Top 10 dòng game từ huyền thoại bị vắt sữa đến mức lụn bại
Thường thì anh em game thủ sẽ kì vọng rằng phần hậu bản sẽ hoành tráng hơn, hấp dẫn hơn so với bản trước đó; tiếp tục phát huy những thế mạnh vốn có mà vẫn bám sát giá trị cốt lõi của dòng game. Nhưng đồng thời, cũng có những nhà phát triển cứ muốn tiếp tục vắt sữa ý tưởng cũ, sản xuất ra những phần tiếp theo cứ lặp đi lặp lại đến mức nhàm chán, mặc dù bản thân tựa game đó chơi vẫn rất ổn. Sau đây là danh sách 10 dòng game từ huyền thoại bị vắt sữa đến mức lụn bại.
Crackdown
Mặc dù dòng game này có các phần được dàn trải qua nhiều năm, chúng đều giống nhau y như đúc. Đồ họa qua 3 phần không có sự thay đổi rõ rệt cho lắm, còn gameplay thì cơ bản không khác nhau là mấy, thậm chí ngay cả cơ chế bắn súng trong phần đầu tiên cũng được nhà phát triển bê nguyên xi sang phần tiếp theo. Nó chỉ khác mỗi cái là có thêm kẻ địch zombie mà thôi.
Phần 3 thì được hứa hẹn là sẽ có thành phố vô cùng rộng lớn, cho phép game thủ phá hủy thoải mái. Điều này đã khiến game thủ tin tưởng rằng Crackdown sắp được hồi sinh và vì thế rất mong đợi phần này. Tuy nhiên, khi game ra mắt thì tính năng này hoàn toàn biến mất và mọi thứ lại quay về vị trí cũ: chạy, nhảy, bắn, y hệt như phần 1 ra mắt 12 năm về trước. Được cái là có sự xuất hiện của nhân vật Terry Crews nên cũng khá vui nhộn.
Bioshock
Chúng ta quay lại thành phố Rapture dưới đại dương, và mọi thứ đều… “u như kỹ”. Điểm ăn tiền của phần 2 là anh em sẽ được điều khiển Big Daddy. Nghe thì cũng hoành tráng đó, nhưng thật ra thì chỉ khác cái là anh em được sử dụng plasmid và vũ khí cùng một lúc, và tầm nhìn bị che một phần do đang đội nón bảo hộ. Còn những thứ còn lại vẫn giống với phần đầu.
Thứ khiến cho thành phố Rapture trở nên hấp dẫn người chơi chính là bầu không khí quái dị và anh em không thể nào biết trước được đằng sau cánh cửa là điều gì sẽ xảy ra. Phần 1 đã làm rất tốt nhiệm vụ hướng dẫn anh em khám phá thành phố đặc biệt này; nhưng trong phần 2 thì chỉ đơn thuần là đi xem lại những thứ mà mình đã nhìn thấy trong phần trước, cho nên cũng chẳng có gì thú vị cho lắm. Đây cũng là lý do vì sao mà phần 1 và 3 được khen ngợi rất nhiều, còn phần 2 thì lại chìm sâu dưới lòng đại dương, y như thành phố Rapture vậy.
Assassin’s Creed
Đã từng có thời fan cứ tưởng là series Assassin’s Creed sẽ lao đầu xuống vực thẳm rồi biến mất khỏi làng game luôn vì những phần hậu bản đều cứ rập khuôn, nhìn na ná nhau. Đỉnh điểm là phần Assassins Creed: Revelations ra mắt vào năm 2011. Yếu tố thu hút trong phần này là nhân vật chính Ezio và Altair đều xuất hiện trong cùng một game, nhưng ngoài điều này ra thì gameplay không có gì quá mới mẻ cả.
Cơ bản thì đây là Assassins Creed II có thêm vũ khí hook-blade, còn chế độ multiplayer thì lấy từ bản Brotherhood ra mắt vào năm 2010. Đến lúc này thì gameplay của cả series đã bão hòa rồi, khiến nó trở nên nhàm chán. Game thủ muốn thấy Ezio được bay nhảy trong một thế giới mở, và thế là Ubisoft đẻ ngay 3 phần liên tiếp để đáp ứng nhu cầu đó mà không thèm nghĩ đến hậu quả của việc này.
Dead Space
Dead Space 3 được thiết kế lại từ đầu để thu hút càng nhiều game thủ càng tốt. Series Dead Space nổi tiếng nhờ có bầu không khí vô cùng căng thẳng, yêu cầu game thủ phải biết quản lý đồ đạc, và tấn công kẻ địch một cách thông minh; nhưng đến phần 3 này thì họ đã bỏ hết những cái đó để game trở nên dễ chơi hơn với đại đa số người chơi. Kẻ địch và vật phẩm xuất hiện rất nhiều, cho nên anh em cứ vô tư xả đạn là xong. Nhắc đến đạn dược thì bây giờ vũ khí đều xài chung một loại đạn và số lượng thì rất nhiều, anh em tha hồ nhặt nhé. Nhìn chung thì phần 3 “dễ thở” hơn rất nhiều so với 2 phần đầu.
Đó là chưa kể chế độ co-op được thiết kế rất tệ và game còn có thêm cơ chế bán vật phẩm, “hút máu” người chơi. Nó không những không có gì đột phá mà lại còn đi ngược lại với giá trị cốt lõi của series.
EA UFC
Series UFC của EA đã bám theo cái bóng của UFC Undisputed 3 suốt 6 năm nay. Lý do là vì Undisputed 3 quá xuất sắc nên nhà phát triển không biết phải làm sao để hậu bản có thể vượt mặt được nó. Sau khi UFC 3 tạo ra bước đột phá thì UFC 4 thì lại không tạo ra được dấu ấn gì cả. Thay vì rút kinh nghiệm trong quá khứ và bổ sung những hệ thống chuyên sâu thì nhà phát triển lại đi tinh giản hóa mọi thứ với mục đích thu hút nhiều người chơi hơn.
Kết quả là gameplay không được cải thiện, và những tính năng mà game thủ đòi hỏi từ phần 1 cũng không xuất hiện trong phiên bản này. Thay vào đó, game thủ sẽ nhận được những bộ gear để thay đổi đấu sĩ của mình, mà có điều hầu hết gear đó đều không được sử dụng ở những trận đấu trong lồng. Đồng thời, game thủ có thêm một số cử chỉ khiêu khích (taunt) và nhảy múa để trang bị cho nhân vật của mình. Game này tốn 2,5 năm để phát triển, và kết quả là nó chẳng có gì quá khác biệt so với UFC 3; chưa kể đồ họa còn xấu hơn và cơ chế gameplay thì bị tinh giản quá mức.
Far Cry
Far Cry 3 đã tạo được một cơn địa chấn trong ngành game, và những trò thế giới mở ra mắt sau này hầu hết đều lấy ý tưởng từ đây – thậm chí ngay cả hậu bản của nó cũng không chạy đâu cho thoát. Far Cry 4 có bối cảnh tại vùng núi Himalaya và nhân vật phản diện được lồng tiếng bởi nhân vật nổi tiếng Troy Baker, đây cũng là điểm ăn tiền trong phần này. Tuy nhiên, nhìn chung thì Ubisoft không hề có tham vọng với tựa game này.
Vũ khí trong game giống y hệt phần trước, và các nhân vật NPC cũng có cử chỉ, hành động khá là giống với Far Cry 3. Cho nên những cuộc đọ súng trong phần này cũng chẳng khác gì mấy so với phần 3. Những ai đã chơi Far Cry 3 rồi khi chơi tiếp Far Cry 4 sẽ thấy như là kiểu “déjà vu” vậy. Nói vậy cũng đúng thôi, vì đây chính là Far Cry 3 với bối cảnh khác là hết.
Ghost Recon
Dòng game bắn súng Ghost Recon đề cao tính chiến thuật và qua năm tháng nó đã thu hút được một số lượng fan nhất định. Khi phần Future Soldier được công bố thì fan đã rất vui mừng vì chờ 5 năm trời mãi mới có thêm phần mới. Tuy nhiên, game đã bị tinh giản quá mức nên nó chẳng khác gì so với những tựa game núp bắn góc nhìn thứ ba ra mắt vào thời điểm đó.
Người chơi sẽ dành nhiều thời gian nhìn các đồng đội của mình làm nhiệm vụ chứ bản thân thì chẳng tham gia gì nhiều; đó là vì phần này có cơ chế Sync Shot: cứ đánh dấu mục tiêu, bấm nút, và việc còn lại cứ để đồng đội xử lý. Nói chung là nó cực kì dễ chơi anh em ạ, không hề có một chút chiến thuật nào ở đây cả. Và kể từ phiên bản này thì những phần sau đó mất hẳn yếu tố chiến thuật luôn, cứ cầm súng lên thấy cái gì nhúc nhích là bắn thôi.
Saints Row
Ban đầu thì Saints Row IV dự kiến là một bản mở rộng (DLC) cho phần 3, cho phép anh em sở hữu các sức mạnh siêu nhiên, và đúng là như vậy anh em ạ. Tên thì ghi là phần 4, nhưng bản đồ trong game lại lấy từ phần 3, cơ chế bắn súng cũng thế, còn đồ họa thì có cải thiện chút đỉnh nhưng không đáng kể. Gameplay phần này thực sự thú vị vì anh em đã sở hữu sức mạnh phi thường, nhưng về mặt giá trị thì nó chẳng bổ sung được gì cả; và chơi một hồi cũng thấy chán vì nhân vật chính quá bá đạo, như một vị thần bất tử luôn rồi.
Phần này còn giữ lại một số hệ thống từ những phần trước mà khi đem sang đây lại bị lạc quẻ, như việc anh em cần phải ghé qua cửa hàng để mua đạn chẳng hạn. Kẻ địch trong game cũng không thực sự đa dạng, và cũng chỉ cần 1 nốt nhạc là đủ để khiến bọn này bay màu rồi. Kết quả là game rỗng tuếch, cốt truyện chẳng có gì đặc sắc, chỉ đơn thuần là một sân chơi cho anh em thi triển sức mạnh vô song của mình. Để miêu tả phần này một cách chính xác nhất thì đây là Saints Row III với chế độ god-mode được bật, chấm hết.
Star Wars Battlefront
Series Battlefront gốc từng rất thành công nhờ có nội dung cực kì phong phú, nhưng đến phiên bản reboot năm 2015 thì là một sự hụt hẫng đối với fan của Star Wars. Nhìn thì có vẻ vẫn giữ đúng tinh thần của dòng game này, nhưng khi mở lên chơi thì mới thấy game chả có gì ấn tượng cả. Trong phần gốc thì chiến trường vô cùng rộng lớn, nhưng bản reboot này thì trận chiến về cơ bản chỉ diễn ra trên mặt đất. So sánh dí dỏm một chút thì đây chẳng khác gì Battlefield dán skin Star Wars lên cả.
Phương tiện trong phần này cũng không có nhiều, và nó bị biến thành các power-up mà anh em phải chạy cắm đầu cắm cổ mới lấy được. Còn những trận bắn phi thuyền không gian thì bị biến thành gói DLC và nó cũng bị cắt giảm rất nhiều thứ. Nhìn tổng thể thì Battlefront (2015) vẫn là một tựa game ổn, dễ chơi nhưng đồng thời cũng… mau quên.
Call Of Duty: Modern Warfare
Call of Duty từng là dòng game đình đám vào năm 2011, và cứ mỗi năm series này lại càng được mở rộng. Nhưng sau 6 năm liên tục sử dụng cùng một motif thì Modern Warfare 3 đã lộ rõ sự thiếu đột phá của nhà phát triển. Phần này không chỉ nhìn giống y hệt Modern Warfare 2 mà gameplay cũng na ná nhau. Mục chơi chiến dịch có tiết tấu và lối chơi chẳng khác gì 2 phần trước; còn chế độ chơi mạng thì được thay đổi chút đỉnh, thay vì là cải thiện từ phần trước. Đó là chưa kể phần âm thanh cũng không có sự thay đổi rõ rệt so với bản Modern Warfare ra mắt 5 năm trước.
Trong khi Treyarch cố gắng tìm công thức mới, ý tưởng mới, khai thác nhiều bối cảnh thời gian khác nhau thì Infinity Ward vẫn cứ cốt truyện Modern Warfare mà làm tới, hi vọng rằng game thủ sẽ tiếp tục đón nhận nồng nhiệt như thuở ban đầu. Bản thân Call of Duty: Modern Warfare 3 là một tựa game bắn súng hay, nhưng nó lại chẳng có gì mới mẻ ở đây cả nên đã có không ít game thủ lắc đầu ngao ngán khi chơi phần này.
Nguồn: What Culture