FIFA vs EA - Cuộc đối đầu của 2 kẻ tham lam và đôi điều mà game thủ nên biết
Dưới đây là những vấn đề phía sau mối lương duyên giữa dòng game bóng đá FIFA của EA và Liên đoàn Bóng đá Quốc tế.
Một trong những dòng game bóng đá nổi tiếng nhất mọi thời đại là series FIFA của EA Sports. Hiện tại đây không chỉ là con gà đẻ trứng vàng cho EA mà còn ảnh hưởng đến định hướng phát triển của mảng game bóng đá. Chỉ trong 1 năm, FIFA giúp EA thu về hơn 1 tỷ USD chỉ với chế độ Ultimate Team trong game. FIFA là một trong top những dòng game ăn nên làm ra nhất mọi thời đại. Bên cạnh đó, tầm ảnh hưởng của FIFA cũng rộng khắp, ra mắt trên nền tảng nào cũng đạt doanh thu cao ngất ngưởng.
Bản thân dòng game FIFA đã giúp đánh bóng tên tuổi của Liên đoàn Bóng đá Quốc tế (FIFA), và biến tổ chức này thành một hình ảnh thân thiện hơn, hầu như ai ai cũng biết. Những tựa game của EA Sports, FIFA, Liên đoàn Bóng đá Quốc tế, và bộ môn đá banh đã tạo thành một mối quan hệ cộng sinh, mỗi bên đều có lợi và giúp nhau phát triển.
Bởi vì FIFA và EA đều có mối quan hệ hợp tác lâu năm bền vững như thế cho nên đã có nhiều người thắc mắc khi biết tin bây giờ họ lại có ý định đường ai nấy đi. Theo logic thì đáng lẽ ra 2 bên phải tiếp tục sống vui vẻ với nhau, và tìm cách để xúc tiến mối quan hệ phát triển hơn nữa. Tuy nhiên, có một vấn đề với EA và FIFA là cả 2 đều là các tổ chức có doanh thu khổng lồ, và họ sẽ làm mọi cách để có thể tối đa hóa lợi nhuận. Suy cho cùng, sống trong 1 núi tiền vẫn sẽ không đủ nếu như bạn có thể sống trong… 2 núi tiền (hoặc thậm chí nhiều hơn thế). Mấu chốt ở đây là cả 2 bên đều không hài lòng với số tiền hiện tại mà họ đang nhận được. Họ muốn nhiều hơn thế nữa cơ!
Đây cũng là lý do vì sao chuyện EA muốn từ bỏ cái tên FIFA và thay bằng thương hiệu khác tính ra cũng không quá bất ngờ cho lắm. Nếu xét về khía cạnh tối đa hóa lợi nhuận thì chuyện “chia tay” là hoàn toàn hợp lý. Đứng từ góc nhìn của EA, hà cớ gì lại phải tiếp tục để con gà đẻ trứng vàng của mình mang cái tên của người khác? FIFA là một trong những cái tên đình đám và phổ biến nhất trong làng game, và công lao đó thuộc về EA chứ không phải Liên đoàn Bóng đá Quốc tế. Vì sao EA lại phải vừa trả tiền nhượng quyền thương hiệu cho FIFA để có thể kiếm tiền từ một sản phẩm mà họ đã bỏ công xây dựng bấy lâu nay, vừa phải lo sợ rằng cái tên đó có thể bị lấy đi bất cứ lúc nào? Cái tên mà chính tay EA đã đưa nó bước tới đài vinh quang như ngày hôm nay?
Và bạn cũng có thể thấy được điều này từ phía FIFA luôn. Đồng ý là EA có thể là người bỏ công xây dựng dòng game bóng đá huyền thoại đó, nhưng thành công ban đầu là đến từ cái tên “chính chủ” kia. Bản thân Liên đoàn Bóng đá Quốc tế lại không nhận được gì nhiều từ sự thành công trị giá hàng tỷ USD của dòng game này. Thương vụ với EA Sports là hợp đồng thương mại sinh lời nhiều nhất của Liên đoàn Bóng đá Quốc tế, giúp họ thu về 150 triệu USD mỗi năm. Tính ra thì nó cũng chẳng là bao so với con số hàng tỷ USD mà tựa game FIFA mang về cho EA hàng năm. Thêm vào đó, có vẻ như thỏa thuận ban đầu giữa FIFA và EA không tính đến chuyện xem xét game là một thị trường đang thay đổi từng ngày. Cách đây không lâu, thỏa thuận khá là đơn giản: EA Sports mua lại quyền sử dụng cái tên FIFA từ Liên đoàn Bóng đá Quốc tế, bán game, và bỏ túi tiền của game thủ.
Ngược lại, bây giờ thì dòng game FIFA đã trở thành một hệ sinh thái luôn rồi. Nó có các giải đấu, nhà tài trợ, thương vụ hợp tác với các tổ chức bóng đá khác, và quan trọng hơn hết là cơ chế Ultimate Team. Đó là chưa kể đến tương lai tựa game này còn có thể tận dụng những cơ hội kiếm tiền khác như NFT chẳng hạn. Không loại trừ khả năng Liên đoàn Bóng đá Quốc tế đã biết những điều này, thế nên họ đã đưa ra một hợp đồng mới giúp Liên đoàn có thể nhận thêm phần tiền mà EA kiếm được từ dòng game FIFA.
Điều này lý giải được vấn đề: FIFA muốn thêm tiền, còn EA Sports thì lại không muốn nhả thêm tiền cho FIFA. Lưu ý một điều là mỗi bên đều có góc nhìn của họ và nó đều hợp lý nhé. FIFA không sai khi họ muốn nhận thêm phần tiền từ việc sử dụng tên của họ. EA cũng đúng khi họ không muốn nhả phần tiền mà phần lớn là họ đã tự tay tạo ra; dù gì thì Liên đoàn Bóng đá Quốc tế cũng chưa chắc được biết đến rộng rãi như bây giờ nếu không nhờ công sức của EA đắp thêm vào.
Với thỏa thuận mới, FIFA muốn 2,5 tỷ USD cho mỗi 4 năm. Được biết, FIFA còn muốn giới hạn cơ hội kiếm tiền của EA, nghĩa là EA đối mặt với nguy cơ bỏ lỡ khá nhiều cơ hội kiếm tiền từ những thứ như giải đấu FIFA, stream game FIFA, và những thương vụ hợp tác khác.
Đối với EA thì đây rõ ràng là vấn đề. Nó không chỉ khiến chi phí sản xuất của mỗi bản FIFA lên tới hơn 600 triệu USD ngay trước khi tựa game đó được bắt tay vào làm (và thậm chí trong bối cảnh game AAA hiện nay thì đây vẫn là mức chi phí sản xuất rất cao), mà còn cắt mất một số nguồn thu nhập tiềm năng mà EA có thể tận dụng để bù bớt cho chi phí sản xuất cao ngất ngưởng kia. Thế nên EA đã làm một điều mà trước nay chưa từng thấy, và hé lộ khả năng là họ có thể bỏ luôn thương hiệu FIFA để lấy một cái tên mới.
Đứng về góc nhìn của EA thì đây có vẻ là một nước đi khả thi, nếu không muốn nói là thiên thời địa lợi. 20 năm trước, việc để mất cái tên FIFA sẽ là một khủng hoảng đối với EA. Họ sẽ mất doanh số, và cho dù có quảng bá rầm rộ đến đâu thì cũng không thể nào bù đắp được phần danh tiếng bị mất đi.
Tuy nhiên, bây giờ thì điều này chưa chắc đã đúng. Nhờ mạng xã hội được phổ biến rộng khắp nên nếu có thay đổi thì chỉ trong tích tắc, thông tin này sẽ được gửi đến hàng chục triệu game thủ đang chơi FIFA mỗi năm. Và nếu EA có quyết định tung ra game mới với tên gọi “EA FUT 2023” (ví dụ) thì game thủ cũng biết đây thực chất là “FIFA 23”, bất kể là Liên đoàn Bóng đá Quốc tế có nhượng quyền thương hiệu FIFA cho một nhà phát hành khác hay không.
Đây cũng là một vấn đề khác. 20 năm trước, việc phát triển game không tốn quá nhiều nguồn lực và thời gian như bây giờ, nhiều khi chỉ cần vài tháng đến khoảng 1 năm hơn là có ngay một tựa game đá banh ngon lành rồi. Còn bây giờ thì game tốn đến mấy năm trời để phát triển, nhất là khi bạn bắt đầu từ 2 bàn tay trắng, hoặc cần phải có mệ hệ thống và đội ngũ xịn sò để có thể tung ra nội dung mới thường xuyên; và có thể nói trong mảng game đá banh thì bây giờ chỉ có mỗi EA là đủ tầm để làm thôi. Cho dù cái tên FIFA có được bán cho một bên khác, như 2K Sports chẳng hạn, thì họ cũng sẽ phải tốn vài năm mới có được sản phẩm đầu tiên để tung ra thị trường. Và điều này có nghĩa là Liên đoàn Bóng đá Quốc tế sẽ mất đi doanh thu trong vài năm, còn EA thì sẽ tận dụng thời gian đó để tạo dựng thương hiệu mới của riêng mình.
Một vấn đề khác nữa là bản quyền FIFA của EA cơ bản chỉ là cái tên và nội dung của giải World Cup. Lý do mà FIFA trở nên phổ biến trong cộng đồng game thủ một phần đúng là nhờ sở hữu hình ảnh “chính chủ” đó, nhưng nó thực chất lại là kết quả của hơn 300 thỏa thuận cấp phép độc quyền mà EA đã thực hiện với các câu lạc bộ, các cơ quan quản lý bóng đá địa phương, các đội, cầu thủ, và FIFPro; họ đã cho phép EA sử dụng tên, thương hiệu câu lạc bộ, sân vận động, cầu thủ, vân vân.
Việc EA mất thương hiệu FIFA không những không ảnh hưởng gì đến những thương vụ đó, mà còn có nghĩa là những game bóng đá tương tự có thể sẽ không có những nội dung giống như của EA đang có. Có rất nhiều thương vụ của EA mang tính độc quyền. Cho nên nếu thỏa thuận giữa EA với các câu lạc bộ Ngoại hạng Anh (Premier League) là độc quyền thì không cần biết FIFA 2K23 có “chính chủ” hay không, nó cũng không được phép cho bạn chọn đội Manchester United để chơi, chỉ có game của EA mới được quyền làm điều đó mà thôi. Vậy thì game thủ sẽ chọn về bên nào? Và dĩ nhiên là nội dung của trận World Cup không phải là lý do giúp FIFA trở nên phổ biến trong cộng đồng fan game bóng đá rồi.
Đứng về phía EA, việc “rẽ lối đi riêng” rõ ràng là một nước đi hợp lý. Theo tờ New York Times, EA đã đăng ký bản quyền tên “EA Sports F.C.”, nghe không được hay ho cho lắm nhưng khả năng cao đây sẽ là phần FIFA tiếp theo đối với nhiều game thủ, bất kể là nó có mang tên FIFA hay không. Một phần lớn là vì Ultimate Team, và nó đã tạo ra rất nhiều lợi thế cho EA. Nó đã tạo ra một hệ sinh thái mà một khi bạn đã “dính” vô rồi, đã đập tiền và tốn thời gian cho nó qua mấy năm trời rồi thì sẽ rất khó để mà dứt ra được, và lại càng chẳng muốn bỏ nó để chuyển qua một tựa game bóng đá mới và… làm lại từ đầu (nhiều khi nó còn không có cầu thủ mà bạn yêu thích nữa). Và quan trọng hơn hết là bản thân Ultimate Team gần như trở thành một thương hiệu riêng luôn rồi.
Tất nhiên, EA có thể mất mát một lượng người chơi nhất định trong năm đầu tiên thay tên đổi họ. Nhưng nó cũng không nhiều lắm đâu, nhất là khi Liên đoàn Bóng đá Quốc tế phải mất vài năm mới may ra có được một tựa game bóng đá mới để cạnh tranh. Nói chung, nếu EA có phải chịu tổn thất thì tổn thất này cũng sẽ không quá lớn, cùng lắm mất tầm 1 năm là có thể phục hồi lại được.
Vì thế nên khả năng là EA sẽ đi theo con đường mà mình đã chọn. Nếu điều này xảy ra thì Liên đoàn Bóng đá Quốc tế sẽ khó thể nào mà níu kéo được, vì dù gì thì EA vẫn là người “thắng cuộc” trong vụ này. Việc game thủ chúng ta đứng về phe nào cũng không thật sự quá quan trọng, nhưng khi nhìn bức tranh tổng thể một cách khách quan nhất thì bạn sẽ thấy rằng EA có lợi thế khá rõ ràng nếu 2 bên đường ai nấy đi. Mà có lẽ như bây giờ chỉ còn vấn đề về thời gian trước khi EA và FIFA chia tay nhau thôi các bạn ạ.
Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:
- FIFA đòi tăng tiền bản quyền lên 1 tỷ đô, EA thà xoá sổ luôn cả series bóng đá
- EA đăng ký thương hiệu EA Sports FC, phải chăng FIFA 22 sẽ là phần cuối cùng mang tên FIFA?
- Nối bước Konami, EA cân nhắc đổi tên series game bóng đá FIFA nổi tiếng
Nguồn: Gaming Bolt
Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!