Ưu nhược của tản khí không quạt so với tản có quạt
Anh em nào mà có hứng tìm hiểu về mấy bộ tản nhiệt thì có lẽ cũng biết trong khoảng thời gian gần đây, các hãng tản nhiệt đã bắt tay vào làm tản nhiệt thụ động (không có quạt). Ông trùm tản khí Noctua cũng đã đang rục rịch chuẩn bị ra mắt bộ tản nhiệt thụ động đầu tiên sau sau những đợt trì hoãn. Sắp tới có lẽ tản nhiệt thụ động sẽ trở nên phổ biến nhanh chóng, thế nên mình nghĩ một bài viết bàn luận về ưu nhược điểm của nó sẽ khá là hay ho đấy.
Ưu điểm
Siêu bền
Thông thường thì những chiếc tản khí chủ động sẽ được xem là hỏng khi quạt của nó bị hỏng và không thể cung cấp khí mới liên tục cho dàn heatsink được nữa. Đối với những chiếc tản khí chủ động có dàn heatsink còn tốt thì anh em cứ việc thay quạt mới mà chạy tiếp vô tư. Và thường thì một bộ tản tốt có thể phục vụ anh em qua nhiều thế hệ CPU cho đến khi dàn heatsink của nó quá tã. Thế nên mới nói là tản khí rất bền.
Tuy nhiên tản khí thụ động thì còn bền khủng khiếp hơn nữa. Vì nó không có quạt nên anh em không cần phải lo chuyện quạt hỏng hóc nữa. Việc duy nhất anh em phải chú ý là đừng có để nó bám bụi nhiều quá làm giảm hiệu suất tản nhiệt thôi.
Siêu êm
Chính vì không có quạt nên tản thụ động hoàn toàn không phát ra tiếng ồn. Độ ồn của một cái tản chủ động có thể không phải là lớn nhưng nếu anh em lắng nghe nó vào lúc đêm khuya thanh vắng thì ít nhiều cũng sẽ nghe thấy nó kêu ù ù. Với tản thụ động thì anh em hoàn toàn có thể yên tâm vì nó câm như hến luôn rồi. Chuyển động duy nhất trong một bộ tản thụ động chỉ có sự lưu chuyển của chất tản nhiệt bên trong ống đồng mà thôi,
Nhược điểm
Cồng kềnh
Tản nhiệt thụ động về cơ bản là một dàn heatsink, tương tự như dàn heatsink của tản nhiệt chủ động. Nhưng mà vì không có quạt nên dàn heatsink phải được làm to ra, nhiều ống đồng hơn và nhiều lá tản nhiệt hơn để đảm bảo khả năng tản nhiệt. Chính vì thế mà chúng sẽ luôn to và nặng hơn nhiều so với tản nhiệt chủ động có cùng công suất.
Công suất phụ thuộc nhiều vào điều kiện khí lưu
Mặc dù đúng là không có cần quạt để tản nhiệt nhưng tản thụ động vẫn cần phải có dòng khí lưu thông qua các lá tản thì nó mới hoạt động được. Và công suất của một bộ tản thụ động sẽ phụ thuộc rất lớn vào điều kiện lưu thông khí. Ví dụ như bộ tản nhiệt thụ động đầu tiên của Noctua được giới thiệu hồi Computex 2019, trong một chiếc case có điều kiện lưu thông khí tốt thì nó có thể đạt công suất tản nhiệt 120W. Tuy nhiên với một chiếc case có quạt thông khí thì con số này có thể lên đến 180W, thừa sức để cân những con CPU trâu bò dành cho người dùng phổ thông hiện nay.
Tuy nhiên theo mình thì đây vẫn là nhược điểm vì không phải người dùng phổ thông nào cũng biết đến tối ưu dòng khí trong case để đạt hiệu quả cao nhất. Còn với anh em nào đã biết thì cũng không vấn đề.
Trên đây là những ưu nhược điểm của hệ thống tản nhiệt thụ động cho CPU. Tuy nhiên đây mới chỉ là góc nhìn của mình mà thôi, rất có thể sẽ còn thiếu sót. Nếu thấy đúng là vậy thì anh em bổ sung cho mình với nhé!
Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như: