Màn hình máy tính Windows 10 bị nhấp nháy khó chịu, đây là cách bạn xử lý
Hướng dẫn sửa lỗi màn hình Windows 10 bị nhấp nháy như vinahouse.
Nếu như màn hình máy tính của bạn hay gặp hiện tượng nhấp nháy liên tục thì nguyên nhân có thể là do một phần mềm hay ứng dụng nào đó đang có vấn đề, hoặc cũng có thể là máy tính của bạn đang cài một driver không ổn định. Lỗi nhấp nháy màn hình có thể xảy ra bất cứ lúc nào, tuy nhiên trường hợp hay bị nhất là sau khi bạn cập nhật Windows 10. Hôm nay, mình sẽ nêu ra một số cách sửa, các bạn có thể áp dụng để chữa bệnh nhấp nháy cho chiếc màn hình của mình nhé.
Thực hiện phép thử đơn giản
Đầu tiên, trong lúc màn hình nhấp nháy, bạn mở Task Manager lên bằng cách click chuột phải vào thanh Taskbar rồi chọn Task Manager, hoặc bấm tổ hợp Ctrl + Shift + Esc.
Bây giờ quan sát, nếu như cửa sổ Task Manager cùng với tất cả những thứ hiện trên màn hình nhấp nháy theo thì nguyên nhân có thể đến từ phần cứng hoặc lỗi driver hiển thị. Còn nếu ngược lại, mọi thứ đều nhấp nháy trừ Task Manager gì có khả năng là do ứng dụng nào đó.
Nếu bạn rơi vào trường hợp đầu tiên thì hãy áp dụng các cách bên dưới theo thứ tự đến khi nào sửa được lỗi. Còn nếu bạn lọt vào trường hợp thứ 2 thì hãy bắt đầu từ cách thứ 5, nếu cách 5 không được thì bạn bắt đầu theo thứ tự từ đầu là cách 1.
Cách 1: Kiểm tra màn hình và dây kết nối
Nếu như màn hình của bạn bị chập chờn thì điều đầu tiên bạn cần kiểm tra là màn hình và dây kết nối. Bạn kiểm tra tất cả các dây kết nối từ màn hình tới máy tính, hãy rút chúng ra rồi cắm chúng lại thật chắc để tránh tình trạng dây cắm bị lỏng, nếu được thì bạn có thể phủi bớt bụi bám lên các cổng cắm.
Nếu như bạn có một dây kết nối màn hinh dư ra thì hãy thử cắm vào sử dụng để xem hiện tượng nhấp nháy có hết hay không. Bởi vì dây kết nối cũng bị xuống cấp dần theo thời gian, hoặc có thể là các loài động vật như chuột, mèo, chó đã vô tình cắn hoặc làm hư hại tới dây kết nối.
Nếu như bạn có dư một chiếc màn hình thì cũng có thể thử kết nối PC với chiếc màn hình thay thế thử. Nếu như vấn đề nhấp nháy không xảy ra nữa thì chắc chắn chính chiếc màn hình cũ đã gây ra lỗi nhấp nháy. Trường hợp này bạn có thể đem màn hình đi bảo hành hoặc sửa chữa.
Cách 2: Tinh chỉnh lại tần số quét màn hình
Tần số quét màn hình là tốc độ hiển thị khung hình trong 1 giây được đo bằng đại lượng hertz (Hz). Một chiếc màn hình phổ thông có thể có tốc độ khung hình là 60Hz, còn đối với màn hình gaming thì con số này có thể lên tới 360Hz.
Việc thiết lập tần số quét phù hợp cho màn hình là rất quan trọng, một số nhà sản xuất thường sẽ hỗ trợ cho màn hình tính năng ép xung màn hình để nâng tần số quét lên cao hơn, và điều này dẫn tới hiện tượng màn hình nhấp nháy khi màn hình không thể thích ứng với tần số quét mới. Sau đây là cách để bạn điều chỉnh lại tần số quét sao cho phù hợp với màn hình.
Bước 1: Bấm Windows + I để mở Settings, sau đó chọn mục System.
Bước 2: Ở mục Display, kéo xuống tìm và chọn dòng Advanced display settings.
Bước 3: Dưới dòng Refresh Rate, bạn bấm vào menu thả xuống và hạ tần số quét xuống từ từ cho tới khi nào hiện tượng nhấp nháy không còn xảy ra nữa. Tuy nhiên, nếu hiện tượng nhấp nháy vẫn tiếp diễn thì bạn đưa tần số quét về lại mức khuyến nghị của màn hình.
Cách 3: Reset lại driver hiển thị (display driver)
Màn hình nhấp nháy có khả năng là do display driver mà máy tính đang sử dụng bị lỗi thời hoặc bị dính lỗi. Để kiểm tra các bạn làm theo các bước sau:
Loại bỏ driver
Đầu tiên, bạn cho Windows 10 khởi động chế độ Safe Mode rồi thực hiện tiếp các bước sau.
Bước 1: Bấm Windows + I để mở Settings, sau đó chọn mục Update & Security.
Bước 2: Chọn mục Recovery ở phía bên trái, sau đó tìm dòng Advanced startup rồi chọn Restart Now.
Bước 3: Khi máy tính khởi động lại, bạn chọn Troubleshoot > Advanced options > Startup settings > Restart.
Bước 4: Sau khi restart, bạn chọn lựa chọn thứ 5 để khởi chạy Windows ở chế độ Safe mode với mạng được bật.
Bước 5: Bấm Windows + X rồi chọn Device Manager.
Bước 6: Nhấn đúp vào mục Display adapter để mở rộng mục này ra, sau đó click chuột phải vào card đồ họa của bạn rồi chọn Uninstall device. Tiếp theo, chọn vào ô Delete the driver software for this device rồi chọn Uninstall. (Lưu ý là để cho chắc chắn thì bạn nên nhớ tên của driver mà bạn chuẩn bị xóa)
Bước 7: Restart lại máy tính.
Cài đặt lại driver mới
Bây giờ, việc bạn cần làm đó là cài đặt lại driver cho máy tính. Windows update sẽ tự động tìm và cài đặt lại driver phù hợp cho bạn.
Bước 1: Bấm Windows + I để mở Settings rồi chọn Update & security.
Bước 2: Chọn Check for updates.
Hoặc bạn có thể lên trang web hãng của card đồ họa mà bạn đang sử dụng để tải driver thủ công cũng được. Tải driver về xong thì bạn tiến hành cài đặt rồi kiểm tra xem hiện tượng nhấp nháy còn diễn ra hay không.
Quay lại driver trước
Nếu như vẫn không thành công thì có khả năng là do driver mới nhất mà bạn đang sử dụng gặp vấn đề. Nếu đúng là hiện tượng nhấp nháy màn hình xảy ra sau khi bạn cập nhật driver mới thì hãy thử quay ngược trở lại driver cũ.
Bạn thực hiện lại các bước gỡ driver bên trên, sau đó truy cập vào trang web của các hãng AMD, Nvidia, hoặc Intel tùy vào driver hiển thị của bạn thuộc hãng nào. Sau đó tìm và tải về phiên bản driver cũ.
Cách 4: Gắn lại card đồ họa
Nếu như nguyên nhân không phải đến từ display driver thì có nghĩa là chính chiếc card mà bạn đang sử dụng có vấn đề. Có khả năng là do lúc gắn card vào bo mạch chủ, bạn đã không gắn đúng, gắn lỏng nên đã gây ra hiện tượng nhấp nháy màn hình.
Nếu như CPU của bạn có card đồ họa tích hợp thì bạn có thể kiểm tra thử rất dễ dàng. Đầu tiên, bạn rút dây kết nối từ card màn hình tới màn hình ra, sau đó nối dây kết nối đó với cổng xuất hình trên bo mạch chủ. Nếu hiện tượng nhấp nháy không còn diễn ra thì khả năng cao chỉ có thể là do card màn hình mà thôi.
Nếu đã xác định là bạn rơi vào trường hợp trên thì hãy tắt máy, gỡ hết dây kết nối và tháo nắp case ra. Sau đó tháo card ra rồi gắn lại một cách cẩn thận và đảm bảo rằng card được gắn chắc chắn vào bo mạch chủ. Nếu như bạn không khéo tay hay không rành về lắp ráp PC thì hãy nhờ người khác có kinh nghiệm và khéo tay hơn nhé.
Nếu cách này vẫn không sửa được lỗi nhấp nháy thì có thể bên trong card đồ họa đã xảy ra lỗi. Trường hợp này thì bạn liên hệ với nhà sản xuất hoặc nơi bán để đem card đi bảo hành nhé.
Cách 5: Gỡ cài đặt các ứng dụng gây lỗi
Một ứng dụng không tương thích với Windows 10 có thể gây ra lỗi nhấp nháy màn hình. Bạn hãy thử nhớ lại xem trước khi hiện tượng nhấp nháy xảy ra, bạn có cài đặt một ứng dụng hay phần mềm gì không, hoặc bạn cập nhật một ứng dụng nào không. Trong quá khứ đã từng có một số ứng dụng sau khi cập nhật đã gây ra lỗi nhấp nháy màn hình như Norton Antivirus, iCloud, và IDT Audio.
Hãy đảm bảo rằng tất cả các ứng dụng của bạn đều đang chạy bản cập nhật mới nhất. Còn nếu bạn muốn cập nhật ứng dụng thì hãy cập nhật trong chính ứng dụng đó hoặc truy cập các trang web của chính hãng đó để tải bản cập nhật, đừng cập nhật ở các trang web bên ngoài. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể truy cập trang web hãng của ứng dụng để kiểm tra xem hãng có đăng thông tin về bản cập nhật nào bị lỗi không.
Hoặc cách tốt nhất là bạn gỡ cài đặt ứng dụng bị nghi hoặc bị bắt đích danh gây ra lỗi nhấp nháy bằng cách:
Bước 1: Bấm Windows + I để mở Settings rồi chọn Apps.
Bước 2: Tại mục Apps & feature, bạn kéo xuống kiếm ứng dụng mà bạn muốn gỡ cài đặt rồi chọn Uninstall.
Cảm ơn các bạn đã quan tâm theo dõi!
Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như: