc chuyển máy tính sang chế độ Hibernate, bạn có thể an tâm để máy tính ở đó hàng giờ, hàng ngày hoặc thậm chí hàng tuần mà không vấn đề gì.
Đối với laptop thì nút nguồn được thiết lập mặc định là sẽ bật chế độ Sleep khi bạn nhấn vào. Tuy nhiên, bạn có thể thiết lập lại cho nó bật chế độ Hibernate thay vì Sleep thông qua Power Options trong Control Panel.
Liệu máy tính có bị ảnh hưởng gì không khi sử dụng chế độ Hibernate?
Một trong những lý do khiến người dùng Windows cảm thấy lo ngại chế độ Hibernate sẽ ảnh hưởng tới máy tính là do sự hao mòn của ổ cứng cơ học khi tắt và khởi động lại thường xuyên. Tuy nhiên, trên thực tế thì các ổ cứng cơ học hiện nay đều rất bền và không chịu ảnh hưởng lớn nào do chế độ Hibernate gây ra. Trên các ổ cứng SSD thì hiện tượng này càng hiếm xảy ra.
Hibernate cũng chiếm giữ một phần không gian lưu trữ trên các ổ cứng boot drive, cụ thể là các file hiberfil.sys. Các file này được tạo ra để lưu trạng thái hiện tại của PC để sau đó khôi phục lại nó khi người dùng bật lại nguồn. Dung lượng lưu trữ thường bằng với dung lượng của RAM có sẵn trên hệ thống. Nếu bạn có không gian lưu trữ hạn chế thì có thể xóa file hiberfil.sys đi để giải phóng dung lượng.
Chế độ Hibernate sẽ khiến cho máy khởi động lâu hơn là chế độ Sleep, cho dù bạn có đang sử dụng các ổ SSD thì nó vẫn sẽ tốn thêm vài giây so với thời gian khởi động thông thường của chế độ Sleep. Tuy nhiên, đổi lại thì nó sẽ giúp bạn không bị hao pin trong quá trình không sử dụng đến máy tính mà vẫn giữ được trạng thái của PC lúc bạn rời đi.
Khi nào thì nên sử dụng chế độ Hibernate?
Bạn có thể cân nhắc sử dụng chế độ Hibernate khi bạn không có ý định sử dụng máy tính trong một khoảng thời gian dài mà vẫn muốn máy tính lưu lại những gì bạn đang dùng dở trước đó. Đối với những trường hợp không sử dụng PC trong thời gian ngắn thì bạn nên dùng chế độ Sleep, hoặc là shutdown luôn máy khi bạn không sử dụng tới nó vài ngày. Đương nhiên là tùy trường hợp cụ thể của từng người dùng mà sẽ có nhu cầu sử dụng khác nhau, tuy nhiên điểm mấu chốt ở đây đó là chế độ Hibernate hoàn toàn an toàn để sử dụng.
Quan niệm chế độ Hibernate có thể gây hại cho ổ cứng cơ thật ra không chính xác, nó chỉ là một cách hiểu sai về cách hoạt động của một chu kỳ năng lượng. Chế độ Hibernate sẽ tác động lên ổ cứng của bạn tương tự như chế độ Shutdown hay Sleep. Mặc dù ở cứng cơ phải thực hiện một vòng ghi rất lớn mỗi khi máy tính bật rồi tắt chế độ Hibernate, tuy nhiên những ảnh hưởng mà nó mang lại cho vòng đời của ổ cứng cơ là rất nhỏ.
Dù Hibernate an toàn để sử dụng nhưng bạn vẫn nên đảm bảo có thói quen restart máy để tránh các vấn đề liên quan đến các bản cập nhật đang chờ xử lý, bộ nhớ cache bị đầy không cần thiết, vân vân.
Cảm ơn các bạn đã quan tâm theo dõi!
Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:
- Vì sao trên nắp lưng của một số CPU Intel có lỗ? Keo tản nhiệt rơi vào có sao không?
- Tìm hiểu cách DDR hoạt động – “Ma thuật” của một thanh RAM
Nguồn: makeuseof