Liệu phần mềm có thể khiến PC trở thành “cục gạch”? Đây là câu trả lời cho bạn
Mời các bạn cùng GVN 360 tìm hiểu xem rốt cuộc thì phần mềm có khiến PC trở thành “cục gạch” được không nhé.
Cách đây ít lâu thì GNV 360 có đăng tin tựa game New World của Amazon đã tiễn hàng loạt NVIDIA RTX 3090 sang “thế giới mới”, vào game là hỏng card luôn. Việc một tựa game chạy không ổn định, khiến phần cứng và phần mềm hoạt động không ăn ý với nhau làm crash game là chuyện không quá hiếm gặp. Tuy nhiên, bị lỗi mà biến một chiếc card đồ họa thành một cục chặn giấy trị giá cả chục triệu thì không được bình thường một chút nào cả. Thế thì liệu phần mềm có thể khiến PC của bạn trở thành “cục gạch” được hay không? Mời mọi người cùng GVN 360 tìm hiểu nhé.
Trường hợp của game New World làm hư card RTX 3090
Trước hết, nói riêng về tựa game New World nhé. Chưa rõ chính xác nguyên nhân là do đâu mà card bị hư hàng loạt, nhưng Amazon có tuyên bố tựa game New World không giết card đồ họa, lỗi là của hãng phần cứng. Có vẻ như lỗi lần này nằm ở cách mà card màn hình quản lý các linh kiện của nó. Nhiều người đã phản ánh card RTX 3090 bị tiễn sang “thế giới mới” là do fps tăng đột biến lên đến 1000-2000 fps, khiến quạt quay đến hơn 200.000 RPM (gấp khoảng 100 lần so với bình thường) và ngốn nhiều điện một cách bất thường, thế là… tạm biệt chiếc card thân yêu.
Phần mềm vẫn có khả năng biến PC thành “cục gạch”
Bây giờ thì chúng ta hãy nói rộng ra một chút nhé. Giả sử bạn có một dàn PC tầm trung, không quá xịn sò như RTX 3090 ở trên thì liệu chơi game hay chạy một ứng dụng nào đó có thể khiến PC bị hư luôn hay không? Câu trả lời ngắn gọn là có (về mặt kỹ thuật), nhưng xác suất để xảy ra chuyện này thì cực kỳ thấp các bạn ạ.
Phần mềm làm hỏng BIOS
Một trong những trường hợp mà điều này có thể xảy ra là khi có một chương trình nào đó “táy máy” trong phần BIOS. Nó cũng giống như việc đang cập nhật BIOS mà bị mất điện thì có khả năng làm hỏng bo mạch chủ vậy. Lý do là vì linh kiện cần firmware để hoạt động, nếu firmware hỏng thì coi như linh kiện cũng đi theo luôn (trường hợp không có firmware dự phòng). Tuy nhiên, rất hiếm khi có phần mềm nào động vào BIOS, và BIOS ngày nay cũng được tích hợp những tính năng bảo mật nên muốn can thiệp cũng không phải là điều dễ dàng.
Malware, virus làm hỏng CPU, RAM
Vậy giả sử PC của bạn bị dính malware độc hại thì sao? Nó vẫn có khả năng khiến linh kiện bị hư, chẳng hạn như malware Rowhammer sẽ liên tục truy cập vào 1 hàng (row) nhất định trong chip nhớ, đến mức khiến thanh RAM bị hỏng vĩnh viễn. Hoặc một trường hợp khác có thể là thông qua virus khiến linh kiện chạy đến cực hạn, ngốn nhiều điện một cách bất thường cho đến khi “ngủm” luôn. Tin vui là những phần cứng ngày nay đều có cơ chế tự bảo vệ trước những trường hợp như thế này. Vả lại, những phần mềm độc hại kiểu này cũng khá là hiếm gặp.
Nói chung, phần mềm vẫn có khả năng khiến PC của bạn trở thành “cục gạch”, nhưng những trường hợp như thế này đều rất hiếm khi gặp phải, và các linh kiện hiện đại cũng có tính năng tự bảo vệ nên bạn không cần phải quá lo lắng về vấn đề này đâu nhé.
Hi vọng thông tin trên sẽ giúp bạn khám phá ra những điều mới mẻ về thế giới công nghệ. Nếu các bạn có góp ý hoặc bổ sung thì hãy chia sẻ với mình bên dưới phần bình luận nhé. Cảm ơn các bạn đã quan tâm đến bài viết này.
Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:
- Amazon tuyên bố tựa game New World không giết card đồ họa, lỗi là của hãng phần cứng
- Nguyên nhân hàng loạt card RTX 3090 bị hỏng khi chơi game New World: dựng 1000 khung hình/giây, quạt quay 200.000 RPM
- “Củ loa” tai nghe là gì và 6 loại “củ loa” phổ biến mà bạn nên biết
Nguồn: Techquickie