Xài chuột nặng riết giờ mình cầm con gì cũng thấy nhẹ
Khối lượng là một trong những yếu tố quan trọng và đặc biệt nhất của chuột gaming. Quan trọng là vì nó ảnh hưởng rất lớn đến “khả năng tác chiến” của một con chuột, đặc biệt là mỗi một mức khối lượng đều sẽ mang đến những trải nghiệm khác nhau. Với tâm thế của một người dùng một con chuột nặng gần 130g 3-4 năm nay và trải nghiệm qua đủ loại chuột nặng nhẹ khác nhau, mình xin được chia sẻ với mấy bạn một trong những khía cạnh mà mình cảm thấy là hay nhất của việc dùng chuột nặng. Mong rằng bài viết sẽ mang đến cho các bạn những thông tin thú vị.
Cầm G502 từ lúc mới tập chơi gaming gear, mình quen chuột nặng lúc nào chẳng hay
Dòng chuột G502 trước nay vẫn luôn là siêu sao trong lòng fan Logitech nói riêng cũng như nhiều dân công nghệ nói chung. Ngay từ cái lần đầu tiên mình thấy con chuột này trên Youtube là mình đã ưng nó rồi. Nó vừa ngầu, vừa có LED RGB, vừa nhiều nút lại có tạ chuột và con lăn vô cực bằng kim loại mà đối với mình là siêu hay ho. Thế nên cái hồi mới tập chơi gaming gear thì mình nhắm nó mà mua đầu tiên.
Ảnh render mô phỏng chụp tia X một con chuột G502
Tất nhiên, theo cái đạo lý “được này mất kia” thì cùng với những thứ thú vị mang trên người, G502 cũng khá là nặng, 121g chưa tính tạ. Do mình thấy con chuột này hơi nặng phần đầu (có lẽ do con lăn bằng kim loại đặc, bản mình mua là Proteus Spectrum năm 2016) nên có gắn thêm 2 cục tạ, mỗi cục 3,6g ở phần đuôi chuột, nâng tổng khối lượng chuột lên 128,2g.
G502 bản HERO năm 2018
Nếu so với tiêu chuẩn của một con chuột gaming thông thường thì đó là mức khối lượng khá lớn. Tuy nhiên hồi đó mình dù biết là nặng nhưng cũng không để ý nhiều, miễn là nó không cản trở mình chơi game hay làm việc thì vẫn ngon. Vài bữa đầu đúng là có hơi mỏi tay thật nhưng sau đó thì mình dần quen, càng xài lại càng thích mấy bạn ạ.
Thấm thoắt đã 3 năm dùng một con chuột nặng, khối lượng của nó giờ đây như in thẳng vào từng sợi cơ trên bàn tay, cánh tay mình. Mình quen với nó mất rồi, giờ cầm chuột nhẹ hơn hay nặng hơn là mình lại phải mất chút thời gian làm quen lại, không là mình chơi game bị củ chuối ngay.
Hầu như chuột nào mình cầm cũng thấy nhẹ, nếu không nhẹ thì là nó rất nặng
Là dân làm content về công nghệ, mấy năm nay mình cầm qua không biết bao nhiêu con chuột mấy bạn ạ, và hầu hết trong số chúng đều có một điểm chung đối với mình – chúng nhẹ. Cứ buông con G502 gắn 2 tạ ra rồi thì hầu như cầm con nào mình cũng thấy nhẹ cả. Riêng đối với những dòng chuột siêu nhẹ như Razer Viper và Steelseries Aerox thường chỉ nặng trên dưới 70g thì mình còn phải mất thời gian để làm quen cơ.
Từ trái qua phải: Steelseries Aerox 3 Wireless, Aerox 5 Wireless và Aerox 9 Wireless
Nhớ lần đầu mình động vào một con Viper thì mỗi lần vẩy là cứ như muốn quăng cả con chuột đi vậy, phải mất cả nửa ngày vừa làm việc vừa chơi game mình mới làm quen được với nó. Dùng Viper vài ngày rồi quay lại cầm con G502 thì mình thấy nó ỳ kinh khủng, và thế là lại phải mất nửa tiếng đồng hồ mới quen lại được con chuột mình đã dùng mấy năm. Nói tóm lại là nhờ dùng con G502 nên hầu như mình quay sang dùng chuột nào cũng thấy nó từ nhẹ cho đến rất nhẹ cả, ngộ lắm.
Razer Viper Ultimate
Đối với những con chuột mà mình cầm thấy không nhẹ hoặc hơi nặng thì tức là nó rất nặng luôn. Ví dụ điển hình có thể kể đến là gần đây mình có cơ hội được trải nghiệm XPG Infarex M20 – một con chuột mà mình đánh giá là to nhất nhì phân khúc bình dân. Con này lúc mới dùng mình cũng không để ý nhiều, chỉ là thấy đầm tay thôi, chơi game cũng thoải mái chứ không bị mỏi hay gì. Chỉ đến khi nhìn lại thông số kỹ thuật thì mình mới té ngửa.
XPG Infarex M20
Con chuột đó nó nặng tận 160g mấy bồ ạ, tức là gần gấp đôi một con G102 đấy. Có lẽ do form chuột ngon và phân bổ khối lượng đều nên phần nào làm mình di chuột dễ hơn, nhưng cũng phải công nhận một điều rằng nếu không vẩy con G502 mấy năm nay thì chắc mình cũng khó mà có trải nghiệm tốt với mấy con chuột nặng tầm trên 130g.
Việc cầm chuột nặng quen tay cho phép mình bỏ qua nhược điểm về khối lượng của bất kỳ con chuột nào
Chuột nhẹ và chuột nặng đều có ưu nhược điểm riêng. Nếu như chuột nhẹ cho phép thao tác của bạn đạt gia tốc lớn hơn, phản ứng nhanh hơn thì chuột nặng có độ ỳ lớn hơn, giúp bạn thao tác chính xác hơn, và thường đi kèm với nhiều tính năng thú vị nữa (nói cách khác là việc mang nhiều tính năng thường làm chuột nặng hơn). Dùng chuột siêu nhẹ thì đúng là thoải mái thật đấy nhưng chắc chắn rằng nếu trước giờ toàn dùng chuột siêu nhẹ thì tay mình sẽ chẳng có lực mà vẩy chuột nặng để cảm nhận được cái hay của chúng.
Steelseries Rival 650
Có thể nói rằng việc cầm chuột nặng từ thời mới tập chơi gaming gear đến nay đã giúp mình có thể bỏ qua nhược điểm khối lượng của những con chuột nặng, từ đó có những bài viết giúp các bạn thấy được cái hay của chúng. Việc cầm quen chuột nặng không chỉ giúp trải nghiệm của mình phong phú hơn mà còn giúp mình đưa ra những đánh giá khách quan hơn, xứng đáng với niềm tin của bạn đọc GVN 360 dành cho nhóm biên tập viên chúng mình.
Trên đây là bài viết về cảm nghĩ của mình khi dùng chuột nặng từ lúc mới tập chơi gaming gear đến nay. Mong rằng đã mang đến cho các bạn một góc nhìn thú vị về những con chuột nặng. Cảm ơn các bạn vì đã quan tâm theo dõi và chúc các bạn hài lòng với con chuột của mình.
Sẵn tiện nếu mấy bạn đang tìm mua chuột thì có thể tham khảo các mẫu đang có bán tại GearVN luôn nhen: Chuột GearVN
Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như: