Tìm hiểu về keo tản nhiệt kim loại lỏng dùng trong PC và console
Keo tản nhiệt kim loại lỏng thực chất là gì? Có ưu nhược điểm ra sao? Mời mọi người cùng GVN 360 tìm hiểu nhé.
Đối với dân PC thì có lẽ chúng ta đã từng ít nhiều nghe nói đến keo tản nhiệt kim loại lỏng rồi. Còn với game thủ console thì có lẽ các bạn chỉ mới để ý đến điều này khi Sony tung video ông Phó Giám đốc Yasuhiro Ootori “mổ bụng” chiếc PlayStation 5, cho thấy nó sử dụng tản nhiệt bằng keo kim loại lỏng (liquid metal). Vậy thực chất nó là gì, và rốt cuộc thì nó có tốt hơn mấy tuýp keo tản nhiệt bình thường hay không? Mời các bạn cùng GVN 360 tìm hiểu nhé.
Keo tản nhiệt kim loại lỏng là một hợp kim
Kim loại lỏng trong trường hợp này là một hợp kim eutecti. Hợp kim của kim loại lỏng bao gồm 3 kim loại khác nhau: Gali (Ga), Indi (In), và thiếc (Sn). Nói sơ một chút thì “eutecti” nghĩa là hợp chất này có nhiệt độ nóng chảy thấp hơn so với từng kim loại cấu thành nên nó.
Kim loại lỏng dùng để làm mát cho con chip sẽ không hóa rắn cho đến khi bạn hạ nhiệt độ xuống còn khoảng -19 độ C. Điều này nghĩa là trong điều kiện hoạt động bình thường, kim loại lỏng vẫn sẽ nằm ở trạng thái lỏng.
Keo tản nhiệt kim loại lỏng truyền nhiệt cực kỳ tốt
Thật ra, keo tản nhiệt kim loại lỏng đã xuất hiện cũng được một thời gian rồi, và nó khá là phổ biến trong cộng đồng đam mê PC, hoặc dân chuyên ép xung. Nhiều khi, họ còn ưu ái nó hơn cả keo tản nhiệt thông thường nữa vì chất lượng của nó cực xịn các bạn ạ. Bất kể bạn trét nó lên trên bề mặt nắp IHS của CPU (tiếp xúc với phần đế của bộ tản nhiệt) hoặc phần mặt trong của nắp IHS (tiếp xúc với bề mặt của die) thì hiệu suất mà nó mang lại có thể nhận thấy khá rõ ràng đó.
Sở dĩ nó mang lại hiệu quả cao hơn là vì nó truyền nhiệt tốt hơn. Trong khi keo tản nhiệt truyền thống thường kết hợp một vài kim loại với silicon thì keo tản nhiệt kim loại lỏng chỉ toàn là kim loại mà thôi. Tuy nhiên, keo tản nhiệt truyền thống có giá thành dễ chịu hơn, thông dụng hơn, và nhìn chung thì vẫn đủ tốt để xài trong đa số trường hợp. Vậy thì tại sao bây giờ Sony lại quyết định dùng kim loại lỏng để tản nhiệt cho PS5?
Vì sao đến bây giờ console như PS5 mới xài kim loại lỏng để tản nhiệt?
Theo cấu hình của chiếc PS5 thì nó có sức mạnh tương đương với một chiếc PC gaming thuộc phân khúc trung-cao, trong khi các thế hệ console trước đây thì không có cấu hình phần cứng xịn sò đến như vậy. Điều này nghĩa là con chip trong PS5 tuy nhỏ xíu nhưng sức mạnh tính toán của nó thì rất lớn, đó là chưa kể CPU và GPU đều cùng nằm chung trên 1 con chip. Thế nên nó sẽ tạo ra một lượng nhiệt rất lớn khi hoạt động.
Đúng là trong trường hợp này dùng keo tản nhiệt truyền thống vẫn ổn thôi và Sony có thể tiết kiệm khá nhiều chi phí, nhưng với keo tản nhiệt kim loại lỏng thì con chip SoC không chỉ mát hơn mà máy còn vận hành êm ái hơn nữa. Nếu Sony tiết kiệm tiền ở khoản keo tản nhiệt thì bù lại họ cũng phải dồn tiền để thiết kế bộ tản nhiệt xịn hơn, trang bị quạt tản nhiệt tốt hơn để làm mát các linh kiện; từ đó khiến máy chạy ồn hơn và tăng chi phí sản xuất. Vậy nên nhìn chung, Sony chi nhiều tiền hơn cho keo tản nhiệt kim loại lỏng nhưng bù lại nó sẽ giúp họ tiết kiệm chi phí ở những khoản khác.
Keo tản nhiệt kim loại lỏng đối với dân PC
Đối với dân PC “khéo tay hay mò” chúng mình thì ngoài việc có giá thành khó tiếp cận hơn so với loại truyền thống, vì keo tản nhiệt kim loại lỏng thuộc dạng… lỏng nên nó có thể dễ dàng lan ra các khu vực xung quanh, nếu làm không khéo thì sẽ khá là “tầy quầy” đó. Ngoài ra, keo tản nhiệt loại này cũng có tính dẫn điện rất tốt nên nếu lỡ mà lan sang các linh kiện khác thì nguy cơ gây đoản mạch, hỏng hóc sẽ khá là cao đó. Đó cũng là lý do vì sao một số người chuộng dùng keo tản nhiệt loại gốm (ceramic) hơn là kim loại lỏng. Con chip sẽ nóng hơn vài độ, nhưng bù lại thì keo tản nhiệt loại gốm sẽ không dẫn điện nên an toàn hơn rất nhiều.
Vì thế nên nếu bạn thật sự muốn dùng kim loại lỏng để tản nhiệt thì hãy lấy ra một lượng ít thôi, và khi dàn đều keo tản nhiệt thì phải thật cẩn thận đó nhe. Ngoài ra, bạn không nên dùng keo tản nhiệt kim loại lỏng chung với bộ tản nhiệt có phần đế làm bằng nhôm nhé. Lý do là vì nó sẽ khiến phần đế bị ăn mòn và hỏng hóc đó. Còn nếu bạn biết cách làm đúng và thận trọng trong quá trình tra keo tản nhiệt kim loại lỏng thì nó có thể giúp bộ PC của bạn hoạt động cực kì mát mẻ luôn nhé.
Hi vọng rằng sau bài viết này bạn có thể hiểu rõ hơn về keo tản nhiệt kim loại lỏng, cũng như là giúp bạn khám phá ra những điều mới mẻ về thế giới công nghệ. Nếu các bạn có góp ý hoặc bổ sung thì hãy chia sẻ với mình bên dưới phần bình luận nhé. Cảm ơn các bạn đã quan tâm đến bài viết này.
Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:
- Tại sao keo tản nhiệt lại thật sự cần thiết đến vậy, và nên dùng loại keo tản nhiệt nào cho đúng?
- Hướng dẫn lau keo tản nhiệt cũ đúng cách
- Hướng dẫn kiểm tra nhiệt độ CPU trên Windows 10 để phát hiện và “hạ sốt” ngay khi CPU có dấu hiệu quá nhiệt
- Điều gì xảy ra khi bạn đặt viên nước đá lên CPU, đây là câu trả lời
- Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn dùng kem đánh răng thay cho kem tản nhiệt CPU?
- Chia sẻ về việc thay keo tản nhiệt định kỳ cho laptop
- Vì sao keo liquid metal dẫn nhiệt tốt nhất nhưng lại không ai dùng để “ép xung đua top”?
- Vì sao keo tản nhiệt liquid metal không dành cho người mới
- Đừng đếm ống đồng để đánh giá “sức mạnh” tản nhiệt, đây là những yếu tố quan trọng không kém
- Tản nước rad to chưa chắc đã mát hơn – Đây là những yếu tố quan trọng không kém
- Anh em có biết cách đặt tản nước AIO cũng có thể ảnh hưởng lớn đến hiệu năng?
- Tản khí và tản AIO – Khi nào thì nên dùng loại nào?
Nguồn: Techquickie