Top 10 game sát phần cứng nhất năm 2019
Bác nào tuyên bố máy mình cân hết mọi game thì vào cái list này mà xem nhé!
Cùng với sự phát triển của công nghệ bán dẫn và kỹ thuật đồ họa, hình ảnh của video game ngày càng trở nên sống động hơn. Lằn ranh thực ảo giờ đây đã không còn rạch ròi như trước nữa mà đã bị xóa nhòa đi bởi những tựa game đẹp đến mê hồn. Tuy nhiên cái gì cũng có cái giá của nó, game càng đẹp thì nó “vặt cổ” PC của bạn càng dễ, và sau đây là 10 con game cộm cán nhất trong cái đám đó.
Red Dead Redemption 2
Đây là một tựa game đến từ Rockstar Games – cha đẻ của series huyền thoại GTA. Ngay từ khi được ra mắt, tựa game này đã gây ấn tượng mạnh mẽ với những khung hình đẹp như phim điện ảnh. Từ hình ảnh, ánh sáng, khói bụi, hiệu ứng cháy nổ cho đến đổ bóng, tất cả đều có độ hoàn thiện cực kỳ cao. Từng khung ảnh trong game đều như cắt ra từ phim điện ảnh vậy. Từ hình ảnh, ánh sáng, khói bụi, hiệu ứng cháy nổ cho đến đổ bóng, tất cả đều có độ hoàn thiện cực kỳ cao.
Và đồ họa đẹp thì bạn biết sẽ cần cái gì rồi đấy, đó là nó yêu cầu phần cứng phải khỏe một cách biến thái, kể cả khi chưa hỗ trợ Ray-Tracing, tựa game này cũng đủ sức “vật ngã” RTX 2080 Ti ở độ phân giải 4K. Bao nhiêu đó là đủ để Red Dead Redemption 2 xứng đáng là kẻ sát phần cứng nhất trong danh sách này
Control
Nếu như trước đây studio Remedy đã thành công vang dội với Quantum Break thì nay họ lại cho ra mắt thêm một siêu phẩm mới nữa là Control. Điểm sáng của tựa game này nằm ở thiết kế của thế giới trong game. Toà nhà trụ sở mà người chơi đặt chân vào là một mê cung biến hình, với khung cảnh hành lang và phòng ốc kì quái. Bạn sẽ như lạc vào một thế giới siêu thực và đầy ảo ảnh vậy.
Và để thể hiện được hết nội dung của tựa game này thì phần đồ họa cũng phải được tương xứng. Chính vì thế nên nó cũng yêu cầu phần cứng rất mạnh, tựa game này cũng áp dụng công nghệ Ray-Tracing trở nên chân thực hơn. Vậy nên nếu bạn muốn trải nghiệm được hết cái hay của tựa game này thì chuẩn bị một chiếc PC có GPU RTX đi là vừa
Minecraft Ray-Tracing
“Những khối vuông kỳ diệu” trước nay vẫn là một trong những tựa game yêu cầu phần cứng dễ chịu nhất, thậm chí bạn chỉ cần một cái Raspberry Pi thôi là cũng đủ chơi được rồi, mặc dù sức ăn phần cứng của tựa game này trên lý thuyết là vô hạn nhưng cũng rất hiếm khi bạn phải chạy một cái map đủ lớn để gọi là “sát phần cứng”.
Tuy nhiên thì kể từ khi Ray-Tracing ra đời thì mọi chuyện đã khác. Mọi chuyện bắt đầu với bản mod sử dụng công nghệ Path Tracing tuyệt đẹp SEUS Renewed v1.0.0 của Sonic Ether, yêu cầu GPU GTX 1080 trở lên, tiếp đó thì đến phiên bản Ray-Tracing chính chủ của Nvidia. Để chạy được Minecraft Ray-Tracing thì bạn sẽ cần một dàn PC khá là mạnh và có GPU RTX đấy.
Total War: THREE KINGDOMS
Tam Quốc Chí luôn là đề tài bất tận cho các sản phẩm văn hóa từ tiểu thuyết, điện ảnh, truyện tranh, kịch… đủ cả, game cung nằm trong số đó, và Total War: THREE KINGDOMS có lẽ là tựa game đáng chơi nhất trong số các game lấy chủ đề Tam Quốc Chí.
Tựa game sẽ tái hiện thật trọn vẹn những trận chiến kinh điển thời Tam Quốc, giống như bạn đang sống giữa chiến trường năm xưa vậy. Có thể thoạt đầu thì bạn sẽ không thấy đồ họa của tựa game này có gì đặc biệt đâu, nhưng cứ thử bạn đang kéo cả một cánh quân đông ngùn ngụt đi combat mà xem, Cả CPU, GPU và RAM của bạn đều sẽ bị đè ra “vắt sữa” đấy.
Metro Exodus
Cái quái gì dính đến Ray-Tracing cũng sát phần cứng cả, và Metro Exodus cũng không ngoại lệ. Tựa game này lấy bối cảnh một trái đất hoang tàn thời kỳ hậu tận thế ném người chơi vào đó và bắt họ phải vật lộn để có thể tồn tại. Tựa game nhận được đánh giá rất tính cực của giới phê bình về mặt cốt truyện lẫn lối chơi.
Tuy nhiên đó chưa phải là lý do mà nó nằm trong cái list này. Chuyện là nhà phát triển đã nhét hàng tấn thứ hay ho vào đó, kể cả Ray-Tracing để tạo nên một thế giới chân thực đến từng nhành cây ngọn có, và cái gì dính đến Ray-Tracing thì bạn biết rồi đấy, ăn phần cứng kinh dị
Battlefield V
Đặc sản của dòng game Battlefield là một chiến trường rực lửa, hỗn loạn và rộng lớn trên một nền đồ họa tuyệt đẹp. Thế nên việc tựa game này đòi hỏi cấu hình rất gắt cũng không có gì là lạ cả. Tuy nhiên, vào lúc Nvidia cho ra mắt công nghệ Ray-Tracing thì mọi chuyện lại còn đi xa hơn nữa.
Mọi thứ giờ đây đều trở nên đẹp đẽ đến ngỡ ngàng, và cũng sát phần cứng đến bẽ bàng luôn. Thật ra theo mình thấy thì EA đã làm rất tốt việc tối ưu hóa tựa game này rồi, tuy nhiên thì nó vẫn đủ sức bắt những dàn PC thuộc hạng trâu bò phải khóc thét
Final Fantasy XV
Final Fantasy 15 là một tựa game nhập vai hành động góc nhìn thứ 3. Được ra mắt trên nền tảng PC vào năm 2018, tựa game này đến nay vẫn là một trong những “sát thủ phần cứng” bá đạo nhất và luôn cực kỳ hot trong các clip test phần cứng PC.
Để có thể trải nghiệm được một thế giới đẹp như mơ một cách trọn vẹn cũng như thả hồn theo những cuộc phiêu lưu kỳ thú thì bạn sẽ cần một chiếc máy tính rất mạnh đấy nhé. Chỉ riêng về ổ cứng thôi là tựa game này đã “giết” của bạn đến 155GB rồi.
Shadow of Tomb Raider
Tomb Raider từ lâu đã là một trong những dòng game phiêu lưu hành động thành công nhất mọi thời đại, và Shadow of Tomb Raider chính là tựa game đầu tiên mang đến cuộc cách mạng hình ảnh mang tên Ray-Tracing đến với dòng game này.
Xưa nay ai thì cũng biết Tomb Raider vốn đã sát phần cứng rồi, và thêm Ray-Tracing thì nó sẽ “hủy diệt” phần cứng của bạn luôn chứ không gọi là sát phần cứng nữa. Để chơi mượt max setting + Ray-Tracing tựa game này khoảng xấp xỉ 60FPS ở độ phân giải 4K thì bạn sẽ cần một dàn PC có 2 con RTX 2080 Ti chạy NVLink đấy.
Assassin’s Creed Odyssey
Là một siêu phẩm thuộc series nổi tiếng Assassin’s Creed, với cốt truyện cuốn hút và nền đồ họa tuyệt đẹp, Assassin’s Creed Odyssey là một trong những tựa game nhập vai thế giới mở đáng chơi nhất hiện nay. Tính đến thời điểm hiện tại thì Assassin’s Creed Odyssey chính là tựa game có thế giới mở “siêu to khổng lồ” nhất trong cả series, bao gồm cả thế giới hy lạp cổ đại, trải dài từ Kephallonia đến đảo Crete.
Mặc dù có bản đồ rộng lớn một cách dã man nhưng Ubisoft vẫn có thể làm cho nó trở nên chi tiết một cách đáng kinh ngạc. Từ các thành phố, đền đài có đến làng mạc, thị trấn, hang động ẩn hay doanh trại, lăng tẩm… tất cả đầu đẹp mắt và cực kỳ chân thực, đem đến cho người chơi cả một vùng trời để khám phá. Và với độ chi tiết và hình ảnh tuyệt đẹp như vậy thì việc nó nhai phần cứng của bạn một cách dã man cũng là điều dễ hiểu, không cần Ray-Tracing đâu, phần đồ họa gốc của nó cũng đủ rồi.
Half Life: Alyx
Sau bao nhiêu năm chờ đợi lẫn kêu gào thì cuối cùng Valve cũng chịu cho ra mắt Half Life 3 Half Life: Alyx. OK thì coi như cũng được đi, ít nhất thì nó cũng là “Hép-Lai”. Đây sẽ là một tựa game VR, khai thác bối cảnh và cốt truyện của thế giới Half Life trước khi dòng thời gian của Half Life bắt đầu, bạn cũng có thể xem đây là phần noại truyện của tựa game này vậy.
Mà thôi không nói nhiều nữa, tựa game này xuất hiện ở đây không phải vì nó là “Hép-Lai” mà là vì nó ăn đến 12GB RAM ở mức cấu hình thấp nhất anh em ạ, 12GB đấy, CPU thì Core-i5 7500 trở lên, GPU thì 1060 bản 6GB nhé, và xin nhắc lại một lần nữa rằng cái đó là mức cấu hình tối thiểu đấy.