Trong thời buổi ổ cứng NVMe khắp muôn nơi, khi nào SATA sẽ dừng cuộc chơi? Đây là câu trả lời cho bạn
Đúng là ổ cứng SATA vẫn còn phổ biến đó, nhưng với việc SSD NVMe ngày càng dễ tiếp cận hơn thì liệu SATA còn chỗ đứng đến bao giờ?
Hồi năm 2015, nếu bạn phải bỏ ra đến tận 1400 USD để sở hữu SSD NVMe 2TB đầu bảng thì bây giờ (tại thời điểm bài viết), bạn có thể mua chiếc SSD tương tự như vậy với mức giá chỉ tầm 250 USD mà thôi. Từ 1 món hàng “xa xỉ”, SSD NVMe nay đã trở thành một linh kiện gần như không thể thiếu trong những chiếc máy tính phổ thông, thậm chí nhiều khi laptop văn phòng cũng có luôn là đằng khác. Giờ chỉ cần chưa đến 300 USD là bạn đã có ngay 1 chiếc SSD NVMe rồi.
Mà nếu SSD NVMe đã dễ tiếp cận đến như vậy thì còn lý do gì để chuẩn SATA tồn tại nữa cơ chứ? Liệu SATA vẫn còn sống tốt, hay là nó sắp đi vào lịch sử luôn rồi? Mời các bạn cùng GVN 360 bọn mình tìm câu trả lời trong bài viết này nhé.
Thời điểm SATA lên ngôi…
Nếu các bạn còn nhớ thì chiếc ổ cứng ngày xưa sẽ không dùng dây SATA (Serial Advanced Technology Attachment) nhỏ gọn như bây giờ để truyền dữ liệu mà nó sẽ dùng một bó cáp dạng dẹp gọi là PATA (Parallel Advanced Technology Attachment), thường sẽ có màu xám. Sở dĩ nó bị tuyệt chủng là bởi vì PATA chủ yếu chỉ được dùng cho ổ cứng HDD mà thôi, còn SSD phổ thông thì hầu hết là dùng SATA. Mà được cái SATA cũng tương thích với HDD nên chúng ta không có nhiều lý do để giữ lại PATA làm chi. Vả lại, bản thân PATA cũng vừa choáng chỗ, mất thẩm mỹ, vừa gây cản trở luồng khí trong thùng máy nữa.
Ngoài ra, còn một nguyên nhân khác cũng quan trọng không kém, đó là sự nhảy vọt về mặt hiệu năng khi chuyển từ HDD sang SSD. Ngay cả đối với một người dùng bình thường thì việc chuyển từ HDD sang SSD cũng mang lại khác biệt rõ rệt, nhất là khi thời gian mở máy và bật phần mềm được rút ngắn đáng kể.
… đến bây giờ SATA vẫn đứng vững
Khác biệt giữa SSD SATA và SSD NVMe không quá rõ rệt trong các tác vụ cơ bản
Trong khi đó, việc chuyển từ SSD SATA sang SSD NVMe lại không mang đến quá nhiều khác biệt đối với người dùng thông thường cho lắm. Thậm chí, đối với các tác vụ nhẹ, sự khác biệt giữa SATA và NVMe gần như là không có, trừ khi bạn hay di chuyển những tập tin có dung lượng lớn thì may ra. Điều này có nghĩa là đối với số đông người dùng, việc trả thêm tiền (dù nhiều hay ít) để mua SSD NVMe thay vì SSD SATA không hẳn là xứng đáng.
Bo mạch chủ thường có nhiều cổng cắm SATA hơn
Lợi thế của SSD SATA không chỉ dừng ở chuyện giá thành rẻ hơn SSD NVMe mà nó còn có nhiều ưu điểm khác nữa. Chẳng hạn, nếu bạn muốn gắn nhiều ổ cứng trong PC của mình thì SATA vẫn là lựa chọn hợp lý hơn cả. Ngay cả những bo mạch chủ cao cấp thường cũng chỉ có tầm 3-4 khe SSD NVMe M.2 là cùng, trong khi những bo mạch chủ bình dân kiểu gì cũng có ít nhất là 4 cổng SATA, lên đến tầm trung thì sẽ có 6 cổng SATA hoặc nhiều hơn nữa, có khi số cổng SATA trên bo mạch chủ còn nhiều hơn số lượng ổ cứng mà thùng máy cho phép gắn là đằng khác. Trường hợp cần thêm cổng SATA thì bạn có thể mua thêm card mở rộng, tha hồ mà cắm luôn nhé.
SSD SATA thường dễ tháo lắp hơn SSD NVMe
Một ưu điểm nữa là ổ cứng SATA thường dễ tháo lắp hơn, còn SSD NVMe thì nhiều khi phải tháo card rời, tháo giáp tản nhiệt rồi mới tháo SSD NVMe ra khỏi khe M.2 được (xong rồi lại phải gắn mọi thứ vào vị trí cũ).
SSD SATA không động chạm đến băng thông PCIe như SSD NVMe
Băng thông cũng là một yếu tố mà ổ cứng SATA sẽ nổi trội hơn so với NVMe. Việc dùng SSD NVMe sẽ chiếm mất một số làn PCIe, thường sẽ là 4 làn. Hiện nay có nhiều CPU hỗ trợ kết nối trực tiếp 1 SSD NVMe và 1 card màn hình, nhưng nếu bạn muốn dùng nhiều hơn con số đó thì sẽ phải quyết định xem nên phân chia làn PCIe cho mỗi linh kiện ra sao. Card đồ họa thông thường có thể chạy ở chế độ x16 hoặc x8 mà không gặp phải vấn đề gì quá nghiêm trọng; nhưng nếu bạn gắn tới 2 SSD NVMe và phải hạ số làn PCIe của card màn hình xuống x4 thì hiệu năng của GPU sẽ giảm đi đáng kể đó.
Ngược lại, SATA thì không đụng đến bus PCIe, và nó thường được nối vào phần chipset trên bo mạch chủ. Điều này có nghĩa là ổ cứng SATA sẽ không gây ảnh hưởng đến những thứ mà bạn cắm vào khe PCIe, trừ khi bạn đang cắm card mở rộng cổng SATA vào 1 khe PCIe nào đó. Hiểu nôm na là bạn có thể gắn bao nhiêu ổ cứng SATA tùy thích mà không lo mức fps bị giảm khi chiến game.
HDD SATA vẫn còn rất phổ biến
Còn một điều nữa mà chúng ta cần phải nhắc đến, đó là ổ cứng HDD hiện nay vẫn còn được sử dụng rất rộng rãi. Nếu so mức dung lượng trên giá thành thì HDD vẫn có lợi thế hơn so với SSD SATA, vì thế nên đây sẽ là lựa chọn tối ưu hơn nếu bạn cần lưu trữ dữ liệu về lâu về dài. Thực chất, các HDD thế hệ mới vẫn đang được tích cực phát triển, bằng chứng là cả 2 hãng Seagate lẫn Western Digital nổi tiếng đều đã trình làng HDD với dung lượng lên đến 20TB, và trong tương lai họ hứa hẹn sẽ có thêm nhiều HDD xịn sò hơn nữa.
Ổ cứng SATA còn sống dai lắm các bạn ơi
Nói chung, đối với hầu hết người dùng phổ thông, SATA vẫn sẽ là cổng kết nối thông dụng trong vòng nhiều năm tới. Vì thế cho nên bạn cũng đừng lo là ổ cứng SATA trong máy sẽ sớm “hết thời” nhé. Thời của nó thấy vậy thôi chứ tính ra cũng còn dài lắm đó.
Hi vọng thông tin trên sẽ giúp bạn khám phá ra những điều mới mẻ về thế giới công nghệ. Nếu các bạn có góp ý hoặc bổ sung thì hãy chia sẻ với mình bên dưới phần bình luận nhé. Cảm ơn các bạn đã quan tâm đến bài viết này.
Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:
- Khéo tay hay mò, dân chơi chế “dàn nhạc giao hưởng” bằng 512 ổ đĩa mềm, 16 ổ cứng và 4 máy scan
- Đã lấp đầy thì đừng cố nhét thêm, hướng dẫn đổi chỗ tải game Steam sang ổ cứng khác
- Hướng dẫn giải phóng ổ cứng bị đầy lên sau mỗi lần cập nhật Windows 10
- Hướng dẫn xóa file tạm thời trên Windows 10, giải phóng dung lượng ổ cứng cho máy tính
- Đừng để ổ cứng chết mà không kịp cứu, hướng dẫn dò và sửa lỗi bad sector
- Đừng để ứng dụng ngốn ổ cứng, đây là cách để bạn vạch mặt những “kẻ tham ăn” đang cư ngụ trong Windows 10
Nguồn: Techquickie