Điểm mặt một số loài cá có thể thở trên cạn
Theo kiến thức thông thường thì cá không thể thở trên cạn. Tuy nhiên một số loài cá đặc biệt vẫn có thể thở chung một bầu không khí với chúng ta, mang đến cho chúng những ưu thế sinh tồn bá đạo. Sau đây mình xin chia sẻ một số thông tin hay ho về vài loài cá như vậy, cùng với đó là một số kinh nghiệm thực tế của mình với chúng. Hy vọng bài viết sẽ mang đến cho các bạn những thông tin thú vị.
Họ cá trê
Họ cá trê ở Việt nam có rất nhiều loài, nhỏ thì cỡ cùm tay mà to thì bằng bắp đùi hoặc hơn. Nhìn chung thì chúng đều có khả năng thích nghi cực kỳ cao, ít bệnh nên trên đất Việt Nam này đi đâu cũng thấy cả. Từ kênh rạch, ao hồ hay đồng ruộng, dù nước sạch hay nước bẩn thì bạn đều có thể bắt gặp lũ cá trê này.
Cá trê có khả năng sống khỏe trong những vũng nước cực kỳ nghèo oxy hay thậm chí là thở trên cạn hàng tiếng đồng hồ nữa. Bí mật là nằm ở một cơ quan thở đơn giản nằm trên đầu, gần khoang mang của chúng. Mình từng câu dính một con cá trê nhỏ rồi đem về nuôi. Đêm nọ nó nhảy ra ngoài bể rồi nằm cả đêm đến khi khô cả da và vây quéo lại, thế mà khi thả vào nước lại thì vẫn sống.
Cơ mà con cá trê đó của mình cũng rất dễ nuôi nhé, nó ăn rất khỏe và ăn tạp hơn cả chó, thay nước máy cũng không bị sốc nước và không cần cho sục oxy trong bể. Bạn nào mà chưa có kinh nghiệm nuôi cá nhưng muốn nuôi 1 con chơi thì mình nghĩ cá trê là vô cùng hợp lý, chúng vừa rẻ, nhìn vừa vui mắt lại vô cùng dễ nuôi. Tuy nhiên nhớ đậy nắp hồ cho kỹ nhé vì bọn này bay nhảy ghê lắm.
Họ cá lóc
Đối với người Việt Nam cũng không lạ gì bọn này nữa rồi. Người ta có thể cho chúng vào mâm mà bán ngoài chợ, cứ lâu lâu dội nước một lần là để cả ngày cũng không sao. Lý do là chúng có hệ thống mang tiến hóa để thở bằng khí trời. Khả năng thở khí trời cho phép cá lóc sống trong môi trường nước cực nghèo oxy, thậm chí chúng có thể trườn bò trên cạn để tìm môi trường sống mới. Miễn là da không bị khô và mang còn ẩm ướt thì cá lóc có thể sống hàng giờ, đôi khi là cả ngày luôn.
Ở một số khu vực bên Mỹ thì cá lóc được xem là loài xâm lấn nguy hiểm vì chúng hung dữ, tàn sát sinh vật bản địa, sinh sản nhanh và vượt cạn siêu giỏi. Ở Việt Nam mình vừa giăng lưới, chặn mương, câu cá, chích điện mà cá lóc còn không tuyệt chủng nổi thì người Mỹ bó tay cũng là điều dễ hiểu (riêng cá lóc bông thì hiện nay đã ít thấy trong tự nhiên).
Còn một thông tin mà mình nghĩ là đa số các bạn không đi câu sẽ không biết, đó là cá lóc có thể sống trong môi trường nước mặn. Mình đã từng vài lần câu được cá lóc trong các ao nước nhiễm mặn ở Long An, chúng vẫn khỏe và nhanh nhẹn như trong môi trường nước ngọt vậy, chỉ là thịt không ngọt và dai ngon như cá lóc đồng thôi. Mình còn nghe một số anh em đi câu cá chung với mình kể lại rằng họ câu được cá lóc trong vuông muối luôn, tuy nhiên bản thân mình thì chưa tận mắt thấy nên chưa dám nói chắc. Bạn nào biết thì xác nhận giúp mình nhé.
Cá rô đồng
Tương tự như cá lóc, cá rô đồng cũng có thể vượt cạn nhờ khả năng thở khí trời. Bí quyết là nằm ở một cơ quan hô hấp đặc biệt dưới mang gọi là là mang phụ, cho phép chúng có thể hấp thụ được oxy trong không khí. Nhờ đó mà chúng có thể sống ngoài môi trường nước hàng tiếng đồng hồ mà không gặp vấn đề gì cả. Loài cá này còn đặc trưng ở chỗ chúng có vảy cứng, nắp mang sắc có răng cưa và dàn xương vây lưng cứng nhọn để tự vệ khi bị tóm. Đã vậy cá rô đồng còn có nhiều xương dăm, ăn không cẩn thận dễ mắc xương nữa. Bù lại thì thịt cá rô đồng rất dai, ngọt, thơm ngon và bổ cho người ốm nữa.
Mình có lời khuyên cho bạn nào chưa từng bắt loài cá này là nếu có gặp chúng thì không được cầm bằng tay không. Các xương vây lưng của chúng có thể xuyên qua da một cách dễ dàng, nắp mang sắc lẻm của chúng cũng có thể cứa đứt tay. Vết thương do các rô đồng gây ra theo cảm nhận của mình là đau nhức hơn nhiều so với vết thương do vật sắc bình thường đấy.
Họ cá thòi lòi
Cái bọn cá thòi lòi, bống sao này thì bạn nào ở vùng có nhiều kênh rạch chắc cũng không lạ gì chúng, đặc biệt là những chỗ nhiều bùn. Chúng thường đào hang ở mấy bãi sình ven sông và trong các đầm lầy, từ nơi nước ngọt cho đến cửa biển luôn. Họ cá thòi lòi đặc biệt hơn nhiều loài cá trong danh sách này ở chỗ chúng sống trên cạn thậm chí còn nhiều hơn ở dưới nước. Nếu có cơ hội quan sát chúng ngoài thực tế thì bạn sẽ thấy chúng dành phần lớn thời gian của mình để lăn lộn, kiếm ăn, cắn nhau và bay nhảy trên những bãi sình lầy.
Bí mật là nằm ở việc chúng có thể đóng kín nắp mang lại để trữ một chút nước trong khoang miệng, giữ cho mang luôn ẩm dù đang ở trên cạn. Ngoài thở bằng mang, chúng còn có thể trao đổi oxy qua da và qua mao mạch trong khoang miệng nữa, từ đó chúng có thể thoải mái sống trên cạn mà không lo chết ngạt.
Họ cá phổi
Nghe là mấy bạn chắc cũng biết vì sao chúng sống được ngoài không khí rồi đúng không nào? Cá phổi được xem là hóa thạch sống vì chúng còn giữ được lá phổi và nhiều đặc điểm nguyên thủy khác từ tổ tiên chúng cách đây hàng trăm triệu năm. Do thở bằng không khí nên nếu ở dưới nước quá lâu mà không được ngoi lên thở thì chúng sẽ chết ngạt.
Trong mùa khô ở châu Phi thì cá phổi còn có thể tạo kén dưới lòng đất để sống hàng tháng trời với lượng nước vô cùng ít ỏi trong kén, khi mưa về thì chúng lại chui ra sống tiếp. Người dân ở đây thậm chí còn có thể đào kén cá phổi như đào khoai vậy. Ở Việt nam thì loài này thường được xem là cá cảnh vì hình dạng độc đáo của chúng
Cá hải tượng
Cá hải tượng là một trong những loài cá nước ngọt lớn nhất thế giới, có thể dài hơn 3m và nặng 250kg. Ngoài mang ra thì chúng có bong bóng rất lớn. Cái bong bóng này có hệ thống mao mạch phức tạp để trao đổi khí và có chức năng tương tự như phổi. Loài cá này không chỉ có thể thở khí trời mà chúng bắt buộc phải thở khí trời để đủ oxy cung cấp cho cơ thể to lớn của chúng. Thường thì khoảng 15 phút là chúng lại phải ngoi lên thở một lần. Cũng do có bong bóng là cơ quan hô hấp bổ sung nên cá hải tượng có thể thở trên cạn thời gian ngắn.
Cá hải tượng có nguồn gốc từ rừng rậm nhiệt đới Amazon nhưng đã du nhập về Việt Nam với “tư cách” là cá cảnh, được ưa chuộng vì kích thước khủng và màu sắc đẹp của chúng. Giá của cá hải tượng cũng khá cao, có thể lên đến vài chục triệu/cặp nếu là size lớn. Mình có nghe một số anh em cần thủ nói là đã có người câu được cá hải tượng trong tự nhiên ở Việt Nam rồi. Tuy không biết thật không nhưng mình nghĩ cũng có khả năng vì khí hậu tương đồng, cá xổng hoặc được thả ra cũng dễ sống.
Trên đây là một số thông tin mình sưu tầm được cũng như kinh nghiệm thực tế của mình về các loài cá có thể thở trên cạn, mong rằng các bạn thấy thích. Nếu được các bạn ủng hộ thì có lẽ mình sẽ làm thêm các bài viết kiểu này. Cảm ơn cá bạn vì đã đọc nhé!
Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như: