Tuổi thọ của smartphone là bao lâu? Đây là câu trả lời cho bạn
Thường thì smartphone sẽ có tuổi thọ đến bao nhiêu năm? Cùng GVN 360 tìm hiểu trong bài viết này nhé.
Ở thời đại bây giờ thì chúng ta cũng đã dần quen với việc thiết bị công nghệ trở nên lỗi thời khá là nhanh chóng. Chẳng hạn, giờ mà bạn cầm trên tay chiếc iPhone 11 thôi là đã thấy hơi bị “cổ lỗ sĩ” rồi, mặc dù nó chỉ mới ra mắt cách đây hơn 2 năm mà thôi. Nhưng việc thay điện thoại nhanh như vậy có phải là điều nên làm hay không? Hay chính xác hơn là 1 chiếc smartphone có tuổi thọ tầm bao lâu? Mời các bạn cùng GVN 360 đi tìm câu trả lời nhé.
Yếu tố đầu tiên khi nhắc đến tuổi thọ smartphone là viên pin
Nếu bạn để ý thì sau 1 thời gian sử dụng, chiếc điện thoại của bạn sẽ phải sạc thường xuyên hơn so với lúc mới “đập hộp”. Lý do là vì quá trình đảo ngược phản ứng hóa học xảy ra khi cục pin xả điện cho các linh kiện sẽ không thể nào hoàn hảo được. Vì thế nên cứ mỗi khi bạn sạc pin, nó sẽ mất đi một ít dung lượng.
Tuy nhiên, vẫn có cách để kéo dài tuổi thọ của cục pin nhé. Chẳng hạn như là đừng để nó gần những nơi có nhiệt độ cao, nếu có cất giữ điện thoại trong thời gian dài thì sạc tầm 50% pin là tối ưu nhất, và nếu có thể thì chỉ cần sạc tầm 80% (thay vì là 100%) rồi rút ra là được. Nhưng đối với hầu hết người dùng thì việc canh điện thoại sạc 80% khá là bất tiện, và những mẹo trên cũng không tạo ra sự khác biệt quá lớn nên nhìn chung tính thực tiễn của nó cũng không là bao.
Vi xử lý cũng có ảnh hưởng đến tuổi thọ smartphone
Tiếp đến là vi xử lý bên trong điện thoại, và đây cũng là linh kiện có ảnh hưởng lớn đến tuổi thọ của smartphone. Tương tự CPU bên trong PC, vi xử lý cao cấp trên smartphone sẽ mang đến trải nghiệm tốt hơn. Còn vi xử lý thuộc dòng tầm trung thì có thể vẫn ổn trong tương lai trước mắt, nhưng dần dần thì chúng ta sẽ càng đòi hỏi nhiều hơn ở 1 chiếc điện thoại, từ việc chơi game cho đến điều khiển nhà thông minh, chỉnh sửa hình ảnh.
Điều này có nghĩa là chiếc smartphone mà bạn xài ngon lành hôm nay chưa chắc đã thỏa mãn nhu cầu của bạn trong vài năm tới. Nó không phải là do CPU của bạn đang bị hao mòn, mà là do các nhà phát triển lúc đó sẽ viết các phần mềm đòi hỏi nhiều tài nguyên từ chiếc điện thoại của bạn hơn. Và khác với desktop hay laptop, nếu bạn chỉ lướt web xem YouTube thôi thì CPU tầm trung vẫn xài tốt qua nhiều năm, nhưng đối với smartphone bình dân thì nhiều người lại cảm nhận được rằng trải nghiệm lướt web không còn được mượt mà như trước nữa. Ngặt nỗi bạn cũng chẳng thể thay thế CPU trên chiếc điện thoại của mình.
Câu chuyện ở đây là không phải bạn bỏ ra cả chục triệu để mua một chiếc smartphone xịn sò đầu bảng, mà là bạn nên xem xét kỹ lưỡng CPU và pin của chiếc smartphone mà bạn sắp mua có thông số ra sao. Nếu bạn tìm được kèo với chiếc điện thoại có dung lượng pin hơn 3500 mAh và CPU được đánh giá tốt thì cũng nên cân nhắc nhé. Những chiếc smartphone này thường có tuổi thọ ít nhất là 3 năm trước khi bạn cần phải thay điện thoại mới đó.
Hi vọng thông tin trên sẽ giúp bạn khám phá ra những điều mới mẻ về thế giới công nghệ. Nếu các bạn có góp ý hoặc bổ sung thì hãy chia sẻ với mình bên dưới phần bình luận nhé. Cảm ơn các bạn đã quan tâm đến bài viết này.
Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:
- Tìm hiểu nguyên nhân khiến chất lượng webcam trên laptop lại tệ hơn cả camera của smartphone
- Giải mã nguồn gốc biểu tượng Command đầy bí ẩn trên bàn phím của Apple
- Giải mã ý nghĩa các màu sắc của cổng USB
Nguồn: Techquickie