Đánh giá AMD Radeon RX 7600 ở FullHD - Max setting mọi game AAA vượt ngưỡng 60 fps
AMD Radeon RX 7600 là GPU tuyệt vời để max setting game AAA ở độ phân giải 1080p@60fps, và vì card có 8GB VRAM nên bạn cũng chỉ nên bắt cặp nó với màn hình FullHD thôi nhé.
Sau khi gây tiếng vang trong cộng đồng gaming với bộ đôi RX 7900 XTX và RX 7900 XT ở phân khúc cao cấp, AMD đã tiếp tục ra mắt RX 7600 để mang đến cho phân khúc tầm trung một chiếc card đủ sức chiến game 1080p@60fps max setting với mức giá dễ tiếp cận – 269 USD. Có thể thấy RX 7600 được sinh ra là để đáp ứng nhu cầu của các game thủ có kinh phí tương đối hạn chế nhưng vẫn muốn trải nghiệm mấy trò đình đám một cách trọn vẹn trên màn FullHD.
Cũng cần nói trước rằng RX 7600 không phải là chiếc card “nhiệm màu”, cho nên nó không thể nào thay thế được cho những con card RX 6000 series cao cấp đâu nhé. Nôm na thì đây sẽ là một giải pháp tối ưu, một chiếc card lý tưởng cho những game thủ tầm trung muốn nâng cấp card của mình để cải thiện hiệu năng gaming, cũng như là tận hưởng những công nghệ xịn sò nhất mà AMD RX 7000 series có thể mang lại (như FSR chẳng hạn). Để dễ hình dung thì nếu bạn đang xài mấy con card ra mắt tầm 5-6 năm về trước như AMD RX 580 hay Nvidia GTX 1060 thì RX 7600 sẽ là ứng cử viên sáng giá cho bạn nâng tầm trải nghiệm đó.
Thông số kỹ thuật AMD Radeon RX 7600:
- Chip đồ hoạ: Navi 33
- Kiến trúc: RDNA 3
- Tiến trình: 6 nm (TSMC)
- Xung nhịp game: 2250 MHz
- Xung nhịp boost: 2655 MHz
- Bộ nhớ: 8 GB GDDR6 (128-bit) – băng thông 288 GB/s
- Nguồn phụ: 1 x 8 pin
- Giao tiếp: PCIe 4.0 x8
- Giá tham khảo từ AMD: 269 USD
Vì đây là một chiếc card tầm trung với TDP chỉ có 165 W nên bản thân nó cũng không cần tản nhiệt to nạc như đàn anh RX 7900 series. Bằng chứng là phiên bản reference mà GVN 360 bọn mình được trên tay chỉ cần xài 2 quạt tản nhiệt là đủ, vì thế nên card khá là ngắn và cũng chỉ dày tầm 2 khe PCIe mà thôi. Nếu bạn nào đang cần build một bộ PC gaming nhỏ gọn thì đây sẽ là một điểm cộng nhé. Ngoài ra, vì card đồ họa hiện nay cũng chưa thể xài hết băng thông của PCIe 3.0 x16, cho nên việc xài PCIe 4.0 x8 (băng thông tương đương PCIe 3.0 x16) mà không xài PCIe 4.0 x16 trên card RX 7600 cũng không quá quan trọng đâu nhé.
Thật ra, thông số của RX 7600 không có gì đáng chú ý cho lắm, nhưng có một cái mà mình muốn lưu ý với các bạn, đó là dung lượng VRAM. Con số 8GB tại thời điểm bài viết vẫn đủ để chiến game 1080p max setting đó; nhưng sự thật là bây giờ, trong làng game đã có một vài trò ngốn nhiều hơn 8GB VRAM dù chỉ chơi ở độ phân giải FullHD, chẳng hạn như trò Star Wars Jedi: Survivor ra mắt hồi cuối tháng 4/2023 có thể ngốn hơn 10GB VRAM khi chỉnh lên max setting (thiết lập Epic) ở độ phân giải 1080p. Với cái đà này thì trong vòng 1-2 năm tới, RX 7600 sẽ khó thể nào mà max setting những tựa game bom tấn như Grand Theft Auto VI chẳng hạn.
So với RX 6600 series thì RX 7600 không có nhiều tính năng nổi trội cho lắm. Được cái là RX 7600 có hỗ trợ encode AV1 và xuất hình qua cổng DisplayPort 2.1 (băng thông tối đa lên đến 54 Gbps, nhiều hơn 67% so với thế hệ tiền nhiệm). Cơ bản thì RX 7600 không có nhiều thứ để mổ xẻ về mặt thông số, cho nên chúng ta cùng đi tiếp đến phần hiệu năng luôn nhé.
AMD Radeon RX 7600 max setting bom tấn ở độ phân giải 1080p ngon lành, và FSR sẽ giúp game thủ an tâm hơn về mặt đường dài
Để trải nghiệm hiệu năng của AMD Radeon RX 7600, GVN 360 bọn mình đã sử dụng dàn testbench sau đây:
- CPU: Intel Core i9-13900K
- Tản nhiệt: Corsair H150i ELITE CAPELLIX LCD
- RAM: 2 x 16GB Corsair Vengeance RGB DDR5-6000 (36-36-36-76)
- Bo mạch chủ: ASUS ProArt Z790-Creator WiFi
- Card màn hình: AMD Radeon RX 7600
- SSD: 512GB Plextor M9P
- PSU: FSP Hydro G PRO ATX3.0 (PCIe 5.0) 1000W
- Hệ điều hành: Windows 11 Professional 64-bit 22H2
- Driver: Adrenalin 23.5.1
3DMark Time Spy
3DMark Time Spy Extreme
Superposition Benchmark (1080p Extreme)
Superposition Benchmark (4K Optimized)
Bên trên là một số bài test bằng những phần mềm synthetic phổ biến hiện nay để các bạn tiện tham khảo. Còn dưới đây sẽ là các con số fps sau khi mình đã test thực tế trong một số tựa game nổi tiếng.
Shadow of the Tomb Raider
Shadow of the Tomb Raider – ray tracing
Khi bật max setting trong trò Shadow of the Tomb Raider ở độ phân giải 1080p, RX 7600 có thể kéo hơn 80 fps – một con số tương đối dư dả cho những bạn nào đang xài màn FullHD@60Hz. Nhưng nếu màn hình của bạn có tần số quét cao hơn, như 144Hz chẳng hạn, thì phải chịu khó hạ setting xuống 1-2 nấc thì mới đạt được mức fps lý tưởng.
Thế nhưng nếu bạn có ý định max setting luôn cả ray tracing (Ultra) trong trò này thì bạn nên cân nhắc kỹ nhé. Lý do là vì lúc này fps tụt còn có 53 fps mà thôi, cho nên nếu muốn đạt ngưỡng 60 fps (hoặc 70 fps cho an tâm) thì đành phải chấp nhận chuyện hạ setting ở một số mục để tăng fps. Thật ra mà nói thì có một số thiết lập đồ họa khi đẩy lên mức cao nhất không giúp hình ảnh đẹp hơn bao nhiêu so với mức thiết lập liền kề trước nó, nhưng khác biệt về mặt hiệu năng lại rất rõ ràng; vì vậy, các bạn nên bỏ ra một ít thời gian nhằm tối ưu các tùy chỉnh để có chất lượng hình ảnh ưng ý mà vẫn đảm bảo về mặt fps nhé.
Sẵn có trò đối kháng huyền thoại Street Fighter 6 mới ra mắt hồi đầu tháng 6/2023 nên mình lôi ra benchmark luôn. Cơ bản thì chưa cần test là mình cũng đoán trước được rằng Street Fighter 6 sẽ không thể nào làm khó được RX 7600 khi chỉnh max setting ở độ phân giải 1080p, vì mấy trò đối kháng xưa giờ không hề sát cấu hình như những bom tấn Crysis hay Cyberpunk 2077. Tiếc một điều rằng Street Fighter 6 bị giới hạn ở mức 120 fps (vì một số lý do liên quan đến tính cân bằng trong gameplay giữa các nền tảng) nên RX 7600 không thể tỏa sáng hết cỡ được. Nếu bạn không chơi Street Fighter 6 nhưng những trò mà bạn chơi có yêu cầu cấu hình tương tự (Street Fighter 6 khuyến nghị xài GPU RTX 2070 hoặc RX 5700 XT) thì khả năng cao là RX 7600 vẫn đủ sức để gánh nhé.
Red Dead Redemption 2
Red Dead Redemption 2 – FSR Quality
Red Dead Redemption 2 – FSR Performance
Đến bom tấn thế giới mở Red Dead Redemption 2 thì tuy đây là game không có ray tracing xịn sò, nhưng nó vẫn sát phần cứng chứ không đùa đâu nhé. Bằng chứng là khi bật max setting ở độ phân giải 1080p, RX 7600 chỉ kéo được chưa tới 40 fps. Vì game có những tay cao bồi thích đọ súng, cho nên 40 fps rất khó để mà chấp nhận được trên PC. May mà game có hỗ trợ công nghệ FSR 2.1, cho nên mình cũng đã bật chế độ Quality xem sao, và kết quả là fps trung bình đã bắn lên 66 fps ngon lành. Trường hợp bạn muốn an tâm hơn, phòng hờ những pha đấu súng kịch liệt thì có thể chỉnh sang chế độ Balance hoặc Performance để có thêm hiệu năng. Tuy nhiên, lúc này bạn sẽ phải hi sinh chất lượng hình ảnh, cho nên tùy nhu cầu mà bạn có thể chọn chế độ phù hợp nhé.
Call of Duty: Modern Warfare II
Call of Duty: Modern Warfare II – FSR Quality
Đối với tựa game bắn súng đình đám Call of Duty: Modern Warfare II, RX 7600 có thể dễ dàng kéo max setting 1080p và đạt hơn 100 fps. Nếu bạn xài màn hình gaming có tần số quét cao thì có thể bật FSR để tăng hiệu năng. Game cũng có các chế độ trải dài từ Quality đến Performance, tùy nhu cầu mà bạn có thể chọn để có trải nghiệm đúng ý nhất. Chẳng hạn, mình bật thử chế độ Quality thì game đạt trung bình 142 fps – vừa đủ cho màn hình 144 Hz.
Cyberpunk 2077
Cyberpunk 2077 – FSR Ultra Performance
Cyberpunk 2077 – ray tracing
Cyberpunk 2077 – ray tracing, FSR Quality
Cyberpunk 2077 sát cấu hình có tiếng luôn rồi, cái này thì game thủ cũng không còn gì lạ nữa. Ấy vậy mà RX 7600 vẫn đủ sức chiến max setting 1080p mà vẫn đạt 65 fps hẳn hoi đó nha. Thế mới thấy tuy RX 7600 không quá nổi trội nhưng điều đó không có nghĩa là chiếc card tầm trung này sẽ khuất phục trước những tựa game AAA hiện nay. Trường hợp bạn cần thêm hiệu năng thì có thể bật thêm FSR, như mình có thử bật ở chế độ Ultra Performance thì fps lên tới 160 fps (tức là 2,5 lần), bao mượt luôn. Còn nếu bạn muốn hình ảnh đẹp hơn thì có thể chỉnh sang Performance hoặc Balance cũng được.
Tuy nhiên, câu chuyện sẽ khác nếu bạn bật thêm ray tracing ở mức cao nhất (Psycho). Mức fps bây giờ chỉ còn dưới 20 fps, ai khóc nỗi đau này… Tình hình có khá hơn đôi chút khi mình bật thêm FSR ở chế độ Quality, và fps bây giờ đã tăng lên 35 fps rồi. Tuy “cố đấm ăn xôi” vẫn được đó, nhưng chơi game hành động trên PC với tốc độ khung hình 35 fps thì thôi bật Netflix xem Cyberpunk: Edgerunners có khi còn sướng hơn.
Tại thời điểm bài viết này, mình có thử chuyển FSR sang chế độ Performance và Ultra Performance, nhưng cả 2 trường hợp game đều bị crash giữa lúc chạy benchmark. Đây có thể là lỗi driver hoặc do game tối ưu chưa tốt; hi vọng những bản cập nhật trong tương lai sẽ khắc phục lỗi này. Mà dù có bật được Ultra Performance đi chăng nữa thì mình cũng không đặt ngôi sao hy vọng trong trường hợp này, do nếu áp dụng “công thức” x2,5 hiệu năng khi chuyển sang Ultra Performance như ban nãy thì fps lúc này cũng chỉ đạt tầm 47,5 fps – vẫn chưa đủ tiêu chuẩn 60 fps đối với phần lớn game PC ngày nay.
AMD Radeon RX 7600 kéo max setting 1080p@60fps ngon lành, thích hợp để chiến game AAA trên màn hình FullHD
Trong phân khúc tầm trung, RX 7600 là chiếc card RX 7000 series có mức giá mềm nhất của nhà AMD mà vẫn đảm bảo hiệu năng đạt 60 fps khi kéo max setting ở độ phân giải 1080p. Với sự hỗ trợ của công nghệ FSR thì hiệu năng của RX 7600 sẽ càng tăng thêm nữa, giúp bạn an tâm hơn trong tương lai. Và kỳ vọng của game thủ cũng chỉ nên dừng ở mức đó mà thôi, vì khi bật thêm ray tracing thì đó không còn là sân chơi của RX 7600 nữa (dù gì thì ray tracing cũng không hẳn là thế mạnh của RX 7000 series nói chung và RX 7600 nói riêng), hoặc khi đẩy lên độ phân giải 1440p (2K) thì RX 7600 sẽ lộ rõ điểm yếu của mình khi VRAM chỉ có vỏn vẹn 8GB.
Như mình có đề cập ở đầu bài viết, với mức giá từ 269 USD, RX 7600 sẽ là ứng cử viên phù hợp cho các game thủ chưa sẵn sàng đập quá nhiều tiền vào GPU nhưng vẫn có nhu cầu chơi mượt những tựa game AAA ở mức thiết lập đồ họa cao nhất trên màn hình FullHD.
Một số hình ảnh khác của AMD Radeon RX 7600:
Mời bạn tham khảo các dòng card AMD Radeon 7000 series đang bán tại GearVN:
https://gearvn.com/collections/radeon-rx
Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như: