"Nhân tiết kiệm điện" của CPU Intel thế hệ 12 thật ra không dùng để... tiết kiệm điện!
“Nhân tiết kiệm điện” trên CPU thế hệ 12 đúng là ăn ít điện thật nhưng đó không hẳn là mục đích chính để Intel tạo ra nó. Thế thì tại sao nó được gọi là “nhân tiết kiệm điện” và mục đích chính của nó là như thế nào? Nếu hứng thú thì mời các bạn cùng tìm hiểu với mình nhé!
Nhân tiết kiệm điện thực chất là cách gọi dễ hiểu của nhân E trong CPU thế hệ 12
CPU thế hệ 12 được gọi là CPU kiến trúc lai vì nó có 2 kiểu nhân (core), mỗi kiểu là một kiến trúc khác nhau. Chúng bao gồm performance core (nhân P, tạm dịch là “nhân hiệu năng”) và efficient core (nhân E, tạm dịch là “nhân hiệu quả”). Trong đó thì nhân P có kích thước to hơn, mạnh hơn và ăn nhiều điện hơn còn nhân E thì nhỏ hơn nhiều, ăn điện ít và cho hiệu năng tương đối.
Chính vì nhân E ăn ít điện nên chúng ta thường quen miệng gọi nó là nhân tiết kiệm điện luôn. Cách gọi này vẫn đúng và rất dễ hiểu, nói ra là nắm được ngay không cần giải thích lại. Tuy nhiên nó vẫn có vấn đề là dễ gây hiểu lầm về mục đích thiết kế chính của nhân E trên CPU thế hệ 12.
Nhân E được Intel thiết kế để dùng điện hiệu quả và chiếm diện tích nhỏ trong CPU
Nhân E là nhân chạy đơn luồng, được xây dựng trên kiến trúc Gracemont. Nó được được thiết kế để cải thiện hiệu suất đa luồng cho CPU, tiết kiệm diện tích trên CPU và giúp CPU cho hiệu năng cao hơn trên mỗi watt điện.
Để chúng ta dễ hình dung thì Intel so sánh rằng 4 nhân E của CPU thế hệ 12 chỉ chiếm cùng một diện tích với nhân của CPU thế hệ thứ 6 nhưng cho hiệu suất đa luồng cao hơn đến 80% khi ăn cùng một lượng điện. Mỗi nhân E cũng mạnh hơn nhân của CPU thế hệ thứ 6 đến 40% về hiệu năng đơn nhân khi ăn cùng một lượng điện.
Do nhân E rất nhỏ nên nó giúp CPU thế hệ 12 có nhiều nhân thực hơn trên cùng một diện tích CPU, từ đó giúp CPU có hiệu suất đa luồng (hiệu suất của tất cả các nhân cộng lại) mạnh hơn. Đồng thời do sử dụng điện hiệu quả nên nó giúp CPU ăn ít điện hơn. Khi kết hợp nhân E với nhân P, Intel đã tạo ra ra một con CPU toàn diện, vừa có xung nhịp cao, vừa dùng điện hiệu quả và vừa có nhiều nhân để cho hiệu suất đa luồng mạnh mẽ nữa.
Cách gọi “nhân tiết kiệm điện” trên CPU thế hệ 12 tuy không chính thống nhưng vẫn đúng
Intel không gọi nhân E của CPU thế hệ 12 là “nhân tiết kiệm điện” nên từ này không được xem là chính thống, không “chuẩn sách giáo khoa. Tuy nhiên trên thực tế thì nó vẫn giúp CPU tiết kiệm điện nên gọi vậy vẫn đúng. Cá nhân mình thì mình vẫn thích gọi “nhân tiết kiệm điện” với “nhân hiệu năng cao” khi chém gió với anh em bạn bè hơn. Chứ mình mà gọi “nhân P” với “nhân E” thì mất công lại phải lôi tài liệu ra giải thích, mệt lắm.
Vì thế nên mình viết bài này với mục đích chia sẻ khái niệm “chuẩn sách giáo khoa” của Intel là chính chứ không phải để nói cách gọi “nhân tiết kiệm điện” là sai. Hy vọng bài viết này mang đến thông tin hữu ích cho các bạn. Cảm ơn các bạn vì đã đọc nha.
Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:
- Vì sao trên nắp lưng của một số CPU Intel có lỗ? Keo tản nhiệt rơi vào có sao không?
- Vì sao keo kim loại lỏng dẫn nhiệt tốt nhất nhưng lại không ai dùng để “ép xung đua top”?
- Trong CPU có bao nhiêu vàng?
Nguồn: Tom’s Hardware