Top 10 nữ thần trong game khiến bạn tin vào tình yêu đích thực
Có rất nhiều lý do để nhà phát triển đưa các vị thần vào trong game của mình, nhưng dù mục đích là gì đi chăng nữa thì sự xuất hiện của các vị thần cũng đều khiến cốt truyện rẽ sang một hướng khác. Trong đó, nữ thần tình yêu cũng xuất hiện không ít lần. Có game thì lấy ý tưởng từ những câu chuyện thần thoại, có game thì tự sáng tạo ra thần tình yêu cho riêng mình. Sau đây là top 10 nữ thần trong game khiến bạn tin vào tình yêu đích thực.
Mythal – Dragon Age
Mythal là một thành viên trong ngôi đền của tộc elf (gọi là Evanuris) tại Thedas. Dalish – những vị thần elf với nhiệm vụ duy trì truyền thống văn hóa – đã tôn thờ Mythal như là nữ thần của tình yêu, tình mẫu tử, và công lý. Nữ thần trong game Dragon Age được biết đến với nhiều cái tên khác nhau, bao gồm cả danh hiệu “Người bảo vệ” và “Thánh mẫu của muôn loài”.
Đôi lúc, Mythal có thể xuất hiện dưới hình dạng một con rồng hoặc là hình dạng con người nhưng với một số đặc điểm của loài rồng. Nhiều thành viên trong đền thờ elf được cho là con cái của Mythal, và cốt truyện cũng khắc họa cô ta như là một người mẹ đầy ắp tình thương, luôn biết cách bao bọc, chở che.
Auriel – Diablo
Auriel được xem là một nữ thần trong game với danh hiệu “Archangel of Hope” (tạm dịch: Thiên sứ của hi vọng) đến từ High Heavens. Cô ta đề cao tình yêu và lòng trắc ẩn hơn bất cứ thứ gì, trong hòa bình lẫn chiến tranh. Ngay cả khi đang xảy ra bao cuộc xung đột và hỗn loạn, Auriel vẫn tìm thấy sự yên bình. Auriel còn là một người hòa giải, luôn nhìn thấy điều tốt đẹp trong mọi thứ.
Giọng ca của Auriel là giọng chính trong dàn hợp xướng của High Heavens. Theo GVN bọn mình tìm hiểu thì khi cô ta bị giam cầm, loài người trở nên chán nản và trầm cảm, mặc dù họ không hề hay biết rằng Auriel đang bị bắt giữ. Khi được thả tự do thì loài người đã hạnh phúc và lạc quan trở lại, tiếp tục phấn đấu để phát triển.
Erollisi Marr – EverQuest
Erollisi Marr trong EverQuest còn được biết đến với cái tên là “Nữ thần tình ái” (Queen of Love). Trong khi những người theo chân Marr thường chuộng những cách giải quyết trong êm đẹp thì họ cũng chấp nhận bạo lực như là một phần trong cuộc sống. Họ sẽ chiến đấu tới cùng cho những người, những địa điểm, và những món đồ mà họ yêu quý, thậm chí chấp nhận cả cái chết.
Nhiều Paladins, Clerics, và Bards đều tôn kính Marr. Vị nữ thần trong game này có một người anh em là Mithaniel, và cả 2 đã tạo ra người barbarian. Đã từng có giả thuyết cho rằng loài người được phát triển từ barbarians nhờ Erollisi Marr.
Mara – The Elder Scrolls
Imperial Pantheon là tôn giáo được biết đến nhiều nhất tại Tamriel. Nó bao gồm 9 vị thần, trong đó có Mara. Cô ta được xem như là nữ thần về tình mẫu tử, về tình yêu và lòng trắc ẩn, riêng trong Skyrim thì Mara còn là cô hầu gái của Kyne. Game thủ Skyrim sẽ thấy hình ảnh của Mara quen thuộc bởi vì đeo bùa hộ mệnh của cô ta là dấu hiệu cho thấy bạn đã sẵn sàng kết hôn, và các cặp đôi phải thành hôn ngay tại ngôi đền của Mara.
Tùy theo vị trí của bạn ở Tamriel mà nữ thần Mara trong game có thể có những đặc điểm khác nhau. Theo GVN 360 tụi mình được biết thì tại Morrowind, Mara được gọi là Ama Nin. Còn ở một số vùng khác thì cô ta được cho là đã kết hôn với Akatosh, một số khác thì cho là Mara đã lấy Lorkhan.
Monika – Doki Doki Literature Club
Mặc dù Monika không phải là một nữ thần theo nghĩa đen, cô ấy cũng đã hớp hồn không biết bao nhiêu game thủ đã trót sa chân vào tựa game Doki Doki Literature Club trở thành nữ thần của lòng họ. Trong game, Monika là chủ tịch câu lạc bộ văn học của trường, chính vì thế nên cô ấy có khả năng tác động rất lớn đến mạch truyện trong game, thúc đẩy nhiều sự kiện mà bạn tham gia.
Nhìn thì hiền lành vậy thôi chứ Monika không đơn giản như vẻ bề ngoài của mình, cô nàng đã gây ra toàn bộ sự việc kinh dị và điều khiển toàn bộ game. Monika đã “phá vỡ bức tường thứ 4” (nghĩa là nhân vật trong game biết tương tác với chính người chơi) và thổ lộ rằng cô ấy yêu bạn mặc dù nhận thức rõ rằng mình chỉ là một nhân vật trong game. Đồng thời Monika cũng thao túng những nhân vật nữ khác nhằm loại bỏ họ và độc chiếm bạn cho riêng mình. Cách duy nhất để bạn kết thúc cơn ác mộng này chính là vào file game và xóa file dữ liệu của nhân vật Monika một cách thủ công.
Lyssa – Guild Wars 2
Nữ thần Lyssa là một trong 6 vị thần tối cao ở Tyria trong tựa game Guild Wars 2. Mỗi vị thần này đều đại diện cho một số thứ, riêng Lyssa thì là hiện thân của nước, sắc đẹp tình yêu và ảo ảnh, do đó các Mesmer mới dành sự tôn kính đặc biệt cho Lyssa.
Theo truyền thuyết trong game thì Lyssa đẹp đến nỗi có thể khiến đàn ông chết khát khi nhìn vào những bức tượng. Sự tồn tại của nữ thần này trong game cũng rất mơ hồ, đôi khi cô ấy không xuất hiện với tư cách là một nữ thần mà là hai chị em sinh đôi tên Illya và Lyss.
Venus – Assassin’s Creed
Trên thực tế thì Venus là “phiên bản La Mã” của nữ thần sắc đẹp Aphrodite trong thần thoại Hy Lạp. Còn trong dòng game Assassin’s Creed thì nữ thần này là người Isu – một chủng tộc cổ với nền văn minh tiên tiến vượt bậc, đã tạo ra loài người hiện đại và thống trị trái đất trong khoảng 77.000 năm trước. Sau trận chiến với phe loài người do Adam và Eva thống lĩnh, người Isu gần như bị xóa sổ.
Mặc dù cả 2 bên đều phải gánh chịu những tổn thất kinh hoàng nhưng loài người có khả năng phục hồi mạnh mẽ, còn Isu thì không, họ chỉ còn tồn tại chủ yếu trong thần thoại của nhiều tôn giáo hay những truyền thuyết dân gian của thế giới Assassin’s Creed. Người Isu được tôn thờ như những vị thần. Hình ảnh của Venus (hay Aphrodite) khá dễ bắt gặp trong Assassin’s Creed: Odyssey với những đền đài trên khắp cõi Hy Lạp và La Mã, những bức tượng theo phong cách Venus Genetrix và những vật phẩm được xem là có phước lành của cô.
Nayru – The Legend Of Zelda
Nayru là một nữ thần trong series game The Legend of Zelda và là một trong những nữ thần được mệnh danh là Golden Goddesses bên cạnh Farore (nữ thần dũng cảm và Din (nữ thần sức mạnh). Mặc dù Nayru được biết đến như là một một nữ thần của trí tuệ, cô ấy lại được mọi người coi như là một nữ thần tình yêu.
Theo như GVN 360 tụi mình được biết thì bộ ba nữ thần này được mọi người tôn thờ vì chính họ đã tạo ra Hyrule, cũng như là các cảnh giới khác. Sức mạnh của Nayru và các nữ thần khác đã tạo nên nguồn sức mạnh “Golden Power” bên trong Triforce.
Aphrodite – Hades
Aphrodite là một nhân vật cực kỳ quen thuộc đối với fan hâm mộ của tựa game Hades. Cô ấy cùng với phần lớn nội dung của game đều được lấy cảm hứng từ thần thoại Hy Lạp và La Mã. Tuy nhiên, thật đáng tiếc thay Aphrodite lại bị đánh giá rất thấp dù mang danh là một nữ thần tình yêu và con gái của thần Zeus. Nhưng trong tựa game này, nữ thần Aphrodite lại rất có ích đối với người chơi là đằng khác.
Lợi ích lớn nhất mà nữ thần Aphrodite trong game này mang tới cho người chơi đó là khả năng sinh tồn. Dù vậy, phải tới những vòng chơi về sau thì game thủ mới có thể nhận được những lợi ích này do Aphrodite là một trong 3 vị thần của Olympus nên cô ấy sẽ không xuất hiện ở những vòng đầu.
Freya – The Witcher
Giống như Aphrodite, Freya là một nữ thần Bắc Âu được lấy cảm hứng và đưa vào trong game. Freya thường được biết đến như là một nữ thần của tình yêu, khả năng sinh sản và sắc đẹp. Bên trong series game The Witcher, cô ấy được người dân tôn thờ vô cùng đặc biệt trên quần đảo Skellige.
Những người dân nào trong The Witcher đảm nhận các nhiệm vụ tiếp xúc trực tiếp tới thiên nhiên như nông dân, thợ săn, vân vân thường sẽ cầu nguyện nữ thần Freya trong game để cầu xin được giúp đỡ và dẫn đường. Bên cạnh đó, mặc dù bức tượng của Freya được mọi người tôn thờ có hình dáng của một người phụ nữ mang thai, nữ thần của tình yêu này được mọi người truyền tai nhau rằng cô ấy hay đi chu du trên khắp đất liền và đôi khi còn hóa thân thành một con mèo.
Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360:
- Top 10 tựa game cho bạn hóa thân thành chiến binh sát thần
- Vì ai cũng cần desktop ấn tượng, mời anh em tải bộ hình nền thần thoại Hy Lạp đầy ma mị
Nguồn: The Gamer
Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!