Mặc dù dính lệnh trừng phạt, Trung Quốc vẫn có nhiều bài nghiên cứu chip hơn cả Mỹ
Trong khi Bắc Mỹ chỉ có 42 bài nghiên cứu được chấp nhận thì Trung Quốc có tới 59 bài các bạn ạ.
Xét về số lượng tài liệu khoa học (research paper) được công bố trong mảng thiết kế chip và công nghệ tiên tiến thì Mỹ không còn đứng đầu nữa các bạn ạ. Tính theo số liệu mới nhất tại hội nghị International Solid State Circuits Conference (ISSCC 2023) – một trong những sự kiện nổi tiếng thế giới trong ngành mạch bán dẫn – thì Trung Quốc mới là quốc gia nắm giữ danh hiệu đó các bạn ạ. Điều bất ngờ ở đây là Mỹ hiện đang ban hành nhiều luật trừng phạt, cấm các công ty xuất khẩu công nghệ tiên tiến sang cho Trung Quốc.
Trong khi Bắc Mỹ chỉ có 42 bài nghiên cứu được chấp nhận thì Trung Quốc có tới 59 bài. Một phần nguyên nhân đến từ việc đợt ISSCC 2023 này Mỹ nộp ít hơn 30 bài nghiên cứu so với đợt trước, còn Trung Quốc thì lại tăng con số này lên. Thực chất, với 129 bài được chấp nhận trong tổng số 198 bài, toàn bộ vùng viễn đông (bao gồm đông Á và Đông Nam Á) bây giờ có số lượng bài nghiên cứu được chấp thuận cao gần gấp đôi so với châu Âu (27 bài) và Mỹ (42 bài) cộng lại.
Ngoài số lượng tăng cao, hội đồng của ISSCC còn cho biết chất lượng các bài nghiên cứu của Trung Quốc cũng được cải thiện đáng kể, và càng ngày càng có nhiều bài lọt qua vòng sơ loại, nhất là kể từ năm 2017. Còn một điều thú vị nữa là hồi năm 2011, tỷ lệ giữa bài nghiên cứu của tập đoàn và học viện là 50-50; nhưng đến kỳ ISSCC 2023 thì học viện chiếm đến 75%. Điều này cho thấy các trường đại học ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển các công nghệ tiên tiến.
Khoản đầu tư vào chương trình đại học của Trung Quốc bắt đầu đơm hoa kết trái
Trong số 49 bài nghiên cứu được chấp thuận của Trung Quốc, có 15 cái đến từ đại học University of Macau, 13 cái đến từ trường Tsinghua University, và 6 cái là của Peking University. Tsinghua University đã từng góp rất nhiều công sức trong việc tạo ra các công nghệ tiên tiến, nhất là những công nghệ mà ISSCC đang tìm kiếm, chẳng hạn như là bóng bán dẫn nhỏ nhất thế giới – thiết kế Sidewall. Vì thế cho nên cũng dễ hiểu khi trường đại học này là trường đại học danh giá thứ 3 ở châu Á.
Tsinghua University còn có các công ty con, chẳng hạn như Tsinghua Unigroup – công ty sở hữu YMTC chuyên sản xuất chip NAND. YMTC chính là một trong những viên ngọc quý của Trung Quốc và cũng là mục tiêu quan trọng trong lệnh trừng phạt của Mỹ.
Thêm vào đó, trong vòng 10 năm qua, chính quyền Trung Quốc đã tăng gấp đôi ngân sách dành cho đại học. Con số này hiện tại ước tính là 179 tỷ USD và nó vẫn tăng đều hằng năm; một số trường đại học nhận tiền ngân sách hơn 5 tỷ USD. Để dễ hình dung hơn thì Cerebras – một trong những hãng thiết kế chip hàng đầu thế giới – đã nhận khoảng 720 triệu USD tiền tài trợ từ nhiều đợt huy động vốn khác nhau.
Giảm thiểu thiệt hại từ các lệnh trừng phạt của Mỹ
Cũng cần phải nói thêm rằng khoản đầu tư của Trung Quốc vào các dự án nghiên cứu của các trường đại học đều nghiêng về việc phát triển công nghệ tương lai nhiều hơn. Nói cách khác, Trung Quốc không nghiên cứu những công nghệ hiện tại ở các trường đại học; họ nghiên cứu tương lai các bạn ạ. Việc này sẽ giúp Trung Quốc càng ngày càng ít bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt của Mỹ. Mấu chốt ở đây là Trung Quốc sẽ mất bao lâu để chạm tay đến những công nghệ như bóng bán dẫn Sidewall, máy tính lượng tử, AI. Và bài nghiên cứu chất lượng càng cao thì họ sẽ càng sớm đạt được mục tiêu đó. Đó là chưa kể nếu Trung Quốc đi trước Mỹ và đăng ký các bằng sáng chế của mình thì nhiều khi, lúc đó chính Mỹ mới là nước phải đối mặt với khó khăn. Không ai biết được chữ “ngờ” hết các bạn ạ.
Tóm tắt ý chính:
- Theo số liệu mới nhất, Trung Quốc đang là quốc gia có số lượng tài liệu khoa học trong mảng thiết kế chip và công nghệ tiên tiến nhiều nhất
- Điều bất ngờ ở đây là Mỹ hiện đang ban hành nhiều luật trừng phạt, cấm các công ty xuất khẩu công nghệ tiên tiến sang cho Trung Quốc
- Trong khi Bắc Mỹ chỉ có 42 bài nghiên cứu được chấp nhận thì Trung Quốc có tới 59 bài
- Một phần nguyên nhân đến từ việc đợt này Mỹ nộp ít hơn 30 bài nghiên cứu so với đợt trước, còn Trung Quốc thì lại tăng con số này lên
- Với 129 bài được chấp nhận trong tổng số 198 bài, toàn bộ vùng viễn đông bây giờ có số lượng bài nghiên cứu được chấp thuận cao gần gấp đôi so với châu Âu và Mỹ cộng lại
- Hội đồng của ISSCC còn cho biết chất lượng các bài nghiên cứu của Trung Quốc cũng được cải thiện đáng kể
Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:
- Chip Trung Quốc Loongson 3A6000 ra mắt năm 2023 sẽ là kì phùng địch thủ của AMD Ryzen 5000
- Đại công cáo thành: Trung Quốc nói nhờ họ mà giới trẻ đã bớt nghiện game online
- Vào đúng dịp Tết Nguyên Đán 2023, game thủ Trung Quốc sẽ không còn được chơi World of Warcraft nữa
Nguồn: tom’s HARDWARE