5 thiết lập đồ họa anh em nên ưu tiên chỉnh ngay lần đầu vào game
5 thiết lập đồ họa nên ưu tiên chỉnh ngay lần đầu vào game, anh em đã biết chưa?
Đa số các tựa game hiện nay đều tự động chỉnh các thiết lập đồ họa sao cho phù hợp với cấu hình của PC hoặc có các mức thiết lập sẵn như Thấp, Trung bình, Cao,… Tuy nhiên, có khá nhiều game không được thông minh cho lắm hoặc các thiết lập đồ họa có sẵn không phù hợp với dàn máy của anh em rồi làm giật lag, gây khó chịu. Trong bài viết này, mình sẽ chỉ ra 5 thiết lập đồ họa mà anh em nên tự tay điều chỉnh trong mọi tựa game để có trải nghiệm chơi game ổn áp, tuyệt vời hơn.
V-Sync – Đồng bộ dọc
Nếu anh em đang chơi game mà thấy hình ảnh bị “rách” ra thành nhiều mảng như hình bên dưới thì đó chính là hiện tượng xé hình. Nguyên nhân của hiện tượng này là do card đồ họa đã xuất ra khung hình mới còn màn hình thì mới chỉ hiện khung hình trước đó mà thôi. Khi đó, một phần trên màn hình vẫn chỉ hiện khung hình cũ, phần khác thì hiện khung hình mới hơn làm hình ảnh bị chồng chéo lên nhau khá là khó chịu.
V-Sync (hoặc một số game viết là Vertical Sync) được tạo ra với mục đích đồng bộ màn hình với card đồ họa, giúp khung hình trên hai phần cứng luôn luôn giống nhau. Tuy có thể chống xé hình nhưng V-Sync cũng có một số nhược điểm:
- Khi bật V-Sync thì sẽ có tạo thêm một chút độ trễ tín hiệu đầu vào (input lag) vì card đồ họa chỉ xuất hình trễ hơn bình thường để màn hình có thể hiện hình lên kịp. Dủ độ trễ chỉ vài mili giây nhưng nếu anh em nhạy cảm hoặc là game thủ chuyên nghiệp thì có thể nhận ra độ trễ này.
- Nếu fps trong game không bằng với tần số quét của màn hình thì sẽ bị giảm đi một nửa. Ví dụ nếu card màn hình chỉ xuất ra được 50 khung hình nhưng tần số quét của màn hình là 60Hz. Lúc bật V-Sync thì fps sẽ giảm còn 30 thôi anh em ạ.
Anh em có thể hạn chế các nhược điểm trên bằng cách bật chế độ Triple Buffering hoặc Adaptive VSync nếu phần cài đặt trong game cho phép. Dù các chế độ V-Sync này thường sẽ ngón nhiều sức mạnh của card đồ họa một chút nhưng sẽ cân bằng giữa việc chống xé hình và độ trễ cao. Một số anh em thì không bật V-Sync vì card đồ họa hơi yếu. Nói chung để biết chỉnh như thế nào cho phù hợp thì anh em phải chịu khó bật tắt rồi làm vài ván game thử nhé.
Anh em lưu ý dù bật tắt kiểu gì thì cũng phải đảm bảo fps từ 60 trở lên, thấp hơn 60 thì sẽ thấy hình ảnh chuyển động không mượt mà và còn thấy rõ là đằng khác. Ngoài ra, anh em nên tùy chỉnh để độ phân giải và fps trong game bằng với độ phân giải và tần số quét của màn hình, chứ chỉnh thấp hơn thì chán lắm, có màn hình xịn cũng như không. Và lưu ý cuối cùng là nếu màn hình đã có hỗ trợ G-Sync hoặc Freesync thì anh em vào driver của card bật hai cái Sync này lên, rồi không cần quan đến tính năng V-Sync trong game nữa.
Motion Blur – Hiệu ứng làm mờ chuyển động
Hầu hết các tùy chỉnh về đồ họa, khi bật lên, đều giúp hình ảnh trong game đẹp hơn, thực tế hơn, long lanh, sống động hơn các thứ. Tuy nhiên, có một số tùy chọn xuất hiện với mục đích “làm màu”, tạo ra trải nghiệm đang xem phim khi chơi game.
Motion Blur là một trong số đó anh em ạ. Hiệu ứng này sẽ làm hình ảnh bị nhòe, mờ đi mỗi khi anh em quay qua quay lại. Dù có một số anh em khá thích Motion Blur nhưng cá nhân mình khá ghét vì nó làm chóng mặt, buồn nôn. Để biết Motion Blur có phù hợp với sở thích hay không thì anh em chịu khó bật tắt như V-sync nhé. Cái này rất đáng để thử vì nếu thích thì game sẽ có hiệu ứng giống như những phim hành động ngoài rạp ấy, còn không thích thì anh em sẽ đỡ chóng mặt. Một số hiệu ứng có mục đích tương tự là Depth of Field, Film Grain, Lens Flare, Bloom và Chromatic Aberration thì anh em cũng bật tắt thử xem thế nào.
Field of View (FoV) – Độ rộng góc nhìn trong game
Đôi mắt của anh em có thể nhìn thấy cảnh vật ở phía trước theo một góc nhất định, để dễ hình dung thì anh em nhìn thẳng về phía trước rồi để ý xem có thì thì nhìn rõ những vật gì ở hai bên trái và phải. Đó chính là độ rộng góc nhìn của mắt chúng ta. Khi chơi game thì nhân vật trong game cũng có độ rộng riêng và hiển thị lên màn hình. Chỉnh FoV trong game sẽ giúp anh em nhìn thấy nhìn nhiều quân dịch ở hai bên hơn hoặc thậm chí là khắc phục tình trạng chóng mặt buồn nôn khi chơi game, đặc biệt là game FPS.
Số FoV lý tưởng sẽ phụ thuộc vào kích thước của màn hình, khoảng cách với màn hình và sở thích cá nhân. Nếu game cho chỉnh FOV thì anh em nên để từ 90 đến 110 độ trước rồi bắt đầu tăng giảm tùy theo cảm nhận. Lưu ý là nếu anh em chỉnh FoV lớn quá thì sẽ làm hình ảnh ở các góc bị méo một chút, hay còn gọi là hiện tượng mắt cá. Chỉnh nhỏ quá thì sẽ không thấy nhiều thứ ở trong game.
Anti-Aliasing – Khử răng cưa
Ở ngoài đời thực, chúng ta luôn nhìn thấy các viền của các vật thể luôn sắc nét, cong ra cong, thẳng ra thẳng rất rõ ràng. Tuy nhiên, khi máy tính tạo hình ảnh để hiện lên màn hình, những đường viền này được tạo thành từ các khối hình vuông siêu nhỏ hay được gọi là pixel. Vì vậy, nếu anh em phóng to hình ảnh lên thì sẽ thấy phần viền của vật thể có răng cưa như thế này.
Để làm đường viền xung quanh vật thể sắc nét hơn thì người ta tạo ra khá nhiều loại khử răng cưa, chẳng hạn như SSAA, MSAA, TAA, … Mỗi game sẽ cho anh em vài tùy chọn khử răng cưa và mỗi thứ sẽ có ưu nhược điểm riêng. Để biết thêm chi tiết thì anh em có thể đọc lại bài viết Vì sao tính năng khử răng cưa trong game lại ngốn rất nhiều tài nguyên?. Còn tóm tắt một chút thì SSAA là khử răng cưa hiệu quả nhất, nhưng ngốn sức mạnh card đồ họa, MSAA khử không đẹp bằng SSAA nhưng không ngốn nhiều tài nguyên phần cứng bằng.
Với mỗi mức thiết lập khử răng cưa thì anh em sẽ thấy thêm những con số như 4x, 8x, 16x hoặc cao hơn. Nếu bạn chọn số càng cao thì sẽ càng khử răng cưa tốt hơn nhưng bù lại thì sẽ tạo thêm gánh nặng cho card màn hình. Anh em nên thử qua vài tùy chọn khử răng cưa để tìm chế độ cân bằng nhất có thể, cho ra hình ảnh đẹp và fps thì không bị tuột xuống dưới 60.
Resolution Scaling, Adaptive Resolution hoặc DLSS
Nếu anh em dùng màn hình có độ phân giải 4K mà card màn hình hơi yếu, không kéo nổi thì chỉ có cách hạ độ phân giải xuống thôi. Làm như vậy sẽ giúp anh em chơi game mượt hơn, fps cao lên nhưng hình ảnh thì bớt sắc nét, cái gì cũng lờ mờ. Để giải quyết vấn đề này thì một số game có thêm tính năng Resolution Scaling render hình ảnh trong game ở độ phân giải thấp, còn giao diện người dùng (UI) như thanh máu, thanh năng lượng, mini-map bằng với độ phân giải của màn hình và giúp anh em thoải mái hơn một chút.
Adaptive hoặc Dynamic Resolution thì nâng cấp tính năng này lên thêm một chút, thay đổi độ phân giải của cảnh vật ngay trong lúc anh em đang chơi game. Nếu cảnh đó có nhiều hiệu ứng, múa may quay cuồng quá, thì game sẽ tự động giải độ phân giải xuống để đảm bảo độ mượt, còn cảnh nào không cần sức mạnh của card thì game sẽ tăng độ phân giải lên cho anh em chiêm ngưỡng. Nếu game có tính năng này thì anh em nên chỉnh fps bằng với khả năng hiển thị của màn hình, khi nào đẹp thì sẽ đạp, khi nào không đẹp thì ít nhất là được chơi game mượt.
Còn DLSS của Nvidia sử dụng trí thông minh nhân tạo (AI) để upscale hình ảnh. Kết quả là sẽ cho ra hình ảnh đẹp hơn mà không phải hi sinh quá nhiều hiệu năng khi so với việc render ở độ phân giải gốc. Dù thường được quảng cáo là tính năng “đi kèm” với ray tracing nhưng một số game có cho phép anh em bật lẻ DLSS nhé.
Những thiết lập đồ họa còn lại thì nên để tự động
Với những thiết lập đồ họa còn lại, anh em có thể để game tự động quyết định và tự điều chỉnh cho chúng ta. Nếu thích thì anh em có thể dùng Nvidia GeForce Experience để tự động tối ưu cho các game, mình sẽ để có bài hướng dẫn tại đây nhé. Ngày xưa AMD cũng từng có chương trình tối ưu như Nvidia vậy, nhưng tiếc là hãng đã ngưng không không làm nữa rồi.
Nếu muốn thì anh em có thể ngồi tra Google hết các tùy chỉnh nhưng như vậy thì phiền lắm và đi ngược lại với tình thần của bài viết là chỉ chỉnh những thứ đơn giản nhẹ nhàng nhưng vẫn giúp chúng ta chơi game vui vẻ hơn.
Cảm ơn các bạn đã quan tâm theo dõi!
Nguồn: WIRED
--------------------------------
Xem thêm các sản phẩm tại GearVN: