Top 10 tựa game mà khi kết thúc chỉ còn lại nỗi đau buồn
Chắc hẳn hầu hết anh em đều thích kết thúc game có hậu đúng không? Mình cũng thế, bởi vì một cái kết tốt đẹp đồng nghĩa với việc mình đã chiến thắng được con trùm, giải cứu thế giới khỏi bờ vực diệt vong (chí ít là cho đến phần sau).
Nhưng bên cạnh đó cũng có những tựa game là một câu chuyện buồn. Bạn sẽ nghĩ là mình đang làm điều đúng, cho đến khi “hạ màn” thì cục diện bị xoay chuyển 180 độ.
Sau đây là danh sách 10 tựa game có luôn có kết cục bi đát dù bạn làm gì đi chăng nữa.
Cảnh báo: Có spoiler
Limbo
Chuyện hiệp sĩ giải cứu công chúa là xưa rồi, và mô tuýp này cũng đã cũ. Nhưng khi kết cục không đi vào quỹ đạo này mà bị mắc kẹt ở lưng chừng thì đây gọi là trạng thái “limbo”. Lúc này, người chơi sẽ không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.
Playdead đã hoàn thành tốt nhiệm vụ này với tựa game đầu tay Limbo. Game thuộc thể loại platformer với bầu không khí u ám, phong cách đồ họa tối giản, khiến nhiều game thủ rợn cả da gà. Đó là chưa kể có con nhện bự chà bá phía sau lưng nữa.
Limbo lọt vào danh sách này không phải vì nó có kết cục xấu, mà là bởi vì nó có kết cục lưng chừng, không “happy ending” mà cũng không “sad ending”. Khi nhân vật chính vừa mới thấy được đứa em của mình thì màn hình chuyển sang một màu tối đen rồi… kết thúc. Điều này ý chỉ rằng hai anh em sẽ bị mắc kẹt trong “limbo”, vĩnh viễn không có lối thoát.
Spec Ops: The Line
Game có tới 4 kết cục, và không có kết cục nào là tốt đẹp cả.
Bạn có thể kết liễu bản thân mình vì nhận ra rằng mình đang bị ảo tưởng và tự tưởng tượng ra Konrad – nhân vật phản diện trong game. Nếu không, bạn sẽ gọi điện đàm để rút khỏi vùng chiến sự. Sau đó, bạn có thể trao lại vũ khí và trở thành một người bất lực. Hoặc bạn có thể chiến đấu đến cùng, và nếu bạn thua thì sẽ bị bắn ngay tại chỗ. Còn nếu bạn thắng thì câu chuyện sẽ tiếp tục, bạn sẽ hoàn thành nốt nhiệm vụ mà ban đầu được giao.
Nó đưa người chơi từ motif “anh hùng giải cứu thế giới” sang câu chuyện về sự tàn phá của chiến tranh có sức ảnh hưởng như thế nào đối với tâm trí của một con người.
Metal Gear Solid V: The Phantom Pain
Điều buồn nhất về kết thúc của game này là chúng ta đều biết trước được kết cục của câu chuyện. Và tồi tệ hơn là người chơi sẽ biết được sự thật động trời và đau buồn rằng nhân vật là chúng ta nghĩ là Solid Snake huyền thoại thật ra chỉ là một kẻ bù nhìn bị tẩy não để nghĩ rằng mình chính là Snake. Trước đó, nhân vật này là một bác sĩ trong quân đội tư nhân của Snake “thật”.
Điều này có nghĩa rằng chúng ta đang dồn một người vô tội vào con đường chết. Một người lính trung thành với chỉ huy của mình được “nhận thưởng” bằng cách tẩy não và dối lừa.
What Remains Of Edith Finch
Đây là một tựa game tuy ngắn nhưng rất ấn tượng. Thuộc thể loại mô phỏng đi bộ, What Remains Of Edith Finch bạn đầu sẽ đưa người chơi quay về quá khứ khi ghé thăm căn nhà Finch cũ. Nhưng sau đó mới vỡ lẽ ra rằng đây là một câu chuyện buồn về một gia đình bị nguyền rủa. Khi bạn đi lòng vòng khám phá ngôi nhà thì bạn sẽ dần hiểu được vì sao các thành viên trong gia đình này lại bị chết.
Bên cạnh đó, bạn còn sẽ giúp những nhân vật xấu số thành hoàn thành di nguyện của họ, khiến câu chuyện càng trở nên nhói lòng. Cũng giống như trò Gone Home, nó xoáy mạnh vào những yếu tố có thể khiến cho gia đình tan rã, và đồng thời cũng cho ta thấy mối liên kết đã hàn gắn các thành viên trong gia đình lại với nhau.
Và nhớ cẩn thận cảnh tắm bồn, vì cảnh đó sẽ lấy đi khá nhiều nước mắt của bạn đó.
The Legend Of Zelda: The Ocarina Of Time
Trong game thì Link là người đã giải cứu thế giới. Ganon bị tiêu diệt, và Link được quay trở lại thời còn trẻ. Nhưng thực chất thì nó không đơn giản như vậy.
Sau khi kết thúc hành trình của mình, bạn sẽ hiểu rằng Ganon sẽ quay trở lại tại một thời điểm nào đó, và Link cũng biết điều này vì anh vẫn còn giữ được trí nhớ của mình khi Temple of Time đóng lại.
Nói một cách đơn giản thì Link bị mắc kẹt trong một vòng lặp đã được định trước với các sự kiện diễn ra theo đúng trình tự. Nghĩa là Link sẽ chẳng bao giờ có một kết cục tốt đẹp, bởi vì anh cứ phải liên tục tiêu diệt Ganon để dòng thời gian không bị xáo trộn.
Bạn thì có thể chơi xong game, nhưng Link thì sẽ mắc kẹt trong vòng lặp đó mãi mãi.
Bloodborne
Game của FromSoftware thường không có chữ “vui vẻ, tốt đẹp” trong đó. Series Dark Souls thì có màu sắc u tối, cốt truyện độc địa, và Bloodborne cũng không phải ngoại lệ mặc dù nó có tới 3 kết thúc.
Đầu tiên là kết thúc dễ nhất: đầu hàng Gehrman và bị chặt đầu. Sau đó bạn sẽ “thức dậy” và cảm giác như vừa rồi chỉ là một cơn mơ, nhưng đồng thời vẫn có cảm giác việc bạn bị chặt đầu là có thực.
Kết thúc thứ 2 là khi bạn hạ gục Gehrman, bạn sẽ thay thế vị trí của hắn ta và tiếp tục đưa những Hunter mới vào thế giới thục tại. Còn kết thúc thứ ba là một kết thúc bí mật, sau khi bạn triệt hạ được Moon Presence, nhưng kết thúc này thì vẫn không tốt đẹp là bao. Thay vào đó, bạn sẽ gia nhập vào hàng ngũ huyền thoại Great Ones – một “ending” cũng không mấy “happy” cho lắm.
Silent Hill 2
Phần 1 có cốt truyện khá đơn giản đối với một tựa game kinh dị, nhưng phần 2 thì nó lại tập trung khai thác nội tâm nhân vật James Sunderland.
Bên cạnh những kết thúc ngoài luồng thì những kết thúc “nghiêm túc” đều không vui vẻ chút nào. Việc James đền tội bằng cách lao chiếc xe xuống sông tự tử không hề khiến chúng ta cảm thấy thương tiếc, ngược lại ta còn thấy James đáng bị như thế. Còn kết thúc còn lại cũng không khá khẩm hơn, chẳng hạn như Maria ra ám hiệu rằng cô cũng sẽ chịu chung số phận như Mary, khiến mạch game sau đó có cảm giác nặng nề, bế tắc.
Valiant Hearts: The Great War
Tựa game tập trung vào 2 nhân vật Emile (người Pháp) và con rể Karl (người Đức). Cả 2 đều bị đẩy vào cuộc chiến tranh vì những lý do khác nhau. Éo le hơn là định mệnh đã đẩy 2 người này xa cách nhau vì họ thuộc 2 bờ chiến tuyến. Vì vậy, cả 2 đều lo lắng rằng người phía bên kia sẽ tử trận.
Nhưng Emile có số phận bi đát hơn là anh ấy đã vô tình giết chỉ huy của mình khi người này đưa binh lính vào chỗ chết. Bản án duy nhất dành cho Emlie là án tử, đẩy mạch truyện lên đỉnh điểm.
Cái khiến người chơi nghẹn ngào hơn cả là mặc dù game có phong cách đồ họa hoạt hình, tươi tắn, câu chuyện trong game là một câu chuyện có thật ngoài đời. Tên game là Great War, nhưng thật ra chả có cái gì vĩ đại ở đây cả.
Max Payne
Max Payne là một series game hành động rất ấn tượng và đáng để chơi. Tuy nhiên, khi bạn ngồi ngẫm lại lý do vì sao Max Payne lại trở nên như vậy, vì sao anh ta lại dấng thân vào con đường trả thù và khát khao tìm ra nguyên nhân cái chết của người vợ và đứa con, thì lúc đó bạn mới thấy được một bức tranh hoàn toàn xám xịt.
Điều này thấy rõ nhất trong phần 1, khi Max còn là thám tử tại thành phố New York. Một ngày về nhà, anh thấy vợ con mình bị một lũ côn đồ sát hại. Nhưng đó chưa phải là tất cả.
Khi điều tra được manh mối vụ án và cố gắng ngăn chặn âm mưu của bọn ác, mọi chuyện tưởng chừng như đã kết thúc, nhưng đời không như là mơ, và câu chuyện của Max Payne vẫn chưa thể đến hồi kết.
That Dragon, Cancer
Ngay trong tiêu đề đã nói: đây là một tựa game về bệnh ung thư, và cũng chính vì thế nên game không hề có kết thúc tốt đẹp.
Trong khi những tựa game như Edith Finch và Gone Home khai thác chủ đề mất mát và gia đình đổ vỡ, thì That Dragon, Cancer còn hay hơn một bậc vì nó dựa trên một câu chuyện có thật.
Ryan và Amy Green muốn kể câu chuyện về đứa con trai Joel đang mang trong mình căn bệnh ung thư quái ác khi chỉ mới 12 tháng tuổi. Đó là nỗi tuyệt vọng khi biết được rằng con trai mình sẽ không còn sống bao lâu khi hôm nay chỉ mới là ngày thôi nôi của nó.
Mặc dù trong game vẫn có những cảnh mang màu sắc tươi đẹp, nhưng thông điệp trên vẫn luôn đau đáu trong đầu bạn. Nó là một nỗi đau nghẹn lòng được tái hiện rất chân thực và thuyết phục. Đồng thời, nó còn cho ta thấy được cách mà người thân trong gia đình tập thích nghi với nỗi bi kịch này.
Nguồn: What Culture