Top 10 tựa game có đồ họa tuyệt đỉnh thách thức hiệu năng của mọi PC
Đôi khi chơi game chúng ta không chỉ muốn được trải nghiệm một cốt truyện hay, một cái kết game đầy nước mắt, hay những cuộc hội thoại gửi gắm triết lý của nhân vật chính, mà còn muốn được trải nghiệm những hình ảnh đồ họa đỉnh cao để thỏa mãn cho đôi mắt đam mê cái đẹp của chúng ta nữa. Game có đồ họa đẹp thì có rất nhiều, nhưng đâu mới là những tựa game có đồ họa đỉnh cao và đáng chơi nhất ở thời điểm hiện tại? Để giải đáp cho câu hỏi này, GVN 360 tụi mình đã liệt kê ra 10 tựa game có đồ họa đỉnh cao để các bạn có thể tham khảo và chơi thử.
Tuy nhiên, các bạn cũng cần phải lưu ý đó là đồ họa càng đẹp thì sự thách thức của nó đối với hiệu năng phần cứng sẽ càng cao. Còn nếu các bạn đang tìm kiếm những tựa game đồ họa nhẹ nhưng đồ họa vẫn đẹp thì có thể tham khảo thử Top 10 tựa game cấu hình nhẹ nhưng lại sở hữu đồ họa đỉnh cao mà tụi mình từng làm nhé.
Assassin’s Creed Valhalla
Assassin’s Creed Valhalla vẫn sử dụng engine AnvilNext 2.0 như phần Odyssey và Origins, cho nên về mặt đồ họa thì nó đẹp miễn bàn các bạn ạ. Valhalla không chỉ có hình ảnh cực kì ấn tượng mà còn có những bối cảnh độc đáo với thời tiết đa dạng, thậm chí có cả tuyết rơi, khiến phần này khác biệt hẳn so với Odyssey và Origins.
Valhalla tuy không có ray tracing hay những tính năng đồ họa xịn sò nhưng bản thân tựa game này vẫn sở hữu chất lượng hình ảnh vô cùng ấn tượng, nhất là khi bật chế độ HDR giúp tăng độ tương phản thì game còn đẹp hơn bội phần. Vì thế cho nên Valhalla vẫn có khả năng khiến nhiều dàn PC phải giơ cờ trắng đó nhe.
Godfall
Tuy gameplay của Godfall không quá đặc sắc, nhưng bù lại đồ họa của game này cực kỳ bắt mắt luôn nhé. Game chặt chém tương tự như Godfall thì có lẽ bạn đã chơi qua nhiều rồi, nhưng đồ họa như Godfall thì chưa chắc bạn đã từng tận mắt chứng kiến đâu nhé. Với tính năng ray tracing, những ánh sáng phản chiếu trên các bề mặt nhìn cực kì chân thực và sống động, cứ như là hình chụp ngoài đời thực vậy.
Đồ họa trong Godfall đúng nghĩa là rất lung linh và lấp lánh, nếu không muốn nói là nhà phát triển rất biết cách để nịnh mắt người chơi. Ngoài chuyện đánh đấm thì đã tay thì hình ảnh trong Godfall còn làm bạn sướng con mắt nữa. Do đó, bạn nào đang tìm kiếm một tựa game được đầu tư về mặt đồ họa thì nên cân nhắc chơi thử Godfall nhé.
Battlefield V
Mặc dù dòng game Battlefield nổi tiếng với đồ họa xuất sắc nhưng phải đến những phần sau này thì chất lượng mới thật sự chân thực và sống động hơn hẳn. Điển hình ở đây là Battlefield V với tính năng ray tracing xịn sò mà những phần trước đây chưa từng có. Những màn cháy nổ, mưa bom, kết hợp với các hiệu ứng ánh sáng như hiện tượng “lens flare” càng giúp game thủ cảm thấy như đang ở chiến trường thật sự.
Dĩ nhiên, để có thể trải nghiệm tất cả những gì mà tựa game này có thể mang lại thì bạn sẽ cần một bộ PC mạnh. Cụ thể thì để chiến tốt Battlefield V với ray tracing, nhà phát triển khuyến nghị CPU AMD Ryzen 7 thế hệ thứ 2 hoặc Intel Core i7 thế hệ thứ 8, cùng với GPU RTX 2080 và 16GB RAM. Vì thế nên nếu bạn chiến game này với tính năng ray tracing được bật mà fps không bị giảm quá nhiều hay trồi sụt thất thường thì có thể nói PC của bạn thuộc hàng xịn sò rồi đó.
Control
Cho dù là game nào đi chăng nữa thì nhà phát triển Remedy Entertainment luôn tìm cách khai thác tối đa về mặt đồ họa, và Control – tựa game mới nhất của Remedy – cũng không phải là ngoại lệ. Đây là một trong những ví dụ điển hình cho thấy ray tracing có khả năng nâng tầm đồ họa trong game thêm một bậc, giúp cải thiện môi trường trong game bằng cách phản xạ các tia sáng sao cho giống ngoài đời thực nhất. Nó xịn đến mức cho dù nhìn những khối tường bê tông cũng thấy nó đẹp nữa các bạn ạ.
Ngoài ra, Control còn là minh chứng cho tiềm năng của tính năng NVIDIA DLSS. Tuy DLSS ban đầu không mấy ấn tượng nhưng đến phiên bản 2.0 thì nó khác hẳn một trời một vực các bạn ạ. Ngoài việc hiệu năng được nâng cấp thì chất lượng hình ảnh gần như tương đồng với trường hợp được render ở độ phân giải gốc, có khi còn đẹp hơn là đằng khác. Bạn nào muốn chơi một tựa game hành động – bắn súng xuất sắc với đồ họa đỉnh cao thì không nên bỏ qua Control đâu nhé.
Metro Exodus
Từ khi Metro 2033 ra đời thì dân PC lại có thêm một trò để benchmark dàn PC ở nhà. Tiếp tục “truyền thống” đó, Metro Exodus đã trở thành một trong những thước đo khi nói về hiệu năng PC, nhất là về khía cạnh đồ họa. Nó được tích hợp rất nhiều tính năng tiên tiến đang làm mưa làm gió trên thị trường hiện nay như ray tracing theo thời gian thực, DLSS 2.0, motion blur ứng với từng vật thể, và tính năng tessellation được khai thác triệt để.
Nói một cách dí dỏm thì Metro Exodus chính là Crysis phiên bản năm 2020, đem đến cho game thủ những khung hình, những trường đoạn bắt mắt và vô cùng mãn nhãn. Nói không ngoa thì đây chính là một trong những tựa game tuyệt phẩm về mặt đồ họa. Metro Exodus thích hợp với những bạn nào có cấu hình PC cực khỏe và muốn trải nghiệm một tựa game có hình ảnh, âm thanh, gameplay vẹn toàn.
Call of Duty: Modern Warfare/Warzone
Thường thì series Call of Duty sẽ tập trung vào phần hiệu năng nhiều hơn là hình ảnh. Nhà phát triển vẫn sẽ cố gắng tạo ra một tựa game bắn súng FPS với đồ họa xứng đáng với danh hiệu Call of Duty huyền thoại, nhưng họ sẽ ưu tiên nhiều hơn về phần hiệu năng, mang đến trải nghiệm thật ổn định và mượt mà cho game thủ. Tuy nhiên, đến phần Modern Warfare (2019) và Warzone thì nhìn lại, chúng ta có thể thấy dòng game Call of Duty đã có sự phát triển rõ rệt về mặt đồ họa, chứ không chỉ đơn thuần là tăng độ phân giải texture và cải thiện hiệu ứng ánh sáng.
Các chi tiết trong Modern Warfare đều rất ấn tượng, thậm chí ngay cả màu sắc trong game cũng được đầu tư rất chỉn chu, tỉ mỉ. Kết hợp với ray tracing, thế giới trong Modern Warfare trở nên có chiều sâu hơn, bỏ xa những tựa game đối thủ. Thêm vào đó, yếu tố âm thanh cũng được chú trọng, kết hợp hài hòa với hình ảnh giúp game thủ càng dễ nhập tâm vào từng khung hình.
Final Fantasy XV
Final Fantasy XV là phần mới nhất của series Final Fantasy (bản Final Fantasy 7 mới đây là hàng remake nhé). Phần này lấy bối cảnh một hành tinh tương tự như trái đất, được phân chia thành nhiều quốc gia gồm Lucis, Tenebrae, Niflheim, Solheim và Accordo. Mỗi quốc gia trừ Niflheim đều từng nắm giữ một viên “tinh thể”. Tuy nhiên sau này thì các viên tinh thể để thất lạc trong chiến tranh, trừ viên của Lucis khiến họ phát triển rực rỡ trong khi cả thế giới thụt lùi phía sau. Niflheim sau đó đã tiến hành chiến tranh để giành quyền kiểm soát viên tinh thể đó. Kết quả là thế giới suy tàn dưới ách thống trị của quốc gia này. Bạn sẽ vào vai hoàng tử Lucis gánh vác trên vai sứ mệnh cứu lấy loài người khỏi bóng đêm vĩnh cửu, và đây là lúc mà câu chuyện của bạn bắt đầu.
Final Fantasy XV vốn đã nổi tiếng sát phần cứng từ khi ra mắt rồi, bạn sẽ cần một con card đâu đó cỡ RTX 2080 Super, RTX 3070 hoặc RX 6800 để cân nó ở độ phân giải 4K và mức thiết lập tối đa đấy, quá khủng khiếp với một con game đã lên PC từ năm 2018. Bản thân đồ họa của nó đã đẹp và có độ chi tiết cao, đã vậy còn tối ưu phần cứng không được tốt lắm nữa chứ, đúng là combo chuẩn bài cho một con game sát phần cứng rồi. Ngoài ra thì con game này còn ăn ổ cứng rất kinh khủng. Nếu bạn muốn chơi nó thì chuẩn bị sẵn 155GB dung lượng trống nhé.
Red Dead Redemption 2
Red Dead Redemption 2 lấy bối cảnh tại một số tiểu bang hư cấu thuộc Hoa Kỳ năm 1899. Game sẽ cho bạn hòa mình cuộc phiêu lưu của Arthur Morgan – một kẻ ngoài vòng pháp luật và là thành viên của băng đảng Van der Line cầm đầu bởi Dutch. Trong khi nhiều thành viên trong băng đảng muốn làm một vố thật lớn để gác kiếm trong êm đẹp thì Dutch lại liên tục hết lần này đến lần khác hứa hẹn đây sẽ là lần cuối. Mọi chuyện lại rắc rối hơn khi băng Van der Line chẳng những phải chống lại sự truy quét của chính quyền mà còn đối đầu những băng cướp khác nữa. Đó là một câu chuyện đầy máu và nước mắt nhưng cũng thể hiện được trọn vẹn cái chất miền Tây hoang dã đã làm cảm hứng cho biết bao tác phẩm nghệ thuật thơ ca.
Ngoài cốt truyện cực kỳ chất lượng ra thì những thứ khác cũng được hoàn thiện rất tốt, đặc biệt là phần hình ảnh. Nó khiến cho GVN 360 cảm thấy đang xem một bộ phim điện ảnh mà mình đang đóng vai nhân vật chính chứ không chỉ đơn giản là trải nghiệm một tựa game. Mà nghe chữ “điện ảnh” là bạn biết rồi đấy, game cực đẹp nhưng cũng sát phần cứng cực kỳ luôn. Kể cả khi chưa hỗ trợ Ray-Tracing, tựa game này cũng đủ sức “quật ngã” RTX 2080 Ti ở độ phân giải 4K các bạn nhé.
The Witcher 3: Wild Hunt
The Witcher 3: Wild Hunt là một siêu phẩm đã tạo ra một quy chuẩn mới về cách thức xây dựng tuyến nhiệm vụ phụ cũng như vấn đề xây dựng thế giới mở. Trong game, bạn sẽ vào vai gã thợ săn quỷ hào hiệp sát gái Geralt trên con đường tìm lại người yêu và cô con gái nuôi bé bỏng của mình. Từng bước chân khám phá của bạn trong game đều vô cùng thú vị, game sẽ vẽ ra cả một thế giới đầy những điều bí ẩn, hay ho.
Đồ họa của game cũng thuộc hàng top vào lúc nó ra mắt, từ texture mặt đất, lá cây, model nhân vật hay những hiệu ứng cháy nổ, phép thuật, thời tiết đều được hoàn thiện vô cùng kỹ lưỡng. Thế giới trong game cứ như đang sống, đang chuyển động trên từng bước chân của bạn vậy. Dù đã ra mắt từ năm 2015 nhưng đến hiện nay thì đồ họa của tựa game này cũng khá khoai cho những dàn máy yếu. Bạn sẽ cần một chiếc máy tính có card đồ họa cỡ GTX 1060 6GB, RX 580 hay GTX 1650 Super để cân mượt nó ở mức 60 FPS đấy. Mà cái đó là còn chưa tính việc cài mod nhé. Có những bản mod giúp The Witcher 3: Wild Hunt đẹp hơn rất nhiều và cũng sát phần cứng hơn rất nhiều luôn.
Cyberpunk 2077
Bất chấp phốt về lỗi game, Cyberpunk 2077 vẫn thành công về mặt thương mại và là một trong những tựa game nhập vai bán chạy nhất mọi thời đại. Đương nhiên Cyberpunk 2077 thành công đến vậy là còn nhờ danh tiếng của The Witcher III để lại nữa nhưng dù sao thì nó cũng có cái hay của mình. Xét về mặt tích cực và bỏ qua mấy cái phốt thì Cyberpunk 2077 đã mang đến một thế giới mở đầy sức sống cho game thủ PC khám phá. Thành phố Night City ẩn chứa rất nhiều điều thú vị, bí mật mà bạn phải len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm mới có thể khám phá hết được. Nhờ vậy mà Cyberpunk 2077 cũng trở nên chân thực và thuyết phục hơn.
Về phần đồ họa thì tựa game này đã thuộc hàng đỉnh sẵn rồi, lại thêm cái việc tối ưu chưa tốt nữa nên khiến nó sát phần cứng khá là kinh dị. Để cân tốt được Cyberpunk 2077 ở mức thiết lập tối đa và độ phân giải 4K thì bạn sẽ phải cần ít nhất là card đồ họa RTX 2080 Super, RTX 3070 hoặc RX 6800 đấy. Mà bao nhiêu đó vẫn chưa đủ để bao mượt trên 60FPS đâu nhé, vừa đủ để chơi được thôi.
Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:
- Top 10 tựa game đồ họa pixel vừa hay vừa nhẹ mà bạn không nên bỏ qua
- Top 10 tựa game AAA đồ hoạ đẹp nhưng không sát phần cứng
- Top game cấu hình nhẹ nhưng lại sở hữu đồ họa đỉnh cao
- Top 10 tựa game nhập vai đồ hoạ đẹp nhất trên PC
- Top 8 tựa game được đầu tư khủng nhưng đồ họa lại xấu ma chê quỷ hờn
- Top 10 tựa game huyền thoại trở lại với đồ hoạ đẹp xuất sắc
- Top 10 cuộc cách mạng đồ họa khiến game thủ phải trầm trồ
Nguồn: Digital Trends
Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!