Tìm hiểu USB Power Delivery – Công nghệ giúp game thủ mobile nhanh chóng trở lại chiến trường
Mời các bạn cùng GVN 360 “mổ xẻ” công nghệ sạc nhanh USB Power Delivery đang phổ biến hiện nay nhé.
Hầu hết những thiết bị di động hiện nay đều được trang bị công nghệ sạc nhanh, giúp người dùng không bị gián đoạn quá lâu. Nhất là game thủ mobile sau một hồi chiến game là cạn pin, lúc này bạn sẽ cần chiếc điện thoại của mình sạc với tốc độ nhanh nhất có thể để mau chóng trở lại cuộc vui. Và hẳn nhiều bạn cũng để ý là phần lớn các thiết bị này đều tương thích với chuẩn sạc nhanh USB Power Delivery (USB PD). Vậy USB PD lợi hại đến mức nào mà nhiều hãng lại muốn tích hợp chuẩn này lên sản phẩm của họ? Mời các bạn cùng GVN 360 tìm hiểu nhé.
Nguồn gốc USB Power Delivery
Trước đây, mỗi hãng đều có công nghệ sạc nhanh của riêng mình, khiến người dùng bối rối khi lựa chọn sản phẩm. Thế nên nhóm USB Promoters Group đã tạo ra một chuẩn sạc nhanh chung gọi là USB Power Delivery và nó có thể được tích hợp vào trong tất cả thiết bị USB. USB PD đã xuất hiện từ năm 2012 rồi, cùng lúc USB-C được hé lộ. Hiện tại, USB Power Delivery thường được trang bị cho những chiếc smartphone (Apple iPhone 12, Asus ROG Phone 5, Samsung Galaxy S21) và laptop.
Mức điện áp USB Power Delivery hỗ trợ
Cổng USB-C ngoài tính năng cắm chiều nào cũng nhận thì nó còn hỗ trợ nhiều mức sạc khác nhau, đó là chưa kể một số hãng còn tích hợp thêm một số tính năng khác cho chiếc cổng bá đạo này. Tất cả cổng USB đều hỗ trợ sạc 5V với cường độ dòng điện lên đến 500mA, các cổng xịn hơn thì lên đến 900mA, nhưng nhìn chung thì nhiêu đây vẫn sạc rất chậm. Cổng USB-C thì khá khẩm hơn chút, hỗ trợ 5V 1,5A và 3A, cho ra công suất lên đến 15W, nhưng so với các chuẩn sạc nhanh khác thì con số này vẫn còn chậm các bạn ạ.
USB Power Delivery thì xịn sò hơn, hỗ trợ công suất lên đến 100W nên trong một số trường hợp nó còn sạc được cả những chiếc laptop mỏng nhẹ luôn. Ngoài ra thì nó cũng an toàn hơn, do thiết bị và củ sạc truyền tín hiệu với nhau thông qua sợi cáp USB để xác nhận mức sạc tối ưu nhất. Nhờ vậy nên nó hỗ trợ các mức điện áp 5V, 9V, 15V, 20V để cho ra các mức công suất từ 0,5W đến 100W. Trường hợp không chọn được con số tối ưu thì mặc định, USB Power Delivery sẽ chọn mức điện năng được giao thức USB đó hỗ trợ, chẳng hạn như USB-C là 1,5A.
Các phiên bản USB Power Delivery
Hiện tại, USB PD đang ở phiên bản 3.0, có khả năng tương thích ngược với các phiên bản trước và sở hữu nhiều mức cấu hình điện áp để tối ưu tốt hơn cho việc sạc nhanh.
USB PD 1.0 có 6 cấu hình, bao gồm 10W (5V, 2A), 18W (12V, 1,5A), 36W (12V, 3A), 60W (12V, 5A), 60W (20V, 3A), 100W (20V, 5A). Cũng nhiều đó, nhưng không thật sự linh hoạt cho lắm vì có những chiếc smartphone nhỏ cần sạc với mức điện áp thấp hơn mới tối ưu.
USB PD 2.0 và 3.0 thì không có các cấu hình đó nữa để cấp điện một cách linh hoạt hơn. Nó vẫn có một số quy định về các khoảng điện áp, nhưng cường độ dòng điện thì có thể thay đổi linh hoạt hơn, giúp tương thích với nhiều thiết bị hơn. Riêng phiên bản 3.0 sẽ cung cấp thêm thông tin về tình trạng pin, cải thiện bảo mật, vân vân. Hầu hết smartphone hiện nay đều xài USB PD 2.0 và 3.0 với công suất sạc thường là 18W, còn laptop là 60W.
Mức công suất USB PD | Điện áp | Khoảng cường độ dòng điện | Các thiết bị |
0,5 – 15W | 5V | 0,1 – 3A | Headphone, các thiết bị USB nhỏ |
15 – 27W | 9V | 1,67 – 3A | Smartphone, máy ảnh, drones |
27 – 45W | 15V | 1,8 – 3A | Máy tính bảng, laptop nhỏ |
45 – 100W | 20V | 2,25 – 3A 3 – 5A (chỉ với sợi cáp đạt chuẩn) | Laptop lớn, màn hình |
Hồi cuối tháng 5/2021, USB Promoter Group tiếp tục công bố chuẩn USB PD 3.1 với khả năng cấp nguồn lên đến 240W thông qua USB-C. Nó có thêm 3 mức điện áp so với USB PD 3.0, bao gồm 28V (trên 100W), 36V (trên 140W), 48V (trên 180W). Ngoài ra, nó còn có thêm chế độ cho phép điều chỉnh các mức điện áp từ 15W cho đến 28V, 36V, hoặc 48V tùy điều kiện với độ chia nhỏ nhất là 100mV, giúp cấp lượng điện chính xác và tối ưu hơn cho việc sạc nhanh.
USB Power Delivery sạc nhanh đến mức nào?
Vì USB PD có nhiều mức sạc khác nhau nên rất khó để nói chính xác chuẩn này sạc nhanh đến đâu. Nhưng nói một cách khái quát nhất thì điện thoại trang bị viên pin dung lượng lớn thường sạc đầy sau tầm 1 tiếng nếu xài củ sạc USB PD 18W. Còn laptop với dung lượng pin lớn thì cần 1-2 tiếng để sạc đầy với củ sạc 60W.
Đối với phần lớn smartphone có USB PD thì 9V là mức điện áp thường gặp, và nó cũng không dùng hết 3A nên công suất thường chỉ tầm 18-20W là kịch kim. Do đó, một số mẫu smartphone đầu bảng vẫn dùng công nghệ riêng của mỗi hãng để tối ưu cho việc sạc nhanh. Các công nghệ này đang phát triển khá nhanh, chẳng hạn Oppo có thể đạt 100W, hay Xiaomi lên đến 120W. Bình thường, tầm 40W là đủ để sạc smartphone siêu nhanh rồi nên bạn có thể tưởng tượng 120W khủng khiếp đến mức nào.
USB Power Delivery giúp người dùng bớt “rối não” và nhà sản xuất tiết kiệm chi phí
Tính năng dễ thấy nhất của USB PD là sạc nhanh đó, nhưng mục đích chính của nó là tạo ra 1 chuẩn chung để sạc các thiết bị USB, như GVN 360 có chia sẻ ở đầu bài. Từ đó giúp người dùng dễ dàng lựa mua sản phẩm đúng với nhu cầu, chỉ cần cắm vào là có ngay sạc nhanh. Đồng thời, các hãng cũng không cần phải tạo ra cổng sạc riêng, dây cáp riêng để sạc pin cho thiết bị của mình, và cũng không nhất thiết phải bán kèm củ sạc, giúp giảm chi phí và bảo vệ môi trường.
Hi vọng thông tin trên sẽ giúp bạn khám phá ra những điều mới mẻ về thế giới công nghệ. Nếu các bạn có góp ý hoặc bổ sung thì hãy chia sẻ với mình bên dưới phần bình luận nhé. Cảm ơn các bạn đã quan tâm đến bài viết này.
Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:
- Giải mã sự diệu kỳ của USB-C, một lỗ 2 chiều lật kiểu nào cũng nhận
- USB-C sắp hỗ trợ sạc 240W, cân nhẹ nhàng cả laptop gaming
- Rút ra cắm vào nhiều có làm hư đầu cắm USB?
Nguồn: Belkin; RavPower; MakeUseOf; Android Authority; USB; ZDNet