Điểm lại hành trình phát triển của Windows, từ con số không đến hệ điều hành được "yêu thích" nhất
Kể từ phiên bản đầu tiên được phát hành vào năm 1985, Microsoft đã phát hành rất nhiều phiên bản WIndows khác nhau anh em ạ. Liệu sau từng ấy năm, các đời Windows đã có những thay đổi như thế nào, anh em cùng mình tìm hiểu qua bài bài viết này nhé.
Windows 1
Windows 1 được ra mắt vào tháng 11/1985 và là một sự nỗ lực của Microsoft để tạo ra hệ điều hành sử dụng giao diện đồ họa 16 bit thân thiện với người dùng phổ thông. Đây chính là hệ điều hành được chính Bill Gates trực tiếp tham gia phát triển và dựa trên hệ điều hành MS-DOS sử dụng những dòng lệnh phức tạp ngày trước.
Điểm đáng chú ý là Windows 1 sử dụng chuột để làm cách điều khiển chính, trước cả khi chuột máy tính trở nên phổ biến luôn các bạn. Và bởi vì phương thức điều khiển mới mẽ này mà Microsoft đã tạo ra một tựa game có tên là Reversi để giúp người dùng thời bấy giờ làm quen với cách điều khiển mới, tập di chuyển và click chuột chính xác.
Windows 2
Hai năm sau khi ra mắt Windows 1, Microsoft tiếp tục ra mắt Windows 2 vào tháng 12/1987. Điểm cải tiến lớn nhất của Windows 2 là cho phép người dùng di chuyển cửa sổ của các chương trình chèn lên nhau và có thêm khả năng phóng to, thu nhỏ cửa sổ thay vì chỉ có hai lựa chọn là “iconising” và “zooming” như Windows 1.
Ngoài ra, ứng dụng Control Panel giúp chúng ta tùy chỉnh các cài đặt của Windows cũng được ra mắt cùng với Windows 2 và tiếp tục tồn tại cho đến ngày nay. Bên cạnh đó, Microsoft cũng tạo ra Word và Excel trong đời Windows 2 này.
Windows 3
Đây là bản Windows đầu tiên yêu cầu máy tính phải có ổ cứng và được ra mắt vào năm 1990. Windows 3 cũng là bản Windows đầu tiên được nhiều người biết đến và được xem là đối thủ nặng ký hai loại hệ điều hành được cài sẵn trong hai dòng PC thông dụng thời bấy giờ là Macintosh của Apple và Amiga của Commodore.
Windows 3 vẫn có khả năng chạy các chương trình của hệ điều hành MS-DOS xưa cũ nhưng mang đến trải nghiệm đa nhiệm tuyệt vời hơn và hỗ trợ đến 256 màu khác nhau nên giao diện có phần hiện đại, bớt nhàm chán hơn. Và quan trọng nhất là nó có tựa game huyền thoại Solitaire hay thường được anh em gọi với cái tên quen thuộc là “xếp bài”.
Windows 3.1
Dù Windows 1 và 2 cũng có các bản nâng cấp như 1.01, 2.1 nhưng Windows 3.1 được ra mắt vào năm 1992 mới là bản nâng cấp đáng chú ý vì nó có phông chữ TrueType giúp Windows trở nên hữu dụng hơn với công việc văn phòng, cần in ấn văn bản.
Windows 3.1 chỉ yêu cầu máy có 1MB RAM và chiếm từ 10 đến 15MB dung lượng ổ cứng, một con số cực nhỏ khiến nhiều anh em dùng Windows ngày nay phải ao ước. Windows 3.1 cũng là bản Windows đầu tiên được phân phối thông qua đĩa CD. Ngoài ra, đây cũng là phiên bản Window đầu tiên tích hợp tựa game nhiều anh em chơi hoài không biết luật và cũng không thắng được – Minesweeper.
Windows 95
Cũng giống như cái tên, Windows 95 được ra mắt vào tháng 8/1995 và đây là lần đầu tiên nút Start và Start menu xuất hiện. Để quảng cáo cho tính năng cực kỳ ”xịn sò” này, Microsoft đầu tư hẳn một chiến dịch quảng cáo cực kỳ lớn với bài hát Start me up do ban nhạc Rock and Roll huyền thoại Rolling Stones thể hiện và các tập phim quảng cáo ngay trong series phim truyền hình Friends nổi tiếng với sự góp mặt của hai ngôi sao Hollywood là Jennifer Aniston và Matthew Perry.
Windows 95 cũng giới thiệu ý tưởng về tính năng “plug and play” giúp hệ điều hành có thể tìm được driver thích hợp và nhanh chóng kết nối các thiết bị ngoại vi có, nhưng thực tế thì tính năng này hoạt động không ổn định cho lắm. Windows 95 cũng được nâng cấp lên môi trường 32 bit,, có thêm thanh taskbar và tập trung vào khả năng đa nhiệm nhiều hơn. Các chương trình từ hệ điều hành MS-DOS vẫn đóng vai trò quan trọng vì nhiều chương trình MS-DOS vẫn còn rất phổ biến và được nhiều người sử dụng.
Ngoài ra, đây cũng là thời điểm trình duyệt huyền thoại, có chức năng tải trình duyệt khác – Internet Explorer cũng được ra mắt. Tuy nhiên, vào ban đầu thì IE không được cài chung với Windows 95 mà được phát hành trong một đĩa CD riêng có tên Windows 95 Plus!. Kể từ các đời Windows tiếp theo thì Internet Explorer mới được cài sẵn và làm trình duyệt mặc định cho Windows các bạn ạ
Windows 98
Được ra mắt vào tháng 6/1998, Windows 98 được xây dựng vào vào nền tảng có sẵn của Windows 95 nhưng có thêm nhiều tính năng và chương trình mới như Internet Explorer 4, Outlook Express, Windows Address Book, Microsoft Chat và NetShow Player (được thay thế bằng Windows Media Player 6.8 trong bản Windows 98 Second Edition năm 1999).
Windows 98 có thêm nhiều cải tiến đáng kể để Windows Explorer (vẫn được nhiều người gọi là My Computer ấy) tiện lợi hơn, chẳng hạn như thêm nút mũi tên tiến và lùi. Ngoài ra, sự thay đổi lớn nhất của Windows 98 là sự ra đời của Windows Driver Model, một loại driver hỗ trợ nhiều đời Windows tiếp theo. Ngoài ra, Windows 98 cũng được cải thiện khả năng hỗ trợ USB lên khá nhiều nên góp phần giúp các thiết bị kết nối thông qua cổng USB như chuột và bàn phím USB trở nên phổ biến hơn.
Windows ME
Đây là phiên bản Windows bị đánh thấp nhất trong tất cả các đời Windows (cho đến khi Windows Vista xuất hiện) vì có rất nhiều lỗi. Windows Millennium Edition là đời Windows cuối cùng còn dựa vào hệ điều hành MS-DOS cũ và là phiên bản cuối cùng của dòng Windows 9x.
Được ra mắt vào tháng 9/2000, Windows ME là một người anh em song song với Windows 2000 được nhắm đến cho đối tượng người dùng phổ thông. Một số chương trình như Internet Explorer 5.5, Windows Media Player 7, và Windows Movie Maker cũng lần đầu xuất hiện trong đời Windows này. Tuy nhiên, một tính năng mới xuất hiện lần đầu là Autocomplete trong Windows Explorer thì lại đầy lỗi và làm người dùng khó chịu.
Windows 2000
Là một người anh em song sinh với Windows ME, Windows 2000 được ra mắt vào tháng 2/2000 và được phát triển dựa trên một phiên bản Windows dành cho doanh nghiệp là Windows NT. Ngoài việc cập nhật một số tính năng quan trọng, Microsoft lần đầu tiên thêm tính năng Hibernate vào Windows 2000 và đây chính là nền tảng cho Windows XP huyền thoại.
Windows XP
Chắc hẳn đối với nhiều anh em thì Windows XP chính là đời Windows tốt nhất đúng không nào. Được ra mắt vào tháng 10/2001, Windows XP được Microsoft gộp chung hai dòng sản phẩm dành cho người dùng phổ thông và doanh nghiệp chung với nhau. Dù được phát triển dựa trên Windows 2000 nhưng Windows XP có giao diện thân thiện giống như Windows ME. Ngoài ra, nút Start có màu xanh lục, thanh taskbar màu xanh lam, giao diện có nhiều hiệu ứng mới lạ cùng với hình nền Bliss đã góp phần làm Windows XP khác biệt so với các đời Windows trước.
Ngoài ra các tính năng trên, phông chữ ClearType (giúp chữ hiện trên màn hình LCD dễ đọc hơn), công cụ burn đĩa CD tích hợp sẵn, tính năng autoplay từ đĩa CD và các loại thiết bị khác, tính năng tự động cập nhật và các công cụ giúp sao lưu và khôi phục hệ thống hoạt động rất ổn định tạo nên sự tin tưởng cho người dùng chứ không như Windows ME.
Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất cả Windows XP là bảo mật khá kém, đặc biệt là trình duyệt Internet Explorer và dù có tường lửa nhưng mặc định thì nó sẽ bị tắt. Trước khi bị Microsoft cho về hưu, Windows XP được cài lên khoảng 430 triệu PC, với số lượng máy tính khổng lồ này thì Windows XP trở thành miếng mồi ngon cho hacker và các cuộc tấn công mạng.
Sau cùng, Microsoft đã phải tung ra các bản cập nhật Service Pack để gia cố bức tường phòng thủ mỏng manh của Windows XP. Dù vậy, Windows XP vẫn là hệ điều hành được hỗ trợ lâu nhất của Microsoft, sau 3 bản cập nhật lớn thì Windows XP vẫn được hỗ trợ đến tháng 4/2014, tổng cộng là 13 năm kể từ ngày ra mắt.
Windows Vista
Windows Vista được phát hành vào tháng 1/2007. Khác với Windows XP, Microsoft dường như chỉ quan tâm đến giao diện của Windows Vista mà bỏ quên phần trải nghiệm sử dụng anh em ạ. Dù có vẻ bề ngoài hiện đại với giao diện trong suốt đầy cuốn hút cùng nhiều tính năng bảo mật và tìm kiếm mới nhưng Windows Vista lại có nó nhiều lỗi khó chịu. Trong đó, lỗi lớn nhất là khi các bạn mở bất kỳ chương trình nào, Windows Vista cũng sẽ hỏi bạn cấp phép cho ứng dụng chạy thông qua một cửa sổ User Account Control. Đây là tính năng Trustworthy Computing cảnh báo người dùng biết chương trình hoặc ứng dụng đó sẽ tác động lên máy của bạn, tuy nhiên rõ ràng thông báo này rất phiền phức vào chỉ để cho có, đa số người dùng biết chương trình mình mở lên sẽ làm gì nên ai cũng nhấn “Yes”, không ai nhấn “No” cả. Ngoài ra, Windows Vista còn dính thêm phốt gắn nhãn “Windows Vista Capable” lên các máy tính đời cũ có nhưng khi chạy thì chậm như rùa vậy.
Ngoài các vấn đề trên thì Windows Vista có thêm Windows Media Player 11 và Internet Explorer 7 cùng với phần phần chống virus cực kỳ “mạnh mẽ” Windows Defender. Windows Vista cũng có thêm tính năng nhận diện giọng nói, chương trình DVD Maker và Photo Gallery mới. Ngoài ra, đây là đời Windows đầu tiên được phân phối thông qua đĩa DVD.
Windows 7
Windows 7 được ra mắt vào tháng 10/2009 và được cho là phiên bản hoàn hảo của WIndows Vista. Microsoft đã khắc phục tất cả các vấn đề cũng như lỗi vặt từ đời Windows trước, điều chỉnh giao diện lại một chút, tập trung phát triển cá tính năng thân thiện với người dùng cũng hơn. Bên cạnh đó, WIndows 7 cũng ổn định và dễ sử dụng hơn, trở thành lựa chọn hàng đầu nếu người dùng muốn nâng cấp Windows XP và hoàn toàn bỏ qua Windows Vista luôn.
Ngoài ra, Windows 7 còn có thêm tính năng nhận diện chữ viết tay, tính năng “snap” để tăng giảm kích thước cửa sổ. Và bởi vì Windows 7 bị điều tra về chống độc quyền tại châu Âu nên Microsoft đã cho phép người dùng chọn trình duyệt mặc định chứ không ép chúng ta dùng Internet Explorer nữa.
Windows 8
Được phát hành vào tháng 10/2012, Windows 8 được Microsoft thay đổi rất nhiều về giao điện để phù hợp với các loại thiết bị dùng màn hình cảm ứng. Trong đó, việc bỏ đi nút Start và thay đổi giao diện Start menu đã gây ra rất nhiều tranh cãi. Thay vì đưa các ứng dụng và icon cần thiết ra ngoài màn hình desktop thì Microsoft đưa tất cả vào Start menu dưới dạng các ô live tiles giúp người dùng luôn nắm bắt được thông tin mới. Tuy nhiên, vì sự đổi mới quá đột ngột này đã khiến người dùng khó làm quen và thậm chí là không dùng luôn.
Tuy nhiên, Windows 8 vẫn có ưu điểm là hoạt động ổn định, nhanh hơn các đời Windows trước rất nhiều và cũng hỗ trợ các thiết bị sử dụng cổng USB 3.0 nên về tổng thể thì các máy sử dụng Windows 8 cho trải nghiệm mượt mà. Ngoài ra, Microsoft cũng tạo ra nhiều thứ mới lạ hơn như Windows Store, cung cấp các ứng dụng UWP (Universal Windows Platform) dành riêng cho Windows. Và dù các bạn vẫn có thể cài thêm chương trình từ bên thứ 3 vào máy nhưng chỉ có thể mở chúng từ giao diện desktop truyền thống chứ không mở nhanh thông qua Start menu được.
Rốt cuộc thì công cuộc đại tu sắc đẹp của Microsoft cho Windows 8 không được lòng nhiều người cho lắm vì sự nửa nạc nửa mỡ. Dù đã cố gắng xóa lằn ranh giữa các thiết bị dùng màn hình cảm ứng và PC truyền thống nhưng cuối cùng thì người ta vẫn thích điều khiển máy tính bằng chuột và bàn phím thông thường hơn. Ngoài ra, vào thời điểm Windows 8 ra mắt, gần như không có máy tính hay laptop phổ biến nào hỗ trợ màn hình cảm ứng nên giao diện thiên về cảm ứng của Windows 8 trở nên thừa thãi.
Ngoài ra, còn một phiên bản Windows 8 “lỗi” khác là Windows RT chỉ chạy trên các thiết bị dùng chip ARM của các dòng máy tính bảng và smartphone cũng đã từng được ra mắt khi Microsoft giới thiệu dòng máy tính bảng Microsoft Surface. Dù nó có vẻ ngoài giống với Windows 8 nhưng chỉ “sống” nhờ vào các ứng dụng UWP trên kho ứng dụng Windows Store kém phong phú nên cũng không tiếng vang với cho người dùng.
Windows 8.1
Chỉ đúng 1 năm sau khi phát hành Windows 8, Microsoft tiếp tục ra mắt bản Windows 8.1 vào tháng 10/2013. Đây là cú lật mặt cực nhanh của Microsoft sau khi bị phản ứng về giao diện của Windows 8 quá nhiều. Trong đó, họ đã đưa nút Start trở lại và cho phép chúng ta dùng giao diện desktop ngay sau khi khởi động máy để phù hợp với chuột và bàn phím hơn là màn hình Start menu dành cho giao diện cảm ứng.
Windows 10
Được phát hành vào tháng 7/2015, Windows 10 được đưa về với giao diện phù hợp với chuột và bàn phím như các đời Windows ngày xưa nhưng vẫn cho những bạn dùng PC, laptop có màn hình cảm ứng có trải nghiệm tốt vừa phải. Phần giao diện của Windows 10 là sự giao thoa khá hài hòa giữ phong cách live tile của Windows 8 cùng với giao diện có nút Start truyền thống của Windows 7 trở về trước.
Windows 10 được bổ sung rất nhiều tính năng mới, “hay ho” như trợ lý ảo Cortana, loại bỏ trình duyệt Internet Explorer chậm chạp, đầy lỗi và thay bằng trình duyệt Edge, tăng cường bảo mật với tính năng mở khóa thiết bị bằng dấu vân tay hoặc nhận diện khuôn mặt với Windows Hello. Ngoài ra, Microsoft cũng từng nói rằng sẽ biến Windows 10 trở thành hệ điều hành thân thiện hơn với game thủ bằng các tính năng Game Mode, Game bar và khả năng chơi các game trên hệ máy Xbox. Tuy nhiên,vì Windows 10 yêu cầu người dùng phải thường xuyên cập nhật, khởi động lại máy bất kể giờ giấc, cùng với các lỗi lặt vặt xuất hiện “đều đặn” mỗi khi có bản cập nhật mới ra nên cũng khiến nhiều người rơi vào các tình huống trớ trêu.
Thời gian đầu phát triển, Microsoft dự định phổ biến hệ điều hành Windows lên mọi thứ, từ PC, laptop đến máy tính bảng và cả smartphone. Tuy nhiên, vì Microsoft đã từ bỏ mảng điện thoại di động nên hiện nay, chúng ta chỉ thấy hệ điều hành Windows xuất hiện trên các loại PC hoặc máy tính bảng Surface mà thôi.
Vậy sau nhiều năm sử dụng máy tính, anh em đã sử dụng được bao nhiêu đời Windows rồi?
Nguồn: The Guardian