Top 10 tựa game có kết thúc đầy ẩn ý khiến game thủ suy ngẫm mãi về sau
Thường những tựa game xuất sắc không chỉ có đồ họa mãn nhãn, cốt truyện lôi cuốn, nhân vật có chiều sâu mà nó còn có những cái kết in đậm trong tâm trí game thủ. Một số tựa game đáng nhớ nhất cũng là game có cái kết bỏ lửng, tạo chủ đề cho fan bàn tán sôi nổi. Sau đây là top 10 tựa game có kết thúc đầy ẩn ý khiến game thủ suy ngẫm mãi về sau.
Cảnh báo: có spoiler!!!
Death Stranding – Phải chăng thế giới đang hồi phục?
Death Stranding là một tựa game độc nhất vô nhị, đưa bạn đến một thế giới hậu tận thế được thiết kế theo phong cách khoa học – viễn tưởng khá là lạ. Một trong những nhân vật chủ chốt trong game là “BB” (hay còn gọi là Lou). Ở đoạn cuối game, bạn sẽ xây dựng được mối liên kết chặt chẽ với Lou. Và cũng ngay chính thời điểm này, Death Stranding đã cho người chơi thấy rằng trước mắt họ đang là một bối cảnh hậu tận thế đầy ảm đạm và u ám, nhưng cùng với đó là một tia hy vọng mong manh.
Nhân vật chính Sam và Lou đều là những nhân vật cuối cùng mà người chơi được nhìn thấy, và họ được đặt trong một khung cảnh đang dần được hồi phục, thay vì như trước đó là vô cùng ô nhiễm và hắc ám. Đọng lại trong tâm trí bạn lúc này sẽ là câu hỏi Sam và em bé Lou rồi sẽ như thế nào, và liệu thế giới có được cải thiện dần dần hay không, hay là nó sẽ mù mịt như trong quá khứ mà Sam đã khám phá ra?
Bioshock Infinite – Lý thuyết đa vũ trụ phức tạp
Khi một tựa game nào đó giới thiệu ý tưởng về việc du hành xuyên qua các dòng thời gian, bạn biết sắp tới mọi chuyện sẽ bắt đầu trở nên phức tạp hơn nhưng cũng không kém phần hấp dẫn. Trong trường hợp Bioshock Infinite, fan vẫn thường xuyên bàn luận về số phận của nhân vật chính Booker. Xuyên suốt game, chúng ta sẽ nhận ra rằng nhân vật phụ Elizabeth đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập và dự đoán các chuỗi sự kiện diễn ra trong tương lai.
Vẫn chưa rõ chính xác Elizabeth nắm trong tay bao nhiêu thông tin và cô ta gây tác động đến các dòng thời gian khác nhiều đến đâu. Tuy nhiên, hầu hết fan đều đồng ý rằng Elizabeth biết nhiều hơn cả Booker. Có lẽ điều đáng để đem ra mổ xẻ nhất là phân cảnh xuất sắc diễn ra sau khi kết thúc credit, lúc này game có hé lộ rằng Booker có thể đã được đoàn tụ cùng người con gái bị thất lạc, chỉ là fan không thể xác minh 100% rằng liệu 2 người họ có thật sự gặp lại nhau hay là không.
Red Dead Redemption – Một gia đình phải đối mặt với các biến cố
Tựa game này đã kết thúc với cảnh nhân vật chính John Marston mà người chơi đã gắn bó bao lâu nay bị phản bội và phải hi sinh, hứng chịu loạt đạn nhằm bảo vệ gia đình của mình. Sau khi nhân vật chính mất mạng thì game chuyển sang góc nhìn của người con trai Jack. Jack không chỉ phải đối mặt với việc mồ côi cha mà ít lâu sau đó mẹ anh ta cũng qua đời.
Điều khiến game thủ thỏa mãn nhất về cái kết này là khi Jack trả thù cho cái chết của cha mình. Tuy nhiên, với việc cha mẹ đều đã qua đời, bạn sẽ tự hỏi rằng Jack đã phải chịu đựng đến đâu và gánh nặng mà anh ta phải vác trên vai nhiều đến mức nào khi chỉ mới 19 tuổi.
Bloodborne – Một thế giới đầy phép thuật huyền bí và mạnh mẽ
Bloodborne là một tựa game dark fantasy được thiết kế theo phong cách gothic với nhiều cái kết khác nhau, và cái nào cũng đều xuất sắc cả. Trong cái kết đầu tiên, Gehrman sẽ giết chết nhân vật chính Hunter, và đây là một phép ẩn dụ cho việc chiến binh lão làng đánh thức họ khỏi một giấc mơ. Tuy nhiên, game thủ vẫn bàn tán về việc liệu giấc mơ của Hunter có thật sự là giấc mơ hay không, hay là ngược lại. Còn cái kết thứ hai là người chơi không chấp nhận cái chết và tiêu diệt Gehrman. Nếu đi theo hướng này thì bạn sẽ nhận ra một vài chi tiết ám chỉ bản chất thật sự của giấc mơ.
Riêng cái kết cuối cùng (cái kết bí mật) mới là đầy tham vọng nhất. Đầu tiên, bạn sẽ chiến thắng trong một trận đánh oanh liệt với Moon Presence, sau đó chứng kiến cảnh Plain Doll nói với Great One. Fan của Bloodborne vẫn còn bàn tán về ý nghĩa của việc nhân vật chính thay thế cho vị trí của Moon Presence.
Limbo – Chuyện gì đã xảy ra với nhân vật chính?
Limbo là một tựa game indie thuộc thể loại nhập vai kinh dị được game thủ yêu thích bởi phong cách đồ họa bí ẩn và lối chơi độc đáo. Cốt truyện game kết thúc với khung cảnh nhân vật chính của chúng ta phá tung cửa sổ nhảy ra ngoài để rồi lại thấy bản thân mình tỉnh dậy trong một khu rừng không khác gì so với khu rừng mà chúng ta bắt đầu cuộc hành trình đầu game. Sau một hồi lang thang thì nhân vật chính lại bắt gặp một cô bé khác cũng không giống như mình đang lạc trong khu rừng và rồi game kết thúc tại đó.
Đã có rất nhiều giả thuyết được đặt ra cho cái kết game đầy bí ẩn này, cũng như là một dấu chấm hỏi lớn rằng liệu nó có liên quan trực tiếp gì tới tiêu đề của game là Limbo hay không. Một số người cho rằng cô bé ở cuối game chính là cô em gái của nhân vật chính – người đã mất cùng lúc với cậu bé nhân vật chính. Nhưng nguyên nhân khiến cả 2 cùng mất là gì? Dựa vào những chi tiết như cửa sổ bị vỡ cuối game, các bánh răng, vân vân thì người chơi nghĩ rằng cả 2 đã mất trong một vụ tai nạn xe hơi.
Inside – Một số phận nghiệt ngã sống trong một thế giới phản địa đàng (Dystopian)
Inside là một tựa game kinh dị có 2 kết thúc, một là kết thúc chính và hai là kết thúc ẩn. Mà cho dù bạn có chơi hết game bằng kết thúc nào đi nữa thì Inside cũng để lại trong đầu bạn hàng tá các câu hỏi và thắc mắc về thế giới lập dị mà nhân vật chính đang sống. Trong phần kết game chính, nhân vật chính của chúng ta bị hấp thụ bởi một sinh vật có ngoại hình kỳ dị nhiều tay nhiều chân. Sau đó, sinh vật kỳ dị này vùng vẫy và trốn thoát ra khỏi khu nghiên cứu trong sự hoảng loạn của nhân viên ở đây để rồi cuối cùng lại nằm bất động trên một miếng đất ven hồ. Rất nhiều người chơi thắc mắc trong kết game này đó là cậu bé nhân vật chính còn sống không, và nếu sinh vật kia đã chết rồi thì nó đang phản ánh điều gì trong thế giới này phản địa đàng này?
Trong phần kết ẩn của game, nhân vật chính đã mò được tới được một vị trí bí mật và rút phích cắm của một thiết bị điều khiển tâm trí. Sau khi rút phích cắm và tắt nguồn xong thì thay vì cậu bé đứng lên và tiếp tục bỏ chạy thì cậu lại từ từ gục xuống, kéo theo đó là màn hình đen dần dần phủ lắp màn hình. Cái kết này được game thủ phỏng đoán là do con người trước đây đã bị điều khiển trí não nên khi rút phích cắm ra thì con người không còn ai điều khiển nữa nên tự động “tắt nguồn”. Nếu giả thuyết này đúng thì ai hay tổ chức nào đã điều khiển những con người này, ai sẽ chịu trách nghiệm cho hậu quả mà con quái vật gây ra, vân vân.
Mother 3 – Những nhân vật chính còn sống không và họ đang ở đâu?
Ở cuối game Mother 3, nhân vật chính Lucas đã quyết định phá hủy hòn đảo Nowhere bằng cách thả ra những con rồng bóng tối. Sau khi cả hòn đảo Nowhere bị hủy diệt, bạn sẽ được xem một đoạn cắt cảnh nơi mà nhân vật chính nói chuyện trực tiếp với người chơi. Đây cũng chính là yếu tố khiến cho các fan hâm mộ cho tới ngày nay vẫn phải tranh cãi về cái kết của tựa game Mother 3 này.
Cụ thể thì phân cảnh nhân vật chính trò chuyện với người chơi cho thấy rằng sau thảm họa ở đảo Nowhere, các nhân vật trong game có vẻ như vẫn còn sống. Tuy nhiên, game không cho chúng ta biết được là các nhân vật này đã sống sót bằng cách nào, và bây giờ họ đang ở đâu. Fan hâm mộ của Mother 3 vẫn còn thắc mắc rằng liệu các nhân vật chính có thực sự còn sống hay không hay phân cảnh đó chỉ là một phân cảnh của các nhân vật ở kiếp sau mà thôi. Hoặc cũng có thể là nhà phát triển cố ý làm như thế để ngụ ý cho chúng ta rằng các nhân chính mà bạn yêu quý sẽ còn sống miễn là trong tâm trí của người chơi muốn như thế.
Shadow Of The Colossus – Cơ hội để có một khởi đầu mới
Nếu nói về một cái kết gây băn khoăn thì chắc chắn không thể kể đến Shadow Of The Colossus. Trong game, nhân vật chính Wander đã bị Dormin xúi dục đi giết Colossi để hồi sinh người yêu Mono của mình. Dù biết sẽ phải trả giá đắt nhưng vì tin rằng Dormin có khả năng hồi sinh Mono nên Wander đã chấp nhận leo lên lưng ngựa để truy sát 16 con Colossi kia, giúp Dormin phục hồi sức mạnh. Thậm chí sau xong việc, Wander đã phải hi sinh cả con chiến mã của mình, bị Dormin nhập vào cơ thể, và bị đâm bởi những chiến binh canh giữ vùng đất nữa.
Sau đó thì Mono tỉnh dậy trên bàn tế của ngôi đền cổ, phần credit bắt đầu chạy và cảnh đáng lưu ý nhất trong khúc đó chính là Mono tìm thấy một đứa trẻ ở chính xác cái nơi mà Wander được nhìn thấy lần cuối cùng. Nó không phải là một đứa trẻ bình thường mà có những chiếc sừng rất giống nhân vật chính Ico trong tựa game cùng tên. Nhiều fan của dòng game cho rằng chi tiết này chứng tỏ Shadow Of The Colossus là tiền truyện của tựa game Ico, hoặc ít nhất thì nó cũng có cùng một vũ trụ. Cũng có thể đứa trẻ này chính là Wander chuyển kiếp nữa. Nhà thiết kế của tựa game, Fumito Ueda đã nói rằng ông thích ý kiến này, nhưng ổng sẽ không xác nhận để người ta tranh cãi cho nó vui.
The Legend of Zelda: Majora’s Mask – Đánh mất tình bạn
Dù đã hơn 20 năm trôi qua nhưng The Legend of Zelda: Majora’s Mask vẫn được nhiều fan yêu mến và xem như một trong những tựa game hay nhất series The Legend of Zelda. Trong Majora’s Mask cuộc phiêu lưu của Link bắt đầu khi anh băng rừng để tìm kiếm cô tiên bé nhỏ Navi – người bạn mà trước đó đã rời bỏ Link trong phần The Legend of Zelda: Ocarina of Time
Tuy nhiên sau khi Link đánh bại được trùm cuối Majora thì Navi vẫn không được tìm thấy. Cho đến ngày nay, nhiều fan của dòng game vẫn còn thắc mắc về lý do vì sao Navi lại đột ngột ra đi cũng như việc vì sao link không thể tìm thấy bạn mình sau cả cuộc hành trình đầy gian khổ. Majora’s Mask là một tựa game độc đáo nhưng cũng rất tối tăm, và cái kết đặt ra nhiều câu hỏi này cũng nhấn mạnh thêm phong cách của nó.
Night In The Woods – Thích nghi với các biến cố
Night in the Woods là một tựa game xoay quanh những vấn đề liên quan đến sức khỏe tinh thần thường xuyên xuất hiện trong khoảng thời gian chúng ta còn theo học đại học, một khoảng thời gian vô cùng xô bồ. Game bám theo nhân vật Mae, một sinh viên bỏ học giữa chừng và quay về nhà vì vài lý do khó giải thích. Mae quay trở về cuộc sống cũ của mình, đi chơi với những người bạn và khám phá phố phường xung quanh. Càng đi sâu vào cốt truyện, bạn sẽ biết được rằng Mae đang có xu hướng bị tách biệt với thế giới xung quanh do đợt bị tổn thương tinh thần 6 năm về trước.
Game liên tục nhắc nhở chúng ta rằng sức khỏe tinh thần có muôn hình vạn trạng, đặc biệt là qua những lúc Mae cảm thấy khó nói chuyện với cha mẹ, hay thậm chí là với bạn bè vì tinh thần của cô không được ổn định cho lắm. Game không đưa ra câu trả lời nào cụ thể để giải quyết vấn đề này. Thay vào đó, khi game dần tiến đến đoạn kết, khi Mae vẫn còn đang suy ngẫm về các sự kiện đã diễn ra, trong khi đó những người bạn của Mae vẫn vẫn nói bình thường thường và cuộc sống vẫn cứ thế mà trôi đi. Có lẽ ý đồ của các nhà làm game là nêu bật những vấn đề đó và để mỗi chúng ta đều phải băn khoăn trăn trở và tự tìm ra câu trả lời cho riêng mình.
Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:
- Top 10 tựa game vừa hay vừa dở khiến game thủ không biết đường đâu mà đỡ
- Top 10 tựa game nhập vai bán chạy nhất mọi thời đại
- Top 10 tựa game cực hay dành cho các bạn dùng laptop
Nguồn: The Gamer
Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!