Chip Apple M1 lợi hại đến đâu mà tái định nghĩa được cả hiệu năng laptop? Mời anh em cùng khám phá
Anh em ít nhiều hẳn cũng đã biết đến tin Apple ra mắt MacBook đầu tiên trang bị M1 – con chip “cây nhà lá vườn” của Apple – và nó đã thay đổi cả cục diện mảng laptop chỉ trong 1 đêm. Lúc Apple công bố rằng chip M1 trang bị cho MacBook Air và MacBook Pro 13-inch thế hệ mới thì họ có hứa hẹn rằng hiệu năng và thời lượng pin sẽ được cải thiện đáng kể, và dĩ nhiên là giới công nghệ đã có không ít người bán tín bán nghi về chuyện này.
Tuy nhiên, khi laptop trang bị chip M1 ra mắt thì nó không những chứng minh được rằng hiệu năng của nó không thua gì đối thủ Intel mà còn khiến chip Intel phải chịu cảnh đại bại trên hầu hết mặt trận. Cụ thể hơn thì trong những bài benchmark về hiệu năng biên dịch mã (compiling code), chip Apple M1 cho thấy nó chẳng hề thua kém gì so với CPU Intel Core i9 đầu bảng dành cho laptop.
Lúc này, câu hỏi đặt ra không còn là “Liệu có nên đánh cược với chip Apple M1 mới toanh?” mà là “Các đối thủ Intel, AMD, Qualcomm sẽ phản đòn như thế nào?” Trước đây, Intel và AMD liên tục cạnh tranh với nhau về hiệu năng CPU, thời lượng pin, card đồ họa tích hợp. Bây giờ, Apple đã tạo ra một cuộc chơi cho riêng mình, và họ cũng đã ở một tầm cao khác.
Bên cạnh đó, không chỉ có phần cứng mà phần mềm của Apple cũng được cải tiến, thiết kế sao cho khai thác tối đa phần cứng bên trong máy. Được biết, chip M1 có khả năng xử lý các ứng dụng cấp thấp (low-level) trên macOS nhanh hơn đến 5 lần so với chip Intel; do Apple đã tự tay thiết kế nên con chip M1 ngay từ ban đầu nên chuyện tối ưu hơn cũng là điều dễ hiểu. Đây cũng là nguyên nhân vì sao những chiếc MacBook mới có thể làm được nhiều thứ hơn trong khi ít ngốn RAM hơn so với đối thủ Intel.
Ngoài ra, Apple còn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình với Rosetta 2 – lớp “phiên dịch” nhằm chạy các ứng dụng kiến trúc x86 trên nền tảng kiến trúc ARM của chip M1. Nhờ đó mà các ứng dụng trên nền tảng cũ có thể hoạt động mượt mà trên chip M1 mà người dùng không phải đối mặt với vấn đề hiệu năng bị sụt giảm. Vì thế, người dùng không phải hi sinh hiệu năng của phần mềm x86 khi chuyển sang nền tảng ARM, thậm chí hiệu năng có phần ngon hơn là đằng khác.
Laptop MacBook Air và MacBook Pro sẽ không phải là thiết bị hoàn hảo cho mọi người, nhất là những ai đòi hỏi hiệu năng GPU cao hoặc cần chạy các bộ công cụ đặc biệt. Nhưng khi một con laptop Apple M1 giá 1000 USD dư sức vượt mặt một chiếc MacBook Pro giá 6000 USD với cấu hình kịch kim, trang bị RAM nhiều gấp 4 lần và chip Intel xịn sò nhất, đồng thời nó còn chạy mát hơn, êm hơn trong một thân hình gọn nhẹ hơn với thời lượng pin nhiều gấp đôi thì các hãng khác sẽ phải sống sao?
Nguồn: The Verge