Giải mã nguồn gốc nút Windows - “kẻ thù” không đội trời chung của game thủ
Nút Windows bình thường sẽ rất hữu ích, nhưng khi chơi game thì nó lại là “khắc tinh” của game thủ.
Đã là dân PC thì hầu như ai ai cũng đều biết đếm nút Windows “thần thánh”. Bình thường thì nó sẽ có chức năng mở Start Menu, khi kết hợp với phím khác thì sẽ tạo thành combo phím tắt để mở nhanh một ứng dụng hay công cụ nào đó. Riêng với game thủ PC, đặc biệt là những bạn chơi game bắn súng FPS, thì kiểu gì cũng đã có lần bấm nhầm vào phím Windows thay vì những phím cần xài như là Ctrl và Shift, dẫn đến nhiều pha thua kèo rất oan ức. Vậy thì “nỗi đau” này từ đâu mà có? Và vì sao nó lại nằm ngay chỗ đó? Mời các bạn cùng GVN 360 tìm hiểu trong bài viết này nhé.
Nguồn gốc của nút Windows
Nút Windows xuất hiện lần đầu vào tháng 9/1994 trên bàn phím công thái học Microsoft Natural Keyboard. Trong quá trình thiết kế sản phẩm, Microsoft đã nảy ra một ý tưởng, đó là gắn thương hiệu Windows lên trên chiếc bàn phím này. Vì bàn phím được thiết kế tách ra làm 2 (nhằm giảm mỏi cổ tay) nên nó cũng có 2 nút Windows nằm ở giữa 2 cụm Control và Alt phía bên trái và bên phải thanh Spacebar.
Chức năng của những nút này cũng là để bấm những combo phím tắt, tương tự nút Command trên Mac. Khi ấn 1 lần thì nút Windows sẽ mở Start Menu trên hệ điều hành Windows 95. Còn khi kết hợp với những phím khác thì nó có thể thực hiện nhiều chức năng khác nhau, chẳng hạn như Windows + E sẽ mở File Explorer.
Sau khi ra mắt ít lâu, bàn phím Natural Keyboard đã gặt hái được thành công lớn với doanh số đỉnh điểm lên đến 600.000 cái mỗi tháng. Vào tháng 2/1996, tờ Byte Magazine cho biết Microsoft đã bán được gần 1 triệu bàn phím chỉ trong năm đầu tiên trình làng. Thành công rực rỡ này cũng là một trong những nguyên nhân vì sao dòng bàn phím này vẫn được Microsoft duy trì cho đến tận bây giờ.
Tuy nhiên, nút Windows không chỉ xuất hiện trên bàn phím công thái học các bạn ạ. Microsoft đã tạo ra chuẩn 104 phím mới (mở rộng từ chuẩn 101 phím của Model M), và các hãng sản xuất bàn phím cũng đã nhanh chóng xin cấp phép để tung ra thị trường những chiếc bàn phím theo chuẩn này. Khi Windows 95 được quảng bá rầm rộ với chức năng sử dụng phím tắt trên bàn phím, các nhà sản xuất phần cứng cũng muốn sản phẩm của họ hỗ trợ đầy đủ các tính năng của hệ điều hành đình đám này. Thế là nút Windows xuất hiện khắp mọi nơi.
Gần đây hơn, theo quy định của chương trình “Windows hardware compatibility”, tất cả bàn phím có nhiều hơn 50 nút buộc phải xuất hiện nút Windows trên đó thì mới được chứng nhận là tương thích với Windows. Chứng nhận này sẽ cho phép các hãng phần cứng sử dụng logo Windows trong chiến dịch quảng bá của mình. Bằng cách này, Microsoft đã khéo léo tìm ra được cách để thương hiệu của họ xuất hiện trên hầu hết bàn phím PC, từ đó giúp củng cố vị thế của công ty trên thị trường.
Khi nút Windows phản tác dụng
Có một sự thật là không phải ai cũng thích sự hiện diện của nút Windows này các bạn ạ. Cụ thể, game thủ dần nhận ra một điều rằng vị trí của nút Windows dễ khiến họ bấm nhầm khi đang cố gắng phá đảo thế giới ảo, do có rất nhiều trò thời bấy giờ dùng nút Control và Alt để tương tác trong game, như huyền thoại DOOM chẳng hạn.
Tệ hơn nữa là nếu bạn chẳng may bấm nhầm nút Windows thì Start Menu sẽ hiện lên, khiến người chơi bị “văng” ra khỏi game, hay thậm chí có khi là còn crash game luôn. Để khắc phục vấn đề này thì ngày xưa sẽ tháo nút Windows ra luôn, còn ngày nay thì bạn có thể dùng phần mềm để can thiệp hoặc tự chỉnh sửa thiết lập trong máy. Ngoài ra, phần lớn bàn phím hiện nay, nhất là bàn phím gaming, cũng tích hợp sẵn phím tắt để vô hiệu hóa nút Windows ngay và luôn, khỏi cần đụng đến phần mềm chi cho phiền phức.
Sức mạnh của nút Windows ngày nay
Khi kết hợp nút Windows với các nút khác, chúng sẽ tạo ra những tổ hợp phím tắt khá là tiện dụng. Một số tổ hợp nổi bật trên Windows 10 bao gồm:
- Windows + I: Mở Settings
- Windows + E: Mở File Explorer
- Windows + D: Ẩn/hiện desktop
- Windows + F: Mở ô Search
- Windows + M: Thu nhỏ tất cả cửa sổ đang mở
- Windows + Tab: Hiện Task View
- Windows + L: Khóa màn hình
- Windows + A: Mở Action Center
Ngoài ra, trường hợp bạn cần mở nhanh Start Menu nhưng bàn phím không có hoặc bị hư nút Windows thì có thể bấm tổ hợp phím Ctrl + Esc nhé.
Có thể nói nút Windows là một thành tựu marketing rực rỡ của Microsoft, và cho đến ngày nay thì nó vẫn đóng vai trò cực kỳ hữu dụng trong hệ sinh thái Windows. Hi vọng thông tin trên sẽ giúp bạn khám phá ra những điều mới mẻ về thế giới công nghệ. Nếu các bạn có góp ý hoặc bổ sung thì hãy chia sẻ với mình bên dưới phần bình luận nhé. Cảm ơn các bạn đã quan tâm đến bài viết này.
Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:
- Nguồn gốc của Caps Lock – Nút yêu thích của các “anh hùng bàn phím”
- Giải mã nguồn gốc biểu tượng Command đầy bí ẩn trên bàn phím của Apple
- Hướng dẫn cách vô hiệu hóa “kẻ thù” của game thủ – phím Windows
- Tổng hợp 16 phím tắt giúp bạn “thao túng” Windows 10 một cách dễ dàng hơn
- 30 cụm phím tắt giúp bạn làm chủ Windows 10
Nguồn: HowToGeek