Bạn có biết vẫn còn một định luật Moore thứ 2?
Chắn hẳn anh em yêu công nghệ ai cũng đã từng một lần nghe qua Định luật Moore rồi. Còn nếu anh em chưa biết thì định luật Moore nói rằng sau mỗi năm, số bóng bán dẫn trong các con chip sẽ tăng gấp đôi. Định luật này được Gordon Moore, một trong những thành viên sáng lập của Intel tạo ra vào năm 1965. Dù ngành công nghiệp sản xuất chip bán dẫn đã theo đúng đúng định luật Moore trong rất nhiều nămtrước, vài năm gần đây thì có dấu hiệu không thể theo tiến độ này được nữa.
Tuy nhiên, bởi vì “lời tiên đoán” thứ nhất quá nổi tiếng nên đa số mọi người đã quên mất rằng trong bài đăng của Gordon Moore còn một định luật thứ hai liên quan đến khía cạnh kinh tế khi công nghệ ngày càng phát triển. Định luật Moore thứ hai nói rằng chi phí phát triển, xây dựng dây chuyền chế tạo chip bán dẫn sẽ tăng gấp đôi sau mỗi bốn năm. Anh em có thể xem định luật Moore thứ hai là một phiên bản về kinh tế của của định luật thứ nhất và nó có sức ảnh hưởng mạnh mẽ không kém gì định luật thứ nhất cả
Để giải thích cặn kẽ về những khái niệm kinh tế thì sẽ rất rắc rối nên anh em có có thể hiểu đơn giản như thế này: theo định luật Moore thứ nhất thì ngày sau từng năm, những con chip bán dẫn sẽ ngày càng mạnh hơn với giá cả ngày càng “dễ chịu” hơn. Còn theo định luật Moore thứ hai thì chi phí R&D (nghiên cứu và phát triển), sản xuất, thử nghiệm cũng sẽ tăng dần theo từng thế hệ chip xử lý. Đến một lúc nào đó, lượng mua CPU của người dùng sẽ đạt đến giới hạn và lượng tiền lời, tiền vốn mà các công ty sản xuất chip sẽ không còn tăng nữa trong khi chi phí tạo ra công nghệ mới vẫn tiếp tục tăng lên. Đây chính là lúc hai định luật này va vấp vào nhau.
Theo thời gian, lời tiên đoán đầu tiên của Gordon Moore đã giúp thế giới tin tưởng vào sự phát triển của ngành công nghiệp sản xuất chip bán dẫn, giúp các nhà đầu tư, người tiêu dùng tiếp tục tin tưởng vào tương lai khi các con chip có sức mạnh đáng kinh ngạc. Tuy nhiên, chúng ta đã có phần chủ quan và chỉ nhìn thấy một tương lai màu hồng mà quên mất rằng để làm ra những con chip xử lý sẽ cần rất nhiều tiền và nguồn lực tài chính của những công ty này không phải là vô hạn. Dù vậy, anh em cũng chưa cần quá lo lắng, trong tương lai gần thì hai định luật này vẫn chưa có dấu hiệu “gặp nhau” và có vẻ chi phí để tạo ra một con chip cũng không tăng nhanh như định luật Moore thứ hai tiên đoán.
Nguồn: Wikipedia, Wired, Computerworld