Microsoft thay đổi yêu cầu cấu hình khiến hàng loạt PC không thể nâng cấp lên Windows 11
Nâng cấp lên Windows 10 thì dễ, nhưng nâng cấp lên Windows 11 thì nó lại là một câu chuyện khác các bạn ạ.
Dường như việc nâng cấp PC lên Windows 11 đã trở nên khó khăn hơn trước rất nhiều các bạn ạ. Thông thường, việc cập nhật lên Windows mới rất dễ dàng, thậm chí PC đời cũ nâng cấp lên Windows mới vẫn chạy ngon lành. Sau 6 năm ra mắt thì hiện tại, Windows 10 đang chiếm 78% lượng PC Windows; đứng thứ nhì là Windows 7 (ra mắt năm 2009) với 16%. Sở dĩ Windows 10 tăng trưởng nhanh như vậy là vì không có lý do gì để không cài Windows 10. Nó tương thích với tất cả PC chạy Windows 7 và 8, nó miễn phí, và được bổ sung hàng loạt tính năng mới mẻ.
Sở dĩ Microsoft làm như vậy là vì họ muốn dồn nhân lực hỗ trợ hệ điều hành mới nhất, và muốn người dùng xài những ứng dụng như Microsoft Store và trình duyệt Edge. Đồng thời họ cũng muốn nhà phát triển tận dụng nền tảng mới để phát triển những phần mềm mang tính đột phá, giúp cải thiện Windows 10.
Nhưng Windows 11 đã thay đổi những điều này, khiến nhiều PC Windows 10 không thể nâng cấp lên Windows 11 do không đạt yêu cầu cấu hình tối thiểu. Những yêu cầu mới, nhất là TPM và GPU DirectX 12, được đặt ra để nâng mức sàn về mặt bảo mật và hiệu năng. Trong khi trước đây, Microsoft khuyến khích người dùng nâng cấp lên Windows mới thì bây giờ họ lại làm ngược lại các bạn ạ.
Cấu hình tối thiểu của các phiên bản Windows
Thoạt nhìn thì cấu hình yêu cầu của Windows 11 không có gì quá khắt khe, gần như mọi PC từ năm 2020 trở lại đây đều chạy được hệ điều hành mới. Tuy nhiên, không phải ai mỗi năm cũng ráp một dàn PC mới, mà thay vào đó là sẽ gắn bó với dàn PC hiện tại trung bình tầm 4-5 năm. Ngoài ra, những bộ máy trạm từ năm 2018 trở về trước cũng chưa chắc đã chạy được Windows 11, chẳng hạn CPU Intel Xeon W-3175X ra mắt năm 2018 là nó không đi chung với nền tảng tích hợp TPM rồi đó. Đồng ý là một số bo mạch chủ cho phép gắn thêm chip TPM, nhưng mặc định thì rất ít máy có sẵn cái này.
Phần lớn nguyên nhân là do Windows 11 yêu cầu TPM 2.0 – một tính năng không mấy người dùng phổ thông biết, không có trên PC vài năm về trước, còn PC hiện nay thì phần lớn đều vô hiệu hóa tính năng này. Tên đầy đủ của TPM là Trusted Platform Module, và nó giúp máy tính trong việc lưu trữ khóa bảo mật, chứng nhận, và dữ liệu quan trọng. Chính vì lý do này mà Microsoft yêu cầu TPM 2.0 để tăng cường bảo mật cho PC, hạn chế những mối nguy hiểm như ransomware.
Thật ra thì bản thân TPM 2.0 cũng không hẳn là mới mẻ gì mấy. Kể từ năm 2016, Microsoft đã yêu cầu tất cả thiết bị mới đều phải có TPM 2.0, nhưng nó chỉ áp dụng cho các công ty đối tác sản xuất laptop và desktop OEM mà thôi. May mắn là nếu bạn sử dụng CPU ra mắt 3-5 năm trở lại đây thì khả năng cao là bạn có thể bật TPM trong BIOS UEFI là xong.
Điều này dẫn đến một vấn đề khác đó là sẽ có PC trang bị CPU không hỗ trợ TPM. Ví dụ CPU Intel Core từ thế hệ 7 trở về trước và AMD Ryzen từ 1000 series trở về trước đều không được Windows 11 hỗ trợ. Tuy nhiên, theo lý thuyết, nếu CPU của bạn dù không nằm trong danh sách nhưng vẫn có hỗ trợ TPM (thông qua firmware hoặc gắn thêm chip) thì vẫn cài được Windows 11. Theo Microsoft, PC của bạn ít nhất phải hỗ trợ TPM 1.2, nếu được thì TPM 2.0 càng tốt, nghĩa là đằng nào đi nữa thì máy của bạn cũng cần phải có TPM. Ngoài ra thì bạn cũng phải bật Secure Boot trong BIOS UEFI, và CPU phải hỗ trợ 64-bit.
Có lẽ trước mắt, để được trải nghiệm giao diện mới độc đáo, widget tiện dụng, hoặc những tính năng gaming xịn sò thì chúng ta đành phải chấp nhận những yêu cầu mà Microsoft đưa ra. Chỉ e rằng điều này sẽ khiến Windows 11 khó thể nào mà tăng trưởng nhanh như hồi Windows 10 được.
Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:
- Microsoft khẳng định Windows 11 sinh ra là dành cho game thủ
- Microsoft chính thức ra mắt Windows 11, hỗ trợ nâng cấp miễn phí cho người dùng Windows 10
- Nếu không thể chờ đợi bản chính thức, đây là cách giúp bạn dùng thử Windows 11 trước phần còn lại của thế giới
Nguồn: tom’s HARDWARE