Cứ tưởng hết thời, nhưng màn hình CRT lại mang đến trải nghiệm gaming mà LCD không thể nào sánh bằng
Mặc dù nhìn cục mịch đó, nhưng màn hình CRT lại có ưu thế về màu sắc rực rỡ cũng như là độ trễ thấp, cho nên nó vẫn đủ khả năng giúp những tựa game PC ngày nay tỏa sáng.
Tính ra, tại thời điểm bài viết, nếu bạn mua những linh kiện mới để ráp một dàn PC gaming đủ mạnh để chiến mượt mấy trò bom tấn hiện nay thì ngót nghét cũng phải tầm 20 mấy triệu đến 30 triệu là ít. Thế nên chuyện tối ưu tiền mua linh kiện cũng là điều mà nhiều bạn game thủ đã trăn trở, và đây cũng chính là lúc màn hình CRT tỏa sáng rực rỡ nhất giữa một rừng LCD bủa vây khắp muôn nơi.
Nếu bạn có tò mò về việc chiến mấy game mới ra mắt trên màn hình CRT bây giờ trông như thế nào, thì kênh Digital Foundry có đăng tải 1 video về vấn đề này. Bạn có thể tham khảo chi tiết trong đoạn clip bên trên nhé. Cơ bản thì màn hình CRT sẽ có những lợi thế như màu sắc sống động và rực rỡ y như thật, màu đen thì sâu thẳm để tạo sự tương phản rõ rệt với màu trắng chói lóa – điều mà màn hình gaming LCD ao ước có được. Thậm chí, nếu xét về tốc độ phản hồi và độ mượt mà khi hình ảnh chuyển động thì hầu hết màn hình LCD tần số quét cao hiện nay cũng không có cửa để so với CRT đâu nhé. Theo như trong clip của Digital Foundry thì họ đã xài màn hình Sony FW900 (“Rolls-Royce” trong mảng màn hình CRT) với khả năng xuất hình 4K (tỷ lệ 16:10).
Đối với game thủ thông thường như chúng ta thì sẽ rất khó để kiếm được chiếc màn hình đó, do nó cực kỳ hiếm và cũng cực kỳ đắt. Nếu bạn đã đi theo hệ CRT thì khả năng cao bạn sẽ chọn một chiếc màn có độ phân giải tầm 900p (tỷ lệ 4:3). Tuy nhiên, trải nghiệm chơi những tựa game PC trên màn hình CRT, nhất là những trò bắn súng có tiết tấu nhanh, lại sướng hơn nhiều so với những thông số tẻ nhạt kia.
Những khu vực sáng tối đều được tái hiện rất chân thực trong mọi khung hình, với độ tương phản và tông màu nhìn cực kỳ nịnh mắt. Thậm chí, những khu vực u ám cũng trở nên rất có hồn, và mấy ánh đèn neon chớp tắt cũng tạo hiệu ứng thị giác rất đã, cứ như là mọi thứ đều vượt ra khỏi chiếc màn hình vậy.
Đặc biệt, màn hình CRT được cộng đồng game thủ retro cực kỳ yêu thích, nhất là fan của mấy trò đối kháng do họ sẽ rất cần độ phản hồi nhanh hết mức có thể, dù chỉ là một chút thôi cũng đủ để “lật kèo” rồi. Ngoài ra, những tựa game console ngày trước cũng được thể hiện một cách hoàn hảo hơn, do nó không bị xử lý bằng thuật toán để upscale lên độ phân giải cao để hiển thị trên mấy màn hình LCD ngày nay. Cơ bản thì mấy cái đường viền pixel sắc cạnh trong game đều được “vuốt” mượt mà trên màn hình CRT, kể cả những trò mới ra mắt trong những năm gần đây, kiểu như màn hình CRT được “tích hợp” tính năng khử răng cưa (anti-aliasing) vậy.
Đối với những trò PC bom tấn, điều này có thể giúp bớt ngốn tài nguyên của GPU, cho phép nó tận dụng phần sức mạnh dư đó để xử lý những cái khác như texture, ánh sáng, độ phân giải, vân vân. Nhiều khi, bạn chơi Cyberpunk 2077 bằng màn hình CRT và tắt hết các công nghệ hậu kỳ hình ảnh (post-processing) có khi còn bắt mắt hơn cả khi chơi bằng màn hình LCD nữa đó, mà hiệu năng lại còn nhỉnh hơn nữa chứ.
Tất nhiên, màn hình CRT cũng có những hạn chế của nó chứ không phải là không có. Chẳng hạn, trang PC Gamer có thử độ trễ của màn hình CRT khi chơi game Bayonetta, và họ đã gặp rất nhiều tình huống không thể né mấy đòn tấn công xảy ra bên ngoài màn hình (off-screen). Độ trễ của màn hình rất tốt chứ không phải là tệ, nhưng vấn đề nằm ở chỗ game được lập trình với logic về độ hung hăng của kẻ địch không liên quan gì đến tỷ lệ màn hình CRT của bạn cả – một vấn đề về chuyện không tương thích phần mềm. Ngoài ra, màn hình CRT cũng ngốn nhiều điện hơn so với màn hình LCD, cho nên tiền điện nhà bạn có thể tăng đó.
Mình nghĩ việc mua màn hình CRT ở Việt Nam cũng không quá khó, chỉ cần lên mạng tìm là có thể thấy ngay rất nhiều trang web đăng bán màn hình CRT, với mức giá từ 1-2 triệu đồng là bạn đã “loot” được 1 chiếc rồi.
Có điều mua về rồi thì bạn có thể gặp vấn đề trong việc sắp đặt nó trên bàn. Vì màn hình LCD bây giờ rất là mỏng, họa chăng có tăng kích thước thì cũng chỉ cần cái bàn có bề ngang lớn hơn thôi, cho nên mấy bàn gaming bây giờ đa phần là ưu tiên cho bề ngang nhiều hơn. Tuy nhiên, màn hình CRT thì ngược lại, nó ít chiếm bề ngang, nhưng lại rất cần bề dọc, cho nên đặt lên mấy cái bàn gaming bây giờ là nhiều khi bạn không còn chỗ để bàn phím nữa luôn (trừ khi bàn có ngăn chứa bàn phím và chuột riêng).
Dù vậy, đằng sau những bất cập ở trên, màn hình CRT vẫn có chỗ đứng trên bàn PC của bạn. Mỗi khi bạn mở màn hình lên là như khởi động một chiếc phi thuyền, nhất là cái nút nguồn ấn sâu vào bên trong và kêu một cái “tách” rõ to, báo hiệu là hệ thống đã được bật và chuẩn bị… hiện hình. Lúc màn hình mới hiện lên, màu sắc có thể ngả xanh ngả vàng, nhưng rồi từ từ nó sẽ hiện đúng màu và mọi thứ rực rỡ sẽ hiện ra ngay trước mắt bạn. Cứ như là ma thuật vậy!
Màn hình CRT không phải là sự lựa chọn phù hợp dành cho những game thủ muốn được trải nghiệm những công nghệ mới nhất, độ phân giải cao nhất với tần số quét nhanh nhất. Nhưng đối với những bạn có sở thích thú vị, muốn trải nghiệm cái gì đó lạ lạ thì mình thấy màn hình CRT là một khoản đầu tư xứng đáng đó nha. Hay nói một cách chính xác hơn là bạn không phải trả tiền để mua màn hình CRT, mà là trả tiền để mua những trải nghiệm mà bạn không thể nào có được với chiếc màn hình LCD.
Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:
- Xuất hiện game thủ cực dị ghép 3 màn hình CRT cổ lỗ sĩ để chiến max setting tựa game “2 triệu GB” Flight Simulator
- Mời bạn chiêm ngưỡng 1 game Doom được chơi bởi 4 “anh” PC lớn tuổi khác nhau
- YouTuber biến PC Hot Wheels và Barbie thập niên 90 thành “quái vật” chiến game
- Màn OLED bền hơn xưa như nào mà các hãng tự tin lắp lên laptop? Đây là câu trả lời cho bạn
- Màn hình cũng lỗi thời nhanh chẳng kém phần cứng PC, chỉ là chúng ta ít để ý mà thôi
- Bạn có nhớ ngày xưa đồ điện bị hỏng thì “đập” vài cái là hết không?
- Nam châm có làm hỏng laptop hay không? Đây là câu trả lời dành cho bạn
Nguồn: PC Gamer