Top 10 tựa game PC những năm 2000 với đồ họa đỉnh cao làm game thủ mãi nhớ
Có thể nói, những năm 2000 là thời kỳ hoàng kim của làng game PC, đánh dấu sự chuyển mình trong nhiều khía cạnh khác nhau, và một trong số khía cạnh dễ thấy nhất là đồ họa. Nó không chỉ đưa PC gaming lên một tầm cao mới mà còn giúp tạo ra những tựa game với hình ảnh rất ấn tượng vào thời bấy giờ, từ đó làm tiền đề để phát triển các trò đình đám sau này. Để cùng nhìn lại chặng đường đầy huy hoàng này, mời các bạn cùng GVN 360 điểm qua top 10 tựa game PC những năm 2000 với đồ họa đỉnh cao làm game thủ mãi nhớ.
Half Life 2 (2004)
Lấy bối cảnh vài năm sau sự kiện thảm họa xảy ra ở phần 1, Half Life 2 sẽ cho các bạn tiếp tục vào vai nhân vật chính Gordon Freeman sau khi được đánh thức bởi một người đàn ông bị ẩn có tên là G-Man trong tình cảnh thế giới đã bị bọn người ngoài hành tinh Combine xâm lược. Cũng bởi vì cốt truyện thỏa mãn lòng fan hâm mộ sau cái kết của Half Life 1, tựa game này đã nhận được rất nhiều lời bình luận khen ngợi, hay thậm chí được vinh danh như tựa game FPS có cốt truyện hay nhất mọi thời đại. Tuy nhiên, công sức để giúp cho tựa game Half Life 2 có thể thành công trong mắt game thủ PC vào những năm 2000 không chỉ đến từ cốt truyện, mà còn đến từ sự đánh giá cao về mặt đồ họa vào thời buổi đó.
Không chỉ sở hữu cơ chế gameplay từ hệ thống vũ khí, lượng máu, và các màn giải đố giống như phần trước để game thủ dễ dàng làm quen, Half Life 2 còn mang tới cho người chơi một trải nghiệm hoàn toàn mới về mặt đồ họa khi Valve quyết định phát triển tựa game này bằng công cụ Source mới để cải tiến hình ảnh trong game. Đây là một công nghệ engine độc quyền của Valve cho phép các nhà phát triển tạo ra những môi trường tuyệt đẹp và sống động nhất, và cũng nhờ nó mà các yếu tố họa của Half Life 2 trở nên hoàn thiện hơn rất là nhiều.
Star Wars: Knight of The Old Republic (2003)
Tất nhiên, sẽ thật là thiếu sót nếu nói về những tựa game PC có đồ họa đẹp vào những năm 2000 mà lại bỏ qua một tựa game mà cho tới bây giờ vẫn được nhiều người nhắc đến như một tựa game Star Wars hay nhất, và đó không phải là ai khác ngoài Star Wars: Knight of The Old Republic. Có thể nói, vào thời điểm đó, Knight of The Old Republic mang tới một trải nghiệm đồ họa đẹp đến mức khiến nhiều người không nghĩ rằng một tựa game như thế có thể chào đời, và đương nhiên, điều này càng củng cố cho lý do vì sao mà BioWare lại có thể thống trị thế giới game PC vào những năm 2000.
Môi trường và các mô hình nhân vật của Knight of The Old Republic được làm rất chi tiết, các pha hành động chiến đấu cũng được đầu tư animation cực kỳ ấn tượng, và đây cũng chính là những điểm mạnh đã xoa dịu game thủ bỏ qua những vấn đề về tốc độ khung hình mà game gặp phải. Về bản thân mình đánh giá các địa điểm trong Knight of The Old Republic được làm rất đẹp, đặc biệt là hình ảnh những ngọn cỏ trên hành tinh Dantooine và Kashyyk đung đưa và uốn cong khi bạn chạm vào. Hoặc trên hành tinh Tatooine, nơi bạn có thể thấy những vòng xoáy của cát bụi quay thành những cơn lốc nhỏ rồi tan biến đi, và ngay cả khi bạn đi đến rìa của bản đồ thì game sẽ cho bạn chiêm ngưỡng những bức tranh phông nền với mức độ chi tiết cao khiến cho bạn bị đắm chìm vào vẻ đẹp của hành tinh này và có khi quên mất nhiệm vụ ban đầu của mình là gì.
Need for Speed Underground (2003)
Thật khó có thể bàn cãi khi cho rằng Need for Speed Underground là một trong những tựa game PC về đua xe có đồ họa đẹp nhất vào những năm 2000. Bên cạnh gameplay đua xe thì yếu tố cũng khiến cho người chơi ấn tượng nhất lúc bấy giờ khi trải nghiệm tựa game này chính là sự phản chiếu ánh sáng tạo ra một mảng màu trên các vũng nước trên đường đua đẹp một cách rất chân thật. Cũng khó mà không ngưỡng mộ được khi EA đã thuê một chuyên gia về hiệu ứng từng đoạt giải Oscar để tư vấn về đồ họa và ánh sáng cho game. Và kết quả thì kinh ngạc miễn bàn, các ánh sáng mặt trời hay ánh đèn ban đêm phản chiếu từ các xe đua hay những vũng nước trên mặt đường có lượng texture được hoàn thiện rất tốt làm cho khung cảnh tổng thể trở nên chói lóa.
Các mô hình xe đua cũng được đầu tư chi tiết, đặc biệt là khi bạn nâng cấp chúng. Ngoài ra, các hiệu ứng cháy nổ, các tia lửa xuất hiện và bắn ra khắp đường phố khi các xe va chạm với nhau cũng được làm rất đẹp, kết hợp với đó là tính vật lý của game cho phép tạo ra các chuỗi va chạm được thu hình chậm khiến cho mắt bạn như được “rửa bằng mật ong vậy”.
World of Warcraft (2004)
Ra mắt vào năm 2003 bởi Blizzard, tựa game MMORPG này là phiên bản Warcraft thứ 4 được phát hành. World of Warcraft lấy bối cảnh ở thế giới Azeroth, đúng 4 năm sau hồi kết của Warcraft III: The Frozen Throne. Đến nay thì WoW đã có kha khá bản DLC được tung ra với nhiều nội dung cập nhật rất hay và cuốn hút.
Tuy gameplay được khen nhiều hơn, nhưng đồ họa trong WoW vào thời điểm đó, nhất là khi so với game PC vào những năm 2000, cũng không phải dạng vừa đâu các bạn ạ. Mỗi lần cưỡi con Gryphon vượt qua những ngọn cây tại thị trấn Goldshire là biết bao game thủ đã phải há hốc vì được chiêm ngưỡng khung cảnh vô cùng choáng ngợp. Chưa hết, Azeroth còn có những địa điểm khiến game thủ nhớ mãi không quên, từ lâu đài Ironforge được xây ngay trên vách núi, cho đến ốc đảo Gadgetzan trên sa mạc Kalimdor, rồi còn thành phố Thunder Bluff the Tauren được xây trên đỉnh của một cao nguyên nữa. Azeroth đã truyền cảm hứng cho hàng triệu game thủ thông qua vẻ đẹp của nó, và vẻ đẹp đó vẫn đang trường tồn cho đến tận ngày hôm nay.
BioShock (2007)
Tựa game BioShock nói riêng và dòng game này nói chung hẳn cũng đã quá nổi tiếng trong làng game luôn rồi. Bên cạnh vô vàn lời khen ngợi về cơ chế bắn súng góc nhìn thứ nhất và một số yếu tố nhập vai thì đây còn là một trong những tựa game PC được ca tụng nhờ có phong cách đồ họa retro vô cùng đặc sắc vào những năm 2000, mà cụ thể ở đây là bối cảnh thành phố Rapture dưới đại dương sâu thẳm. Rapture được thiết kế như là một thiên đường, nhưng đến khi người chơi đặt chân xuống đây thì nó không còn giống với ánh hào quang ngày xưa nữa.
Chính xác thì nó chỉ còn là những tàn tích, là hậu quả của sự tham nhũng và lòng tham của con người nơi đây. Ngay từ lúc đi thang máy xuống Rapture, khi vừa mới bước ra ngoài thì đập vào mắt người chơi là một cảnh tượng vô cùng ghê rợn, nổi da gà. Bằng cách phối hợp tông màu u ám cộng với các căn phòng, khu hành lang lạnh tanh, BioShock đã khiến người chơi phải rùng mình mỗi khi tiến sâu vào Rapture. Ngoài ra, kẻ địch cũng được thiết kế rất độc đáo, chẳng hạn như Big Daddy đã khiến không ít game thủ sợ điếng người với vẻ ngoài rất đáng sợ. Nhìn chung, đây là một bức phông nền hoàn hảo cho câu chuyện sắp diễn ra trong BioShock.
Gears of War (2006)
Đây là phát súng đầu tiên của series Gears of War đình đám, được phát triển bởi Epic Game (Xbox 360) và People Can Fly (PC) vào những năm 2000. Nhờ có tựa game này mà cơ chế núp bắn góc nhìn thứ ba mới được phổ biến rộng rãi, bổ sung yếu tố chiến thuật vào thể loại này. Song song đó, vì đây là tựa game đầu tiên (trên Xbox 360) được thiết kế bằng Unreal Engine 3 trứ danh nên nó còn được đánh giá cao về mảng đồ họa.
Với Unreal Engine 3, Epic Games đã xây dựng được bối cảnh hoang tàn tại hành tinh Sera – nơi đang diễn ra cuộc chiến giữa loài người với lũ quái vật dưới lòng đất Locust. Các chi tiết texture bề mặt, những biểu cảm trên khuôn mặt nhân vật tuy không quá xuất sắc nhưng nó vẫn là một bước phát triển vượt bậc tại thời điểm đó. Ngoài ra, nó cũng làm rất tốt nhiệm vụ của mình: tạo dựng cảnh quan u ám, xám xịt của cuộc chiến, và kẻ địch cũng được thiết kế khá là tỉ mỉ, nhất là con quái vật Brumak khổng lồ với khẩu đại bác trên lưng khiến không ít người chơi phải hoảng hồn khi chạm trán lần đầu. Tất cả các yếu tố này đã phối hợp với nhau để tạo một trải nghiệm khó phai trong tâm trí game thủ.
Mirror’s Edge (2008)
Mirror’s Edge là một tựa game hành động – phiêu lưu lấy bối cảnh tại một thành phố trong tương lai. Bên cạnh cơ chế parkour đầy thú vị, khiến biết bao game thủ vô cùng phấn khích khi được điều khiển Faith Connors vượt chướng ngại vật, thì game còn có phong cách đồ họa rất độc đáo các bạn ạ. Đúng là nhìn nó đơn giản đó, khá ít chi tiết và chỉ có một vài màu sắc chủ đạo thôi, nhưng đây cũng chính là điểm “ăn tiền” của Mirror’s Edge.
Vì parkour đòi hỏi bạn phải luôn di chuyển nên đồ họa đã được DICE tinh giản bớt, giúp bạn dễ quan sát và tính toán đường đi nước bước hơn. Chẳng hạn, màu trắng là màu trung tính nên nó được gán cho những món đồ vật không có tác dụng cụ thể; màu đỏ thì gây sự chú ý lên nó sẽ được tô cho cánh cửa, ống nước để bạn biết đó là nơi mình cần phải đến; gam màu lạnh thì được dùng cho những nơi tối tăm, ẩm thấp để tạo sự lạnh lẽo. Cái hay của DICE ở đây là họ rất biết cách pha trộn các màu sắc này với các tỷ lệ tương ứng, tạo sự hài hòa trong khung cảnh mà không làm người chơi cảm thấy khó chịu như khi bị các màu sắc lòe loẹt “đấm vào mắt”. Đây là một trong những tựa game PC ra mắt vào những năm 2000 có thiết kế đơn giản nhưng cực kì hiệu quả.
Diablo 2 (2000)
2 phần đầu của series Diablo đều là những huyền thoại trong lòng game thủ Việt hồi đầu những năm 2000. Tuy nhiên có lẽ phần thứ 2 là phần nổi tiếng nhất. Diablo 2 đã là phần cuối cùng của series trong suốt 12 năm cho đến khi Diablo 3 xuất hiện. Đó là một quãng thời gian đủ dài để khắc ghi những ấn tượng sâu sắc vào lòng những thế hệ game thủ biết đến series này trong những năm 2000.
Diablo 2 có lối chơi cực kỳ gây nghiện với những màn chặt chém tung chưởng đã tay đã mắt, cốt truyện cuốn hút đến lạ kỳ và đồ họa cực kỳ đẹp mắt đã chinh phục trái tim của nhiều thế hệ game thủ Việt. Có thể bây giờ nhìn lại thì Diablo 2 trông rất “cổ” nhưng đối với thời điểm năm 2000 thì đồ họa 2.5D là một thứ gì đó rất đẹp, rất lạ nhưng vẫn tối ưu phần cứng cực kỳ tốt, PC không quá mạnh vẫn có thể chơi được. Có lẽ đó cũng là một trong những lý do khiến tựa game này thành công đến vậy.
Doom 3 (2004)
Tựa game Doom đầu tiên hồi năm 1993 là một trong những huyền thoại đã góp phần vẽ nên thế giới game hiện đại. Doom 3 tuy không quá nổi tiếng như bản đầu tiên, cũng không được game thủ yêu thích như bản reboot hồi năm 2016 nhưng nó vẫn được biết đến như là một trong những tựa game PC đẹp nhất hồi những năm 2000.
Không như 2 phần mới nhất của series, nơi mà bạn một mình cân cả thế giới và đấm vỡ mồm bất cứ thứ gì di chuyển, gameplay Doom 3 thì có chút nghiêm túc hơn. Chủ yếu là bạn sẽ đi loanh quanh trong một cái trạm vũ trụ trên sao hỏa để bắn quái và khám phá cốt truyện của game. Đồ họa trong game thì phải nói là đỉnh cao thiên hạ, lúc mới ra thì đồ họa của Doom 3 có thể xem là đẹp nhất và sát phần cứng nhất thế giới game luôn. Crysis đẹp như thế nào vào năm 2007 thì Doom 3 cũng đẹp cỡ đó vào năm 2004. Nếu bạn chỉ mới chơi những phần mới nhất thì mình nghĩ có lẽ bạn nên trải nghiệm tựa game này xem sao. Nó sẽ là một tựa game Doom lạ lẫm mà bạn chưa hề biết.
Far Cry (2004)
Far Cry là huyền thoại và là khởi đầu của một dòng game siêu kinh điển. Trước khi “sát thủ phần cứng” Crysis xuất hiện thì đây chính là tựa game đẹp nhất và cũng nặng nhất của studio Crytek. Đương nhiên tựa game này cũng là thách thức lớn cho những dàn PC những năm 2000. Tuy nhiên bù lại một khi mà máy đã cân nổi game thì bạn sẽ được thấy một hòn đảo nhiệt đới xinh đẹp xanh mát, nước biển sóng sánh đẹp mê hồn, chỉ hơi tiếc là bạn lên đó để đi bắn người chứ không phải để nghỉ dưỡng thôi.
Game sẽ cho bạn vào vai một cực đặc nhiệm xâm nhập vào một hòn đảo để làm nhiệm vụ, đồng thời khám phá bí mật về những thí nghiệm điên rồ ở đó. Game cũng cho phép bạn tận dụng các yếu tố địa hình để tiêu diệt kẻ thù giúp lối chơi thêm phần tự do, lý thú. Ngoài ra thì bạn sẽ còn có cả một kho vũ khí hay ho mà mỗi món đều mang lại những trải nghiệm khác nhau để bạn chơi tha hồ.
[BONUS]Call of Duty 4: Modern Warfare (2007)
Sở dĩ GVN 360 bọn mình đưa thêm Call of Duty 4: Modern Warfare vào mục “bonus” là vì nó đã có bản Remastered ra mắt vào năm 2016 với đồ họa được nâng cấp về nhiều mặt. Dù vậy, vào thời điểm năm 2007, khi bản gốc ra mắt thì bản thân nó đã sở hữu đồ họa mang tính đột phá. Thậm chí, có thể nói đây là một trong những tựa game PC đáng chú ý nhất trong những năm 2000 các bạn ạ.
Nhờ sử dụng engine IW 3.0 với các tính năng cải thiện ánh sáng, hiệu ứng HDR, hiệu ứng đổ bóng giúp môi trường trong game trở nên thuyết phục hơn, khốc liệt hơn. Ngoài ra, đường đạn cũng được tính toán bằng engine với các yếu đố như loại bề mặt, độ dày bề mặt nên mỗi phát đạn bắn ra đều mang lại cảm giác rất thật. Những thứ như xe hơi và một số công trình cũng có thể bị phá vỡ, càng làm tăng sự sống động trong game này. Ngoài ra, khi kẻ địch bị bắn chết hoặc đứng gần lựu đạn thì xác của chúng cũng cử động tương ứng theo đường đạn, vụ nổ, tạo cảm giác y như một chiến trường thật sự chứ không chỉ đơn thuần là một tựa game bắn súng nữa. Nhờ mang đến một trải nghiệm hoàn toàn khác lạ so với các tựa game bắn súng trước đó, cũng không quá bất ngờ khi Call of Duty 4: Modern Warfare giành được hàng loạt giải thưởng danh giá vào thời điểm đó.
Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:
- Top 10 tựa game máy băng đã làm nên tuổi thơ thế hệ 8x, 9x
- Top 15 tựa game PC gắn liền với tuổi thơ của thế hệ 8x, 9x
Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!