Vì sao rút dây cắm lại thường sửa được đồ điện tử? Đây là câu trả cho bạn
Khi một thiết bị gặp lỗi thì có lẽ một trong những giải pháp được ưu tiên hàng đầu là… rút dây nguồn ra, đợi vài giây rồi cắm vô lại. Và điều “kì diệu” là thường nó sẽ giải quyết được vấn đề mà bạn đang gặp phải. Vậy rốt cuộc do đâu mà cách này lại lợi hại đến thế? Các bạn hãy cùng mình đi tìm hiểu trong bài viết này nhé.
Bạn đang ép hệ thống khởi động lại
Việc rút dây rồi cắm lại thường rất hiệu quả là do các thiết bị công nghệ, chẳng hạn như modem, router và các TV box trực tuyến có chứa những hệ thống máy tính siêu nhỏ bên trong. Khi chúng ta rút dây ra rồi cắm vào lại sẽ ép hệ thống này khởi động lại, từ đó dọn sạch luôn cả các lỗi phần mềm đang tồn đọng.
Để điều khiển hệ thống bên trong các thiết bị điện tử thì sẽ cần một phần mềm tích hợp gọi là firmware. Đôi khi, các firmware này gặp lỗi khiến thiết bị hoạt động không bình thường, bị tràn bộ nhớ, hoặc thậm chí là bị crash. Chính vì thế, khi chúng ta khởi động lại thiết bị bằng cách rút dây ra rồi cắm vào lại sẽ buộc hệ thống bên trong reboot để xóa bộ nhớ, đồng thời chạy lại phần mềm từ đầu.
Đây chỉ là giải pháp tạm thời
Việc khởi động lại thiết bị bằng cách rút phích cắm sẽ rất hiệu quả trong một số trường hợp, tuy nhiên đây cũng chỉ là biện pháp tạm thời mà thôi. Nó không thể sửa triệt để nguyên nhân gây ra lỗi đâu nhé. Nếu muốn làm điều đó thì một trong số những cách mà bạn có thể thử là cài lại hoặc cập nhật firmware mới cho thiết bị.
Tóm lại, việc rút dây ra cắm vô lại thường chỉ là giải pháp mang tính tạm thời, còn để sửa dứt điểm luôn thì bạn cần liên hệ bộ phận hỗ trợ, chăm sóc khách hàng của nhà sản xuất để có giải pháp phù hợp nhất nhé
Các thiết bị được “hưởng lợi” từ phương pháp gỡ và cắm lại phích cắm
Về cơ bản, bạn chỉ nên áp dụng phương pháp gỡ và cắm lại phích cắm đối với các thiết bị được thiết kế theo kiểu không có các công tắc mở/tắt (On/Off). Dưới đây là một vài ví dụ mà các bạn có thể tham khảo:
- Modem/Router mạng.
- TV box (truyền hình trực tuyến và truyền hình cáp).
- Smart TV (TV thông minh).
- Các thiết bị tiêu dùng thông minh (smart home devices).
Vậy còn thiết bị có công tắc tắt/mở thì sao?
Nếu như thiết bị đang gặp lỗi có công tắc tắt/mở thì bạn nên thử sử dụng công tắc này trước để khởi động lại thiết bị nhé. Tuy nhiên, trong một số trường hợp thì chỉ có bật tắt công tắc không thôi vẫn chưa đủ. Lý do là vì có một số công tắc không phải là để tắt/mở, mà là để đưa thiết bị về trạng thái nghỉ mà thôi chứ không ngắt hẳn nguồn điện. Lúc này thì bạn nên sử dụng cách rút hẳn dây nguồn ra luôn nhé.
Khi nào thì chúng ta không nên rút phích cắm?
Thông thường, việc rút nguồn đột ngột sẽ không được khuyến khích cho lắm. Bởi vì các thiết bị, chẳng hạn như máy tính để bàn, sẽ lưu một số tác vụ đang chạy trên RAM và ổ cứng. Nếu bạn ngắt điện đột ngột như vậy thì sẽ làm gián đoạn quá trình ghi dữ liệu, dẫn đến hậu quả là tập tin sẽ bị hỏng. Hoặc như các thiết bị y tế mà rút phích điện ra đột ngột thì sẽ rất dễ “toang” anh em ạ.
Tuy nhiên, sẽ có những lúc máy tính rơi vào trạng thái bị đơ, không bấm được gì cả. Trong những trường hợp như thế này thì bạn có thể rút dây điện ra để khởi động lại máy nhé. Còn nếu nó thường xuyên bị đơ thì anh em nên đem đi bảo hành là chắc ăn nhất, chứ cứ rút dây điện ra rồi cắm vô hoài thì sẽ tăng nguy cơ làm hỏng các linh kiện bên trong đó.
Cảm ơn các bạn đã quan tâm theo dõi!
Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:
- Giải mã sự diệu kỳ của USB-C, một lỗ 2 chiều lật kiểu nào cũng nhận
- Rút ra cắm vào nhiều có làm hư đầu cắm USB?
- Hiểu lầm nổ não về các chuẩn USB, số lớn hơn chưa chắc đã nhanh hơn
- Rút “nóng” có làm hỏng USB không, đây là câu trả lời cho bạn
Nguồn: howtogeek