Cục u trên nòng pháo có tác dụng gì mà hầu như xe tăng hiện đại nào cũng có?
Hầu hết các mẫu xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại của Mỹ, Anh, Đức… đều có một cục u trên nòng pháo. Thiết bị này có thể gọi nôm na là cái “bầu hút khói”, tuy có cấu tạo rất đơn giản nhưng lại hiệu quả để tống khói thuốc súng (khí thuốc phóng) ra khỏi xe tăng. Và để biết vì sao bầu hút khói lại phổ biến như vậy thì mời bạn tìm hiểu cùng mình, bắt đầu từ việc khói thuốc súng phiền phức như thế nào đối với xe tăng nhé.
Kíp lái xe tăng thế hệ cũ và nỗi ám ảnh khói thuốc súng
Trong một chiếc xe hơi mà có một ông hút thuốc thôi là nguyên xe đã lãnh đủ rồi. Trong xe tăng thì chuyện còn tệ hơn nữa, nhất là khi xe tăng thường bí khí, và khói thuốc lá chẳng là gì so với khói thuốc súng (khí thuốc phóng).
Các xe tăng thế hệ cũ thường nạp đạn từng viên bằng tay nên mỗi khi khóa nòng mở ra thì nguyên cái nòng pháo sẽ thông với tháp pháo. Lúc đó bạn thậm chí có thể nhìn vào trong tháp pháo từ ngoài nòng pháo luôn. Mỗi khi bắn xong thì cả cái nòng pháo sẽ chứa đầy hỗn hợp khói thuốc súng, bao gồm những loại khí độc hại như CO, CO2, H2S,…
Cứ mỗi khi người ta mở khóa nòng ra để nạp một viên đạn mới thì khói thuốc súng sẽ được dịp tràn vào trong xe. Ông lái xe ngồi dưới thân xe còn đỡ, chứ ông nạp đạn và ông xạ thủ ngồi trong tháp pháo, kế bên khẩu pháo thì lãnh đủ. Nếu là khi nâng nòng để pháo kích tầm xa hoặc đang núp lùm phục kích thì kíp lái có thể cân nhắc mở các cửa trên xe tăng cho thoáng khí. Nhưng lúc đang bắn nhau ác liệt thì họ chỉ đành đóng nắp chịu trận và cầu mong cho mình đừng ngất vì hít quá nhiều khói thuốc thôi.
Để giải quyết mớ khói thuốc này thì các kỹ sư đã nghĩ ra được một giải pháp, đó là gắn một cái bầu hút khói (bore evacuator) trên nòng pháo.
Một cái bầu hút khói đơn giản là đủ giải quyết vấn đề
Bầu hút khói là một cái khoang rỗng, bọc bên ngoài nòng pháo. Nó thông với nòng pháo qua vài van 1 chiều trên nòng. Khi nòng pháo được khai hỏa, thuốc súng tạo ra áp lực rất lớn để đẩy viên đạn đi. Một phần khí trong nòng pháo sẽ theo các van 1 chiều đi vào buồng hút khói. Khi viên đạn đã bay ra khỏi nòng pháo và áp lực trong nòng pháo trở lại bình thường thì lượng khí nén trong buồng hút khói sẽ được xả lại vào trong nòng pháo, theo hướng miệng nòng.
Lượng khí đó khi thoát ra khỏi miệng nòng pháo sẽ tạo một áp lực để hút sạch khói thuốc súng ra bên ngoài. Nhờ buồng hút khói này mà kíp lái xe tăng có thể yên tâm chiến đấu trong xe tăng đóng kín mà không sợ ngạt khói như ngày xưa nữa.
Chính vì có cấu tạo đơn giản nhưng lại hiệu quả và thiết thực nên bầu hút khói được trang bị trên hầu hết các mẫu xe tăng hiện đại. Điển hình là các phiên bản của những dòng xe tăng như M1 Abrams (Mỹ), Leopard 2 (Đức), Challenger 2 (Anh), Merkava (Israel).
Cũng có vài mẫu xe tăng hiện đại không dùng bầu hút khói
Khoang kíp lái của T-14 tách hoàn toàn với tháp pháo
Đương nhiên là cũng có một vài mẫu xe tăng không cần đến bầu hút khói, điển hình là dòng Leclerc của Pháp và T-14 Armata của Nga. Trong đó Leclerc 2 thay vì dùng bầu hút khói thì nó dùng khoang cao áp trong xe để đẩy khói thuốc súng ra bên ngoài. T-14 Armata thì có thiết kế tiên tiến với tháp pháo không người, toàn bộ kíp lái đều ngồi trong thân xe, tách hẳn với tháp pháo nên cũng không cần bầu hút khói làm gì.
Nòng súng không có bầu hút khói của xe tăng dòng Leclerc
Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:
- Xe tăng gắn động cơ phản lực thì sẽ như thế nào?
- Súng đã mất hàng thế kỷ để “tiến hóa” lên nòng xoắn, thế sao xe tăng hiện đại lại quay về nòng trơn?
Tham khảo: Wikipedia – bore evacuator, Leclerc tank, T-14 Armata