Nguồn to hơn nghĩa là ngốn điện hơn?
Thật ra hao điện hay không chủ yếu nằm ở vấn đề hiệu suất sử dụng năng lượng của bộ nguồn chứ không phải công suất của nó như nhiều người vẫn tưởng.
Có một ý kiến khá phổ biến trong những người dùng phổ thông cho rằng: nguồn có công suất càng lớn thì càng “ăn” điện hơn”. Người ta thường nói với nhau rằng công suất dư ra của bộ nguồn so với mức mà hệ thống cần chính là mức công suất hao phí và sẽ chẳng có tác dụng gì ngoài việc thêm số cho hóa đơn tiền điện hàng tháng của bạn. Nhiều người đã tin vào ý kiến đó và phải mất tiền nhiều lần để mua nguồn mới mỗi khi nâng cấp hoặc gắn thêm linh kiện.
Có người đồng tình với ý kiến trên, trong khi số khác thì bác bỏ, nhìn chung thì đây vẫn là một trong những vấn đề được thắc mắc nhiều nhất khi đi mua nguồn của người dùng PC, đặc biệt là người mới. Vậy, đâu mới là câu trả lời đúng?
Nguồn “to” và nguồn “nhỏ” cũng đều như nhau
Thật ra câu hỏi kia không hề khó trả lời. Trước hết thì bạn hãy liên tưởng đến một số thiết bị điện khác xem, ví dụ như lò vi sóng và bàn ủi chẳng hạn. Đây là những thiết bị luôn được nhà sản xuất công bố công suất thực của chúng. Đó là mức công suất tối đa mà những thiết bị này có thể chạm đến chứ không phải là mức mà chúng luôn chạy. Trên thực tế thì mức công suất của những thiết bị điện là do người dùng thiết lập để phù hợp với nhu cầu sử dụng và nằm trong giới hạn của công suất tối đa.
Quay lại với những chiếc nguồn máy tính, nguồn đóng vai trò phục vụ yêu cầu về điện năng của những linh kiện trong dàn PC, và trên thực tế nó sẽ luôn chạy với mức công suất đủ để đáp ứng yêu cầu đó chứ không phải là mức cao nhất nó có thể đạt được. Ví dụ: dàn linh kiện của bạn chỉ yêu cầu cấp 500W điện nhưng bộ nguồn có công suất tối đa 750W thì lúc này, bộ nguồn vẫn sẽ chỉ hoạt động ở mức vừa đủ để cấp 500W điện đó cho hệ thống mà thôi.
Vì thế cho nên ý kiến cho rằng mua một chiếc nguồn có công suất lớn sẽ làm hao phí điện năng là hoàn toàn sai. Nguồn với công suất lớn sẽ khiến cho những khoản nâng cấp như CPU, VGA… và những thiết bị mở rộng như RAM, SSD… có thể được thêm vào dễ dàng hơn mà không cần phải nâng cấp một bộ nguồn mới với công suất lớn hơn.
Làm sao để biết mức công suất hao phí?
Nếu muốn biết chính xác một bộ nguồn có mức công suất hao phí là bao nhiêu thì bạn có thể nhìn vào chuẩn 80 Plus của nó.
Ví dụ, 1 bộ nguồn đạt chuẩn 80 Plus Standard thì theo hệ thống chứng chỉ 80 Plus, bộ nguồn đó phải đạt hiệu suất trên 80% tại các mức tải 20%, 50% và 100% công suất tối đa của nguồn, tức là nó phải chuyển đổi được ít nhất 80% năng lượng của dòng điện xoay chiều (AC) mà nó thu vào thành dòng điện 1 chiều (DC) để phục vụ cho hệ thống máy tính trên tại các mức tải đó. Cũng có thể hiểu là công suất hao phí của bộ nguồn đó sẽ nằm dưới 20%.
Nếu có cùng công suất thì nguồn càng đạt chuẩn 80 Plus cao cấp hơn sẽ có công suất hao phí trên từng mức tải thấp hơn, ít tỏa nhiệt hơn, bền hơn và cũng đắt tiền hơn. Đây cũng là thứ làm nên sự khác biệt về mức giá của những bộ nguồn cùng công suất.
Kết
Công suất hao phí gần như không liên quan đến công suất của nguồn. Việc một bộ nguồn có hao điện hay không chủ yếu thể hiện qua chuẩn 80 Plus của nó. Nếu đã dự định lâu dài cho việc nâng cấp về sau và có đủ kinh phí thì việc mua một bộ nguồn có công suất lớn và chứng nhận 80 Plus cao cấp hơn là điều hoàn toàn đáng cân nhắc.
GEARVN (Axium Fox)