Top 10 GPU định hình thế giới game hiện đại
Với những chiếc card màn hình xịn sò đầu bảng như hiện nay, chiến game FullHD max setting thả ga thì chúng ta sẽ dễ quên đi những ngày tháng mà ngành PC gaming vẫn còn mới “khai hoang mở cõi”. Nhưng nếu anh em chịu khó nhìn lại một chút về quá trình phát triển 25 năm của card màn hình thì sẽ thấy được rằng nó đã có những bước nhảy vọt vô cùng to lớn về mặt điện năng và hiệu năng, và cũng phần nào lý giải được rằng vì sao một con card đồ họa đầu bảng hiện nay như NVIDIA GeForce RTX 2080 Ti lại có mức giá đắt đỏ như thế. Ngoài ra thì anh em cũng sẽ khá bất ngờ khi biết được rằng những công nghệ thịnh hành hiện nay lại được giới thiệu lần đầu hàng chục năm về trước. Sau đây là danh sách 10 định hình thế giới game hiện đại.
3dfx Voodoo
Năm ra mắt: 1996 | Xung nhịp: 50MHz | Bộ nhớ: 4/6MB | Tiến trình: 500nm
Vào tháng 3/1996, 3dfx đã ra mắt một trong những chiếc card màn hình đầu tiên có thể nói là mang tính cách mạng đối với PC gaming: chiếc card Voodoo (hay còn gọi là Voodoo1). Với xung nhịp chỉ 50MHz và bộ nhớ lên đến… 4/6MB, Voodoo là một chiếc card màn hình rất sáng giá cho việc xử lý hình ảnh 3D vào thời điểm bấy giờ. Với cấu hình cao nhất thì nó có khả năng xuất hình ở độ phân giải 800×600, còn ở cấu hình thấp hơn thì chỉ xuất được 640×480 mà thôi. Mặc dù nó vẫn có những hạn chế nhất định nhưng đây vẫn là một cái tên chói lọi, giúp 3dfx vang danh trong mảng PC gaming (và sau này được NVIDIA mua lại luôn).
Nvidia Riva 128
Năm ra mắt: 1997 | Xung nhịp: 100MHz | Bộ nhớ: 4MB | Tiến trình: SGS 350nm
(Bức hình trên là Nvidia Riva 128 ZX – một phiên bản refresh nhẹ)
Một công ty chipset tên là NVIDIA ngay sau đó đã xuất hiện, hứa hẹn là một đối thủ đáng gờm của 3dfx khi tung ra chiếc card màn hình Nvidia Riva 128 (hay còn gọi là NV3). Tên này viết đầy đủ ra sẽ là “Real-time Interactive Video and Animation” và tích hợp khả năng 2D lẫn 3D acceleration trong một con chip để dễ sử dụng. Nhìn chung thì nó có hiệu năng rất ổn với xung nhịp 100MHz cho nhân GPU và bộ nhớ (gấp đôi so với Voodoo) và có dung lượng bộ nhớ SGRAM 4MB. Đây cũng là chiếc card đầu tiên giúp NVIDIA đánh dấu tên tuổi của mình lên bản đồ, và nếu anh em nhìn cách sắp xếp các con chip nhớ xung quanh con chip trung tâm thì sẽ thấy đây là “tổ tiên” của những chiếc card GeForce sau này. Tất nhiên, NVIDIA Riva 128 chưa ra oai được bao lâu thì bị 3dfx phản đòn với Voodoo2.
3dfx Voodoo2
Năm ra mắt: 1998 | Xung nhịp nhân: 90MHz | Bộ nhớ: 8/12MB | Tiến trình: 350nm
Voodoo2 thì quá nổi tiếng luôn rồi vì nó có hiệu năng rất đáng kinh ngạc vào thời điểm bấy giờ, tạo ấn tượng lớn trong thị trường GPU. Voodoo2 có xung nhịp nhân và xung nhịp bộ nhớ đạt 90MHz, dung lượng bộ nhớ 8/12MB, và hỗ trợ SLI – khi kết nối với chiếc card thứ nhì thì nó có thể xuất hình với độ phân giải lên đến 1024×768. 3dfx giữ vững ngôi vị của mình trong một thời gian khá lâu, nhưng rồi công ty này đã có những nước đi cực kì sai lầm, dẫn đến tình trạng bị phá sản.
Nvidia GeForce 256
Năm ra mắt: 1999 | Xung nhịp nhân: 120MHz | Bộ nhớ: 32MB DDR | Tiến trình: TSMC 220nm
Đây là chiếc card đồ họa đầu tiên thuộc dòng GeForce và được ví von như là “chiếc card GPU đầu tiên trên thế giới”. Thực chất đây chỉ là một chiêu trò quảng bá của NVIDIA, nó đơn thuần chỉ là một cái tên mà NVIDIA dành cho giải pháp mà họ đang sử dụng: một con chip duy nhất – graphics processing unit (GPU). Và như anh em cũng đã thấy, cái tên GPU này đã được nhiều người trong ngành đón nhận. Tất nhiên, GeForce 256 vẫn là một chiếc card xứng đáng với danh hiệu này, nó được tích hợp khả năng gia tốc dành cho ánh sáng và biến đổi (transform) vào trong GPU, cùng với xung nhịp 120MHz và bộ nhớ DDR 32MB (đối với phiên bản cao cấp). Ngoài ra thì nó còn hỗ trợ Direct3D 7 giúp chơi những tựa game PC kinh điển thời bấy giờ.
Nvidia GeForce 8800 GTX
Năm ra mắt: 2006 | Xung nhịp nhân: 575MHz | Bộ nhớ: 768MB GDDR3 | Bóng bán dẫn: 681 triệu | Tiến trình: TSMC 90nm
Một khi NVIDIA tung ra GeForce 8800 GTX thì không cần phải bàn cãi gì nữa. Anh em nào mà muốn một chiếc card đủ gây sự chú ý và không quan tâm đến kích thước thì đây sẽ là câu trả lời cho anh em. Với 128 nhân Tesla nằm bên trong GPU G80 và bộ nhớ 768MB GDDR3, GeForce 8800 GTX là một cái tên cực kì quen thuộc cho đến tận ngày nay. Lúc ra mắt thì đây là chiếc card thống lĩnh thị trường và nó đã giữ vững ngôi vị này khá lâu nhờ có Direct3D 10 và một vài tính năng khác. À, nhất là nó chạy được Crysis luôn nhé anh em.
ATI Radeon HD 5970
Năm ra mắt: 2009 | Xung nhịp nhân: 725MHz | Bộ nhớ: 2048MB GDDR5 | Bóng bán dẫn: 4308 triệu | Tiến trình: 40nm
Hãng ATI khá là bận rộn trong việc sản xuất chip cho console trong thập niên 90 và đầu những năm 2000, và họ cũng đã tạo ra được những con GPU rất tốt, chẳng hạn như X1900 XTX. Vào năm 2006 thì AMD mua lại ATI, và thế là thương hiệu Radeon tất nhiên cũng về với đội đỏ. Sau thất bại ê chề với HD 2000 và 3000 series thì AMD đã tạo ra được HD 4870 và HD 4850 khá là chất lượng, nhưng nổi bật hơn hết là chiếc Radeon HD 5970. Cơ bản mà nói thì đây là con GPU Cypress phiên bản to bự hơn, sở hữu bộ nhớ 1024MB và bus 256-bit… nhân hai. Đúng vậy, chiếc card này có tới 2 GPU nên đã tốt nay lại càng xịn hơn, giúp nó thống lĩnh thị trường PC gaming vào lúc đó. “Truyền thống” trang bị 2 chip vào chung 1 chiếc card vẫn tiếp diễn cho đến AMD Radeon R9 295X2 và NVIDIA Titan Z. Nhưng kể từ khi việc hỗ trợ đa GPU có dấu hiệu chậm lại thì truyền thống này không còn được phổ biến nữa.
Nvidia GTX Titan
Năm ra mắt: 2013 | Xung nhịp nhân: 837MHz | Bộ nhớ: 6144MB GDDR5 | Bóng bán dẫn: 7080 triệu | Tiến trình: TSMC 28nm
NVIDIA ra mắt GTX Titan lần đầu vào năm 2013, và lúc đó thì vị trí của nó là ngồi trên đầu những chiếc card đồ họa khác nhờ có hiệu năng cực kì khủng bố. Có thể nói đây là chiếc card phổ thông đầu tiên dành cho những tín đồ đam mê công nghệ. GTX Titan có 2688 nhân CUDA và có xung nhịp boost 876MHz. Về phần bộ nhớ thì nó có tới 6GB GDDR5 (384-bit), đủ sức chấp mọi thể loại game lúc đó. Cứ như thể là NVIDIA đã quyết định dồn hết mọi thứ xịn sò nhất cho chiếc card này, khiến rất nhiều người thèm thuồng được sở hữu con quái vật này. Chỉ cần một con GPU với kiến trúc cực kì tiên tiến, có khả năng quẩy tung những tựa game AAA lúc đó là quá đủ để khiến việc chạy 2 card trở nên… lỗi thời.
Nvidia GeForce GTX 1080 Ti
Năm ra mắt: 2017 | Xung nhịp nhân: 1480MHz | Bộ nhớ: 11GB GDDR5X | Bóng bán dẫn: 12 tỷ | Tiến trình: TSMC 16nm
Kiến trúc Pascal quả thật là một chiến tích hiển hách của NVIDIA, và GeForce GTX 1080 Ti là minh chứng hùng hồn cho điều này. Nhờ có mức hiệu năng / điện năng tiêu thụ cực kì tốt mà cho đến bây giờ đây vẫn là một trong những chiếc card màn hình được nhiều game thủ ao ước. Vào thời điểm đó thì GTX 1080 Ti là cái tên đứng đầu về mặt hiệu năng khi chơi game, thậm chí nó còn nhỉnh hơn cả Titan X (Pascal). Sau đó thì NVIDIA có tung ra Titan Xp xịn sò hơn với mức giá 1200USD, nhưng hiệu năng của GTX 1080 Ti với mức giá 699USD cũng rất sát nút với Titan Xp chứ chẳng thua kém bao nhiêu, còn mà xét về hiệu năng / giá thành thì GTX 1080 Ti giành chiến thắng cực kì thuyết phục luôn nhé.
AMD Radeon RX 580
Năm ra mắt: 2017 | Xung nhịp nhân: 1257MHz | Bộ nhớ: 4GB/8GB GDDR5 | Bóng bán dẫn: 5,7 tỷ | Tiến trình: GlobalFoundries 14nm
Đây là một chiếc card màn hình được trang bị GPU Polaris với mức giá rất dễ tiếp cận, phù hợp cho những anh em nào muốn chiến game ở độ phân giải 1080p. Với hiệu năng nhỉnh hơn RX 570 một chút thì RX 580 đã giúp AMD chiếm được cảm tình của game thủ nhờ có mức hiệu năng / giá thành vô cùng hấp dẫn. Nó đã giúp rất nhiều anh em gia nhập vào hội PC gaming mà không cần đầu tư quá nhiều chi phí để chơi những tựa game yêu thích. Thậm chí, nói về việc đào tiền ảo thì đây là con GPU số dzách luôn anh em ạ. Đợt đó anh em game thủ mà muốn kiếm card màn hình AMD về ráp thì… chúc may mắn luôn nhé.
Nvidia GeForce RTX 2080 Ti
Năm ra mắt: 2018 | Xung nhịp nhân: 1350MHz | Bộ nhớ: 11GB GDDR6 | Bóng bán dẫn: 18,6 tỷ | Tiến trình: TSMC 12nm
Tính đến thời điểm bài viết thì anh em nào muốn hiệu năng chơi game cao nhất bằng bất cứ giá nào. Với mức giá 1200USD thì đây quả thực là chiếc card màn hình đắt đỏ nhất thuộc dòng phổ thông, nhưng với GPU chứa 4352 nhân thì ngay cả RTX 2080 Super cũng không tài nào theo kịp. Cộng với bộ nhớ 11GB GDDR6 (tổng băng thông 616GB/s), nói trắng ra thì đây là một con quái vật anh em ạ. Vì thế nên để sở hữu sức mạnh khủng khiếp này, việc trả một cái giá cao ngất ngưởng cũng là điều hợp lý. Ngoài ra, RTX 2080 Ti không chỉ là một chiếc card màn hình cực mạnh mà nó còn là lý do vì sao việc chạy 2 card ngày càng ít được các nhà phát triển game hỗ trợ. Một card là đủ rồi, chí ít là ở thời điểm hiện tại.
Nguồn: PC Gamer