Lỗi Error 403 - Forbidden là gì mà lại ngăn bạn truy cập vào các trang web chứa tài liệu bổ ích?
Lỗi Error 403 – Forbidden không phải là một lỗi hiếm, bạn thường sẽ đụng độ nó khi truy cập vào một trang web trên Google, hoặc một đường link nào đó được gửi tới bạn thông qua Email hay Facebook ví dụ như Google Drive chẳng hạn. Khi dính lỗi Error 403, bạn sẽ không thể truy cập vào trang web mà bạn muốn. Nó giống như một cánh cửa chặn bạn không cho bước chân vào nhà cho dù bạn có bấm chuông hay đập cửa tới mức nào đi chăng nữa.
Điều này cũng có nghĩa là một khi trang web đã hiển thị lỗi Error 403 thì bạn sẽ không bao giờ có thể truy cập được vào trang web đó nữa. Tuy nhiên, đôi lúc lỗi không nằm ở trang web đó mà nằm ở phía bạn, ví dụ mạng nhà bạn có vấn đề chẳng hạn. Nếu như lọt vào trường hợp thứ 2 thì các bạn có thể áp dụng các cách mà mình nêu ở cuối bài để sửa thử nhé. Còn bây giờ, chúng ta sẽ đi tìm hiểu lỗi Error 403 là gì trước đã.
Vậy lỗi Error 403 Forbidden là gì?
Lỗi Error 403 Forbidden xảy ra khi bạn đang cố gắng truy cập vào một trang web mà không được phép truy cập, hay nói cách khác là bị cấm. Thông thường, nguyên nhân bạn bị cấm sẽ rơi vào 1 trong 2 trường hợp, một là chủ trang web mà bạn muốn truy cập đã thiết lập quyền truy cập của trang web đó để cho một số người không vào được, và không may là bạn lại lọt vào diện những người không vào được đó. Trường hợp thứ 2 là chủ trang web đó cũng thiết lập quyền truy cập nhưng lại thiết lập không đúng, khiến cho bạn không vào được trong khi đáng lý ra là phải vào được.
Chính vì thế, khi bạn cố gắng truy cập vào một trang web mà bạn bị chặn, bạn sẽ nhận được một thông báo có tên là Error 403 – Forbidden. Thật ra, cụm Error 403 là một mã trạng thái của HTTP mà máy chủ sử dụng để miêu tả trạng thái của trang web. Khi bạn gửi yêu cầu truy cập vào một trang web đang chặn quyền truy cập thì máy chủ vẫn sẽ nhận và hiểu yêu cầu của bạn, chỉ là nó không đáp ứng yêu cầu đó mà thôi.
Cũng giống như lỗi Error 404 hay Error 502, các nhà thiết kế trang web cũng có thể cá nhân hóa giao diện của lỗi Error 403. Do đó, có một vài trang web bạn sẽ thấy lỗi 403 xuất hiện có giao diện đẹp và lạ mắt hơn các trang web khác. Ngoài ra, Error 403 cũng có nhiều cái tên khác nhau nữa. Một trong số đó có thể kể đến như:
- 403 Forbidden
- HTTP 403
- Forbidden
- HTTP Error 403 – Forbidden
- HTTP Error 403.14 – Forbidden
- Error 403
- Forbidden: You don’t have permission to access [directory] on this server
- Error 403 – Forbidden
Lỗi Error 403 có lúc chỉ xảy ra tạm thời rồi trở lại bình thường, nhưng cũng có lúc nó xảy ra mãi mãi. Và trong hầu hết mọi trường hợp, lỗi Error 403 không có cách sửa cho dù là bạn có bị chặn thật sự hay do máy chủ đang gặp vấn đề đi chăng nữa. Tuy nhiên, vẫn còn một số mẹo mà các bạn có thể dùng để thử vận may, ví dụ như:
Tải lại trang
Như mình đã đề cập ở trên, lỗi Error 403 đôi lúc chỉ xảy ra tạm thời do đó bạn có thể thử tải lại trang bằng phím tắt Ctrl + R một vài lần xem lỗi có biến mất không. Mặc dù cách này không phải lúc nào cũng linh nghiệm nhưng nó cũng chỉ tốn vài giây để thử.
Kiểm tra kỹ địa chỉ trang web
Một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến lỗi Error 403 đó là gõ nhầm địa chỉ trang web. Hãy đảm bảo rằng địa chỉ của trang web mà bạn đang muốn truy cập là dẫn tới một trang web hoặc một file chứ không phải là dẫn tới một mục nào đó. Ví dụ như một địa chỉ URL thông thường sẽ kết thúc bằng “.com”, “.php”, “.org”. “.html” hoặc là một phần mở rộng extension. Trong khi đó một địa chỉ URL dẫn đến một mục của trang web thường sẽ kết thúc bằng dấu “/”.
Hầu hết, các máy chủ sẽ được thiết lập để chặn không cho người dùng truy cập vào địa chỉ thư mục của trang web vì lý do bảo mật. Khi bạn nhập địa chỉ URL dẫn đến một mục của trang web thì một là bạn sẽ được dẫn tới một trang khác hoặc là trang web đó sẽ hiển thị lỗi Error 403 Forbidden.
Xóa Cookies và Cache
Cũng không loại trừ khả năng trang web dính lỗi Error 403 đã được lưu vào bộ nhớ cache trong trình duyệt của bạn, trong khi đường link thực tế đã được chỉnh sửa và hết lỗi. Để kiểm tra thử, bạn sẽ cần phải xóa hết bộ nhớ cache và cookies của trình duyệt.
Xóa cache sẽ không ảnh hưởng tới trải nghiệm lướt web của bạn mấy, chỉ có điều là một số trang web sẽ tốn thêm một tí thời gian để tải lại do các cache cũ đã bị xóa đi rồi. Còn xóa cookies thì bạn sẽ phải đăng nhập lại tài khoản những trang web nào mà đang sử dụng.
Các bạn có thể tham khảo cách xóa Cookies Chrome tại đây nhé.
Hãy thử lại sau
Nếu tất cả cách thông thường đều không thành công, bạn có thể đợi một lúc rồi hẳn truy cập lại vào trang web đó. Bởi vì lỗi Error 403 thường xảy ra khi trang web gặp vấn đề, và khi trang web có vấn đề thì kỹ thuật viên của trang web đó sẽ bắt tay vào xử lý. Do đó, bạn nên để cho bên kỹ thuật viên một chút thời gian để sửa lỗi rồi hẳn quay lại truy cập sau.
Liên hệ với chủ trang web đó
Bạn cũng có thể thử liên hệ với chủ trang web thông qua các thông tin liên lạc có trên trang web đó ví dụ như Email, Facebook, Zalo, vân vân để trình bày về vấn đề đang gặp để họ có thể bắt tay vào xử lý kịp thời.
Vậy là mình đã giải thích xong cho các bạn Error 403 là gì, cũng như là nêu ra một số mẹo xử lý. Từ giờ các bạn sẽ không phải thắc lỗi Error 403 Forbidden là gì và cảm thấy hoang mang khi gặp nữa. Cảm ơn các bạn đã quan tâm theo dõi!
Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như: