Cùng tìm hiểu về tiêu chuẩn DisplayHDR, thứ làm đôi mắt bạn phê pha
Nếu bạn đang tìm hiểu về màn hình thì mình dám cá là kiểu gì bạn cũng sẽ gặp tiêu chuẩn DisplayHDR. Đây là một tiêu chuẩn chung, được đặt ra để mang đến cho người dùng cái nhìn khách quan về khả năng thể hiện màu sắc của màn hình, từ đó có cho mình những sự lựa chọn đúng đắn. Sau đây chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu về DisplayHDR các bạn nhé.
HDR là một khái niệm chỉ khả năng thể hiện màu sắc sống động hơn tiêu chuẩn thông thường
HDR là viết tắt của “high dynamic range”. Đây là một khái niệm chỉ khả năng thể hiện màu sắc của màn hình, cho phép hiển thị hình ảnh sống động như thật. Màn hình có thể đạt được “cảnh giới” HDR khi nó thể hiện được các điểm sáng sáng hơn, bóng tối tối hơn và dải màu rộng hơn SDR (viết tắt của standard dynamic range). Nói cho dễ hiểu thì màn hình HDR có khả năng hiển thị hình ảnh và video chân thực hơn.
HDR là một khái niệm khá mông lung, thế nên người ta phải đặt tiêu chuẩn cho nó
Mỗi mẫu màn hình lại có khả năng hiển thị hình ảnh khác nhau, có mẫu thì có độ tương phản cao, có mẫu thì cho màu đen sâu, có mẫu thì sở hữu độ sáng lớn. Vì thế khả năng thể hiện HDR của chúng cũng khác nhau. Nếu không được tiêu chuẩn hóa thì thuật ngữ “HDR” có thể gây ra nhiều hiểu lầm cho người dùng.
Vì thế mà Hiệp hội Tiêu chuẩn Điện tử Video (VESA) đã giới thiệu hệ tiêu chuẩn DisplayHDR vào năm 2017. Hệ tiêu chuẩn này sẽ giúp người dùng có thể dễ dàng xác định được được hiệu suất HDR của một chiếc màn hình.
Hệ tiêu chuẩn DisplayHDR tập hợp những thông số kỹ thuật cố định để đánh giá khả năng hiển thị HDR của màn hình. Với hơn 20 công ty có máu mặt trong làng công nghệ tham gia vào quá trình phát triển và triển khai, tiêu chuẩn này đã được áp dụng rộng rãi.
Về căn bản thì DisplayHDR là một thước đo để chia khả năng thể hiện hình ảnh HDR của màn hình thành những cấp bậc khác nhau. Mỗi một cấp bậc như thế lại có những tiêu chuẩn nhỏ về như độ sáng, dải màu, độ sâu màu,… trong đó thì quan trọng nhất là độ sáng, chỉ số độ sáng tối thiểu được đặt ngay trong tên của từng mốc tiêu chuẩn (Ví dụ như màn hình đạt tiêu chuẩn DisplayHDR 400 thì ít nhất nó phải sáng đến 400nit).
Có 5 mốc tiêu chuẩn DisplayHDR cho màn hình LCD và 3 cho OLED
Ban đầu thì VESA chỉ hướng đến mục tiêu là những chiếc màn hình LCD. Tuy nhiên sau đó, vào năm 2019 thì họ tiếp tục cho ra đời tiêu chuẩn DisplayHDR True Black dành cho những chiếc màn hình có điểm ảnh tự phát sáng mà điển hình là OLED. Giờ thì chúng ta có 8 tiêu chuẩn màn hình DisplayHDR như sau.
DisplayHDR 400
DisplayHDR 400 là mức tối thiểu để một chiếc màn hình được công nhận là màn hình HDR. Nó cần có độ sáng tối thiểu 400nit, độ phủ màu 95% dải màu sRGB, độ sâu màu 8-bit và global dimming đủ điều kiện.
Do không có tính năng local dimming (đèn nền cục bộ), không có độ sáng tối đa lớn và không có dải màu rộng nên màn hình DisplayHDR 400 cũng không thuộc hàng đỉnh cao gì trong thế giới của màn hình HDR. Tuy nhiên dù sao thì nó cũng cho chất lượng hình ảnh tốt so với màn hình SDR thông thường.
DisplayHDR 500
Tiêu chuẩn DisplayHDR 500 nhìn sơ qua thì chỉ có một chút nâng cao so với DisplayHDR 400 mà thôi. Tuy nhiên nó yêu cầu màn hình phải có đèn nền cục bộ, cho khả năng làm sáng theo vùng. Ngoài ra thì màn hình cũng phải có độ sâu màu 10-bit và độ phủ màu ít nhất 90% của không gian màu DCI-P3. Tính đến tháng 3 năm 2022, chỉ có 2 mẫu laptop đạt tiêu chuẩn DisplayHDR 500.
DisplayHDR 600
DisplayHDR 600 về cơ bản yêu cầu thông số kỹ thuật tương tự như 500, chỉ khác là có độ sáng cao hơn một chút mà thôi. Màn hình DisplayHDR 600 có khả năng thể hiện hình ảnh HDR rất khá vì độ sáng tối đa cao hơn đáng kể so với màn hình SDR.
DisplayHDR 1000
DisplayHDR 1000 là một bước nhảy vọt so với DisplayHDR 600. Mặc dù nó có các yêu cầu về dải màu chính xác như mức 500 và 600 nhưng mức 1000 có yêu cầu màn hình phải có màu đen tối hơn, sâu hơn. Do đó mà màn hình DisplayHDR 1000 thể hiện các chi tiết trong cảnh tối tốt hơn đáng kể khi chiếu nội dung HDR.
Ngoài ra thì yêu cầu về độ sáng đỉnh của màn hình đạt chuẩn DisplayHDR 1000 cũng rất lớn. Nhờ đó mà nó có thể tái hiện tốt những điểm sáng nhỏ. Tóm lại thì màn hình đạt chuẩn DisplayHDR 1000 là tuyệt vời để tận hưởng hoặc sáng tạo nội dung HDR. Nếu bạn thắc mắc HDR là gì thì hãy trải nghiệm một chiếc màn hình cỡ này. Đảm bảo nhìn phát là hiểu ngay
DisplayHDR 1400
DisplayHDR 1400 là tiêu chuẩn cao nhất hiện tại của VESA đặt ra cho khả năng thể hiện nội dung HDR của màn hình LCD. Tiêu chuẩn này yêu cầu màn hình phải có khả năng đạt 99% dải màu BT.709 và 95% dải DCI-P3. Độ tương phản, độ sáng đỉnh và độ sáng toàn màn hình cũng phải tốt hơn. Màn hình đạt tiêu chuẩn DisplayHDR 1400 rất ít và rất đắt tiền, chúng đều mang trong mình những công nghệ mà các hãng màn hình, TV tự hào.
DisplayHDR True Black 400, 500 và 600
Tiêu chuẩn DisplayHDR True Black sinh ra là dành cho những chiếc màn hình có pixel tự phát sáng. Vì màn hình OLED không cần đèn nền cục bộ, có độ đen hoàn hảo và tỷ lệ tương phản gần như vô hạn, các cấp tiêu chuẩn DisplayHDR True Black chủ yếu khác nhau về độ sáng.
Nhờ tỷ lệ tương phản bá đạo mà màn hình DisplayHDR True Black có thể mang lại trải nghiệm HDR ấn tượng, ngay cả ở mức DisplayHDR True Black 400 và 500 chứ không như màn hình LCD.
Cách nhận biết màn hình HDR xịn và HDR dỏm
Bạn có thể xác định được màn hình của mình có đạt tiêu chuẩn DisplayHDR của VESA hay không bằng cách xem bao bì sản phẩm. Người ta sẽ có ghi luôn cấp độ tiêu chuẩn như DisplayHDR 400 hoặc DisplayHDR 1000. Ngoài ra bạn cũng có thể tra trên trang danh sách màn hình đạt chứng nhận HDR chính chủ của VESA.
Lưu ý rằng một số mẫu màn hình được ghi thông tin đơn giản là HDR-400 hoặc HDR-600 mà không có nhãn hoặc logo DisplayHDR thì không phải là sản phẩm được chứng nhận một cách chính thức. Có thể chúng vẫn có thể hiển thị nội dung HDR ở một mức độ nào đó những có khi còn thua cả tiêu chuẩn thấp nhất là DisplayHDR 400.
DisplayHDR là tiêu chuẩn, còn HDR10 là định dạng
HDR10 và DisplayHDR khá khác nhau. Trong đó thì HDR10 là tiêu chuẩn định dạng của của hình ảnh, chỉ chất lượng của dữ liệu hình ảnh. Còn DisplayHDR thì lại là tiêu chuẩn của màn hình, chỉ khả năng thể hiện màu sắc của màn hình. Màn hình DisplayHDR dù có đỉnh đến đâu mà không có nội dung đạt một tiêu chuẩn HDR, điển hình như HDR10 cho nó chiếu lên thì cũng không có đất mà dụng võ.
Hiện tại thì tiêu chuẩn DisplayHDR không yêu cầu màn hình phải hỗ trợ định dạng nào khác ngoài HDR10. Tuy nhiên nó cũng không cấm màn hình hỗ trợ định dạng HDR khác. Thế nên một số màn hình đạt tiêu chuẩn DisplayHDR có thể hỗ trợ các định dạng HDR khác như Dolby Vision và HLG.
DisplayHDR là một tiêu chuẩn hữu ích trong thời đại mới.
Trong một thị trường đầy rẫy thuật ngữ tiếp thị rối rắm và các thông số kỹ thuật chưa được kiểm chứng, tiêu chuẩn DisplayHDR mang đến cho bạn – một người tiêu dùng – thông tin cần thiết để hình dung được khả năng hiển thị nội dung HDR của một chiếc màn hình. Nói cách khác là DisplayHDR có thể hỗ trợ người đi mua màn hình trong việc đưa ra phán đoán chính xác hơn, ít nhất là về khoản hiển thị màu sắc của màn hình.
Trên đây là bài viết về tiêu chuẩn DisplayHDR của VESA cũng như ý nghĩa của nó với người dùng trong giai đoạn hiện nay. Hy vọng nó đã mang đến cho các bạn những thông tin hữu ích, cảm ơn các bạn vì đã đọc và chúc các bạn được trải nghiệm những chiếc màn hình ngày càng đỉnh hơn.
Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:
- Độ bao phủ màu và các dải màu cơ bản của màn hình phổ thông
- Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng lưu ảnh trên màn hình và cách hạn chế
Nguồn: HowToGeek