Intel sắp ra mắt chuẩn nguồn ATX12VO mới: chỉ xài mạch 12V, giá rẻ hơn, ít dây cắm hơn?
Mấy bạn “đi-dây” chắc sẽ thích điều này lắm.
Hiện tại thì nguồn máy tính (PSU) chuẩn ATX đang phổ biến và được nhiều hãng áp dụng kể từ năm 1995 đến nay. Tuy nhiên, điều này có lẽ sẽ thay đổi vì trang CustomPC vừa mới cho hay rằng Intel sẽ ra mắt chuẩn nguồn ATX12VO mới trong năm nay.
Chữ “O” trong ATX12VO là “Only”, nghĩa là nguồn này chỉ xài duy nhất mạch (rail) 12V mà thôi. Trước mắt thì chỉ có những bộ máy được ráp sẵn mới sử dụng nguồn này, còn cộng đồng “khéo tay hay mò” tự ráp PC thì vẫn sẽ tiếp tục sử dụng chuẩn nguồn 12V ATX thêm một thời gian nữa.
Theo đó, nguồn ATX12VO sẽ không sử dụng mạch 3,3V và 5V, và PSU chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là cấp điện 12V cho linh kiện trong máy tính. Điều này sẽ giúp mạch điện có thiết kế đơn giản hơn, từ đó làm giảm chi phí sản xuất của các linh kiện.
Việc thay đổi này cũng không có gì bất ngờ cho lắm, bởi vì có nhiều thiết bị hiện hay vẫn xài được dù chỉ có mạch 12V, và nhiều bộ nguồn hoạt động bằng cách sử dụng một mạch 12V lớn và chia nó thành các mạch 3,3V và 5V thông qua bộ phận giảm áp DC-DC để cung cấp cho các linh kiện trong máy tính như: ổ cứng HDD/SSD (loại SATA có cắm dây nguồn riêng) và hầu hết các thiết bị USB.
Trong khi đó, có rất nhiều chân cắm (pin) của đầu 24-pin ATX đang bị dư thừa theo tiêu chuẩn ngày nay, và ổ cứng SSD M.2 cũng đã trở nên phổ biến hơn trước rất nhiều rồi. Hơn nữa, nhiều thiết bị USB đã bắt đầu sử dụng đầu vào 12V để sạc pin nhanh hơn, và nhiều khả năng sẽ đến một ngày toàn bộ thiết bị USB sẽ sử dụng 12V thay vì là 5V như hiện tại.
Vì thế nên đầu 24-pin sẽ được thiết kế lại thành đầu 10-pin để cắm vào bo mạch chủ. Còn đầu EPS cấp điện cho CPU thì chỉ cần xài cho các bộ máy “ngốn” nhiều điện mà thôi. Bên cạnh đó, những ổ cứng HDD/SSD SATA cần cắm dây nguồn riêng thì sẽ lấy nguồn trực tiếp từ bo mạch chủ luôn thay vì là từ PSU như hiện tại.
Tuy nhiên, các hãng bo mạch chủ có thể vẫn tích hợp bộ phận giảm áp xuống 5V để hỗ trợ các thiết bị USB cũ, cho nên có khi phải mất đến cả chục năm thì quá trình chuyển sang ATX12VO mới xong được.
Nguồn: tom’s HARDWARE