CPU EPYC chứng tỏ sức mạnh, AMD mở rộng tầm ảnh hưởng trong bảng xếp hạng siêu máy tính
AMD vừa công bố họ đã giành chiến thắng giòn giã trong mảng tính toán hiệu năng cao (high-performance computing) đối với vi xử lý AMD EPYC, trong đó có 1 siêu máy tính đứng thứ 7 thế giới và 4 hệ thống nằm trong top 50 hệ thống có hiệu năng cao nhất trong danh sách TOP500. Ngoài ra thì CPU AMD EPYC cũng tiếp tục phát triển trong mảng nghiên cứu khoa học và sức khỏe với các hệ thống mới tại Indiana University, Purdue University và CERN, cùng với mảng tính toán hiệu năng cao của Amazon Web Services, Google, và Oracle Cloud.
Nhờ có số lượng nhân nhiều và băng thông bộ nhớ rộng mà CPU AMD EPYC đã trở thành một giải pháp hàng đầu dành cho những khách hàng cần lắp hệ thống tính toán hiệu năng cao và đồng thời đảm bảo được về mặt hiệu năng, khả năng mở rộng (scalability), hiệu suất, và chi phí sở hữu.
Bốn siêu máy tính trang bị CPU AMD EPYC nằm trong top 50 hệ thống có hiệu năng cao nhất trong danh sách TOP500 bao gồm:
- Selene (#7) – sử dụng vi xử lý AMD EPYC 7742 trong nền tảng DGX A100 SuperPOD của NVIDIA
- Belenos (#30) – siêu máy tính trang bị AMD EPYC thế hệ thứ 2 được đặt tại Météo, France
- Joliot-Curie (#34) – hệ thống được trang bị AMD EPYC thế hệ thứ 2 của tổ chức GENCI ở Pháp
- Mahti (#48) – siêu máy tính sử dụng AMD EPYC thế hệ thứ 2 được đặt tại Phần Lan
Bên cạnh đó, 2 trường đại học là Indiana University và Purdue University cũng sử dụng 2 siêu máy tính với sức mạnh của vi xử lý AMD EPYC để phục vụ cho việc nghiên cứu. Trong đó, Indiana University sẽ sử dụng hệ thống Jetstream 2 với hiệu năng lên đến 8 petaflops nhờ được trang bị vi xử lý AMD EPYC thế hệ thứ 3. Nó sẽ được dùng để nghiên cứu nhiều mảng như AI, khoa học xã hội, và COVID-19. Còn Purdue University thì sẽ có siêu máy tính Anvil dùng để hỗ trợ cho các công trình nghiên cứu đòi hỏi phải xử lý lượng lớn dữ liệu.
Ngoài ra, CERN – phòng thí nghiệm vật lý hạt lớn nhất thế giới – cũng chọn vi xử lý AMD EPYC thế hệ 2 để xử lý khối lượng lớn dữ liệu thu thập từ Large Hadron Collider. Theo một bài nghiên cứu thì với PCIe 4.0, RAM DDR4, và CPU EPYC 7742 64 nhân, các nhà nghiên cứu có thể thu thập luồng dữ liệu được tạo ra bởi 40 TB dữ liệu va chạm (collison data) trong mỗi giây bên trong Large Hadron Collider.
Về mặt điện toán đám mây thì AMD EPYC cũng thắng đậm khi đạt được thỏa thuận với Amazon Web Services, Google Cloud, Oracle Cloud, giúp những đối tác này tạo ra các bước đột phá trong mảng tính toán hiệu năng cao và điện toán đám mây. Về phía AMD, họ cũng tích cực hỗ trợ cộng đồng với AMD Radeon Open eCosystem (ROCm) để hỗ trợ cho các phần mềm không đồng nhất (Heterogenous Software).