Vì sao vỏ chuối lại trơn trượt đến thế?
Vỏ chuối làm trượt chân là một điều hiển nhiên đến nỗi khiến người ta quên tìm hiểu lý do tại sao lại thế. Tuy nhiên việc giải thích những hiện tượng hiển nhiên theo cách khoa học luôn vô cùng thú vị. Mình có đi tìm hiểu và biết được đã có một công trình nghiên cứu hẳn hoi về vấn đề này của giáo sư Kiyoshi Mabuchi và nhóm của mình tại Đại học Kitasato, Nhật Bản. Nó đã đoạt giải Ig Nobel Vật Lý hồi năm 2014. Sau đây mình sẽ trình bày ngắn gọn những thông tin giải thích vì sao vỏ chuối lại trơn trượt đến thế, trích từ bài giải thích của giáo sư Kiyoshi Mabuchi.
Vỏ chuối bình thường không trơn lắm, nó đợi bạn dẫm lên rồi mới trơn
Nếu nói một cái gì đó trơn thì cũng tức là nói hệ số ma sát của nó thấp. Do đó để xác định một thứ gì đó có trơn hay không thì điều đầu tiên chúng ta cần là phải đó hệ số ma sát của nó. Để đo hệ số ma sát của vỏ chuối, giáo sư Kiyoshi Mabuchi dã để nó lên một miếng nhựa rồi tăng dần độ dốc.
Điều đáng ngạc nhiên là chủ khi độ dốc lớn hơn 45 độ thì vỏ chuối mới bắt đầu trượt xuống, suy ra hệ số ma sát của nó ít nhất phải lớn hơn 1, và ma sát cỡ đó thì chẳng trơn chút nào. Hệ số ma sát giữa đế giày và sàn gỗ thường vào khoảng 0,4, điều này có nghĩa là vỏ chuối còn không trơn bằng đế giày đi trên sàn gỗ nữa. Tuy nhiên trên thực tế là dẫm phải vỏ chuối vẫn rất trơn nên giáo sư Kiyoshi Mabuchi tiếp tục thí nghiệm.
Lần này ông mang giày vào rồi dẫm lên vỏ chuối để tạo điều kiện thí nghiệm sát thực tế nhất, sau đó dùng một máy đo ma sát đặc biệt để tính toán hệ số ma sát. Kết quả lần này đúng là không làm giáo sư thất vọng. Hệ số ma sát đo được là 0,066, tức là trơn gấp 6 lần đế giày trên sàn gỗ. Đây mà mức hệ số ma sát tương đương với ván trượt trên mặt tuyết và lưỡi trượt trên mặt băng.
Kết quả này ủng hộ cho giả thuyết rằng vỏ chuối bình thường cũng không trơn lắm nhưng khi bạn dẫm vào thì nó mới thực sự trơn. Tuy nhiên có giả thuyết là một chuyện, có chứng minh được nó theo cách khoa học hay không thì lại là chuyện khác. Và thế là giáo sư Kiyoshi Mabuchi cùng các cộng sự lại tiếp tục nghiên cứu.
Mặt trong của vỏ chuối có đầy những tế bào chứa chất nhầy, vỡ ra sẽ tạo màng nhầy siêu trơn
Mặt trong của vỏ chuối sau khi bị dẫm lên sẽ có màu sẫm hơn, khiến giáo sư Kiyoshi Mabuchi tò mò. Sau khi quan sát kỹ lưỡng bằng kính hiển vi, ông phát hiện ra bên mặt trong của vỏ chuối có đầy những tế bào chứa chất nhầy. Khi bạn dẫm lên thì các tế bào này sẽ vỡ ra và tạo thành một lớp màng nhầy siêu trơn, siêu nhớt.
Ngoài ra thì độ nhớt của chất nhầy này ngăn không cho nó chảy ra khỏi bề mặt ma sát, kết quả là lực ép càng lớn thì lực ma sát sẽ càng nhỏ. Nói nôm na cho dễ hiểu là bạn dẫm vỏ chuối với lực càng mạnh thì nó sẽ càng trơn.
Trên đây là cách giải thích của giáo sư Kiyoshi Mabuchi về vấn đề vì sao vỏ chuối lại trơn trượt. Hy vọng bài viết đã mang đến cho các bạn những thông tin hữu ích. Cảm ơn các bạn vì đã quan tâm theo dõi và chúc các bạn một ngày tốt lành nhé.
Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:
- Vì sao loài người chúng ta không thể thở được dưới nước?
- Vì sao tên lửa vũ trụ thường có nhiều tầng?
- Vì sao xe hơi nặng chỉ hơn 1 tấn dễ sa lầy, lún cát nhưng xe tăng hàng chục tấn thì không?
- Vì sao trên thành bồn rửa tay thường có lỗ mà bồn rửa chén thì hiếm khi?
- Vì sao chúng ta lại thấy ấm khi đắp chăn?
Nguồn: ScienceDirect