Keycap ABS khác keycap PBT thế nào và ảnh hưởng gì đến trải nghiệm của bạn?
ABS và PBT là tên của 2 loại nhựa phổ biến nhất được dùng làm keycap trên bàn phím cơ. Thường thì mấy bạn mới bắt đầu tìm hiểu về bàn phím sẽ thấy khá mông lung, đặc biệt là những bạn chỉ mới xem qua mấy bài review trên mạng. Thế nên trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng điểm qua những khác biệt cơ bản nhất của keycap ABS và PBT trên bàn phím cơ, đồng thời tìm hiểu xem chúng sẽ ảnh hưởng thế nào đến trải nghiệm người dùng các bạn nhé.
Keycap PBT gõ sướng hơn ABS, tuy nhiên với người mới thì khó mà cảm nhận được
Đa số mấy bài review trên mạng đều sẽ nói PBT cho cảm giác gõ tốt hơn ABS. Cái này thì dĩ nhiên vì chất nhựa của PBT cứng hơn ABS, lại có độ bám tay tự nhiên nên sẽ cho cảm giác gõ chắc chắn hơn. Tuy nhiên mấy bạn cũng cần lưu ý rằng mấy ông reviewer chuyên nghiệp không có ông nào là mới trải nghiệm phím cơ lần đầu cả, họ đều là những người có nhiều kinh nghiệm và đôi tay của họ có thể cảm nhận từng sự khác biệt nhỏ nhất.
Keycap PBT
Người mới thì thường không không được tinh tường như vậy. Ví dụ như mình ngày xưa đi, lần đầu tiên dùng phím cơ thì mình cũng chẳng thấy ABS với PBT nó khác biệt là bao. Đương nhiên sờ thì vẫn thấy rõ ràng là keycap PBT nó sần nhám hơn, ABS thì trơn và dễ bám mồ hôi tay. Tuy nhiên lúc gõ phím thì gần như chẳng thấy gì cả. Đám anh em bạn bè của mình khi bị mình dụ chơi phím cơ chung cũng có cùng cảm nhận, đối với họ chỉ cần phím cơ là sướng, ABS với PBT thực sự không khác biệt nhiều.
Giờ thì mình khác hồi xưa rồi Thậm chí bây giờ kêu mình nhắm mắt gõ bàn phím keycap PBT của Leopold, iKBC và Ducky thì khả năng cao là mình sẽ phân biệt được đấy. Ai cũng vậy cả, dùng phím cơ lâu rồi thì đôi tay cũng nhạy cảm hẳn lên thôi.
Keycap PBT khó xuyên LED hơn ABS
Mình thấy có một ý kiến khá “sai trái” rằng PBT thì không xuyên LED được. Mình có một con phím custom với LED rất sáng, dùng keycap PBT có thành khá mỏng, bật LED lên thì LED nó chiếu xuyên keycap sáng như lồng đèn luôn. Thực ra thì keycap PBT chỉ là do có chất nhựa “đặc” hơn nên khó xuyên LED hơn ABS thôi, chứ nếu LED mạnh và keycap mỏng thì nó vẫn xuyên nhé. ABS có chất nhựa khá trong (nếu không pha màu) nên cho xuyên LED dễ dàng, sáng đẹp mắt. Chính vì thế nên nó là chất liệu keycap chủ yếu trên những chiếc bàn phím gaming.
Keycap ABS
Khi bạn chọn một chiếc bàn phím thì hãng đã chọn chất liệu tối ưu rồi nên bạn sẽ không cần băn khoăn là liệu nó có xuyên LED được hay không. Tuy nhiên nếu mua keycap rời thì bạn sẽ cần để ý một chút. Thế nên nếu bạn chơi phím không LED thì chọn keycap gì cũng được. Còn nếu muốn xuyên LED thì hãy chọn keycap ABS. Vẫn có loại keycap 2 lớp cho xuyên LED đẹp như ABS và cảm giác gõ tốt như PBT nhưng mình sẽ nói cuối bài nhé.
Keycap ABS thường nhanh bị bóng hơn PBT
Nhựa PBT bền hơn ABS, thời gian để một con phím PBT bị bóng thường sẽ lâu hơn khoảng vài ba lần so với phím ABS. Mình có con phím Durgod K320, keycap PBT dùng được tầm 2 năm, ngày nào cũng lôi ra gõ content mà nó chỉ mới hơi hơi bóng thôi. Mấy anh chị em trong công ty mình thì cũng có nhiều người dùng phím gaming, keycap ABS. Mấy con phím này tùy theo cường độ sử dụng mà nó có thể bóng thấy rõ sau 6 tháng đến 1 năm.
Keycap ABS “trổ bóng”
Keycap PBT
Chính vì điểm này nên nếu bạn là dân content như mình thì hãy ưu tiên dùng phím có keycap PBT nhé. Còn nếu bạn chủ yếu dùng bàn phím để chơi game, cường độ gõ không nhiều thì chọn chất liệu gì cũng được, miễn thích thì thôi.
Keycap ABS thường có trên bàn phím gaming, PBT phổ biến ở phím văn phòng
Khả năng xuyên sáng là một trong những lý do lớn nhất khiến người ta chủ yếu dùng nhựa ABS cho bàn phím gaming. Hiện nay hầu hết các mẫu bàn phím gaming đều sử dụng chất liệu ABS làm keycap, chỉ trừ một số mẫu đặc biệt như ROG Strix Scope PBT của ASUS, K95, K100 của Corsair và Huntsman bản 2021 của Razer là có keycap bằng PBT thôi. Thế nên đã xác định chơi phím gaming LED lủng xập xình thì mấy bạn cũng nên chấp nhận keycap ABS nhé.
Đa số phím cơ văn phòng sử dụng keycap PBT. Chất liệu này tuy khó xuyên LED (mà bàn phím văn phòng thì cũng không cần thiết) nhưng bù lại thì cho cảm giác gõ tốt và bền hơn. Tuy nhiên cũng có một hãng đến từ Nhật Bản, thích dùng “lối đi riêng” là Filco. Họ chuyên sản xuất phím văn phòng nhưng thường dùng keycap ABS. Tuy bị đánh giá là keycap khá phèn so với tầm tiền nhưng bù lại thì phần “xác” phím hoàn thiện rất tốt, cực kỳ chắc chắn. Nếu không thích keycap của phím Filco thì bạn chơi luôn bộ keycap PBT rời nữa là đẹp.
Có loại keycap kết hợp PBT và ABS, mang ưu điểm của cả hai
Một số mẫu bàn phím gaming cao cấp như K95, K100 của Corsair và Huntsman bản 2021 của Razer là có keycap double shot (2 lớp), lớp trong ABS và lớp ngoài PBT. Loại keycap này sẽ cho cảm giác gõ tốt và bền như PBT nhưng xuyên LED ngon lành như ABS. Nhược điểm duy nhất của loại keycap này là nó còn khá hiếm và chỉ những mẫu bàn phím gaming đầu bảng mới có.
Keycap của bàn phím Corsair K100
Nếu bạn muốn tìm keycap rời thì vẫn được, giá cũng chỉ từ vài trăm nghìn đồng nhưng hiện trên thị trường có khá ít mẫu so với chất liệu PBT. Còn nếu bạn muốn tìm keycap xịn hẳn luôn thì Corsair có bán lẻ keycap PBT của bàn phím K95, K100, giá thị trường khoảng một triệu rưỡi. Chất lượng bộ đó phải gọi là hơi bị đỉnh luôn, vừa hoàn thiện sắc sảo, vừa có font chữ đẹp mà lại còn rất dày dặn nữa.
Mình có làm một cái bảng để tiện cho mấy bạn so sánh ưu nhược điểm các loại keycap nè:
Nếu mấy bạn đang có ý định sắm phím cơ thì có thể tham khảo tại cửa hàng GearVN nhé: Bàn phím GearVN
Dành cho bạn nào hứng thú thì mình sẽ để link bán keycap kết hợp PBT và ABS ở đây nhé: Keycap Corsair GearVN
Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:
- Top 5 mẹo nhỏ nhưng hiệu quả để làm bàn phím cơ của bạn đỡ ồn hơn
- Đi mua bàn phím cơ có nhất thiết phải nhất định là switch Cherry?
- Tổng hợp các sự cố kinh điển trên bàn phím cơ và cách phòng tránh chúng