Điểm lại các hãng làm CPU đã và sắp “chia tay” Apple: Motorola, IBM và Intel
Trong 36 năm qua, dòng máy tính Macintosh hay còn được gọi là Mac của Apple đã trải qua 2 cuộc “hôn nhân” với các dòng CPU của Motorola, IBM và hiện tại thì họ đang vui vẻ Intel. Tuy nhiên, theo thông tin từ Apple thì họ chuẩn bị “chia tay” với Intel để chuyển sang dòng CPU mới tự thiết kế anh em ạ. Vậy trước khi Apple dùng CPU mới thì các đời máy Mac đã sử dụng các loại CPU nào và liệu việc chuyển đổi của Apple có phải là một quyết định đúng đắn không, anh em cùng mình tìm hiểu qua bài viết này nhé.
Từ 1984 -1995: Motorola 68000
Vào năm 1984, Apple ra mắt dòng máy tính Macintosh đầu tiên có tên là Apple Macintosh sử dụng CPU Motorola 68000 có xung nhịp 8MHz. Trong thời gian phát triển, các nguyên mẫu đầu tiên của Mac dùng con CPU Motorola 6809 8/16 bit. Tuy nhiên, có một nhà thiết kế cảm thấy thích phần đồ họa của dòng máy Apple Lisa dùng dòng CPU 68000 nên nên Apple quyết định dùng con CPU này dù nó đắt hơn CPU Motorola 6809 một chút.
Trong 10 năm tiếp theo, dòng máy Macintosh sử dụng các đời CPU con cháu của 68000 như 68020, 68030 và 68040. Đây là các dòng CPU 32bit được tăng tốc độ và có thiết kế khá là kỳ công, phức tạp. Tổng kết lại thì có ít nhất 72 dòng Mac dùng CPU 68000 và dòng Mac cuối cùng dùng loại chip này là PowerBook 190 ra mắt vào năm 1995.
Từ 1995 – 2005: PowerPC
Đến cuối thập niên 80, ngành công nghiệp máy tính loại bỏ những kiến trúc CPU lỗi thời từ thập niên trước và chuyển sang xu hướng thiết kế chip mới, chẳng hạn như RISC (Reduced Instruction Set Computing). Công nghệ thiết kế mới này sẽ làm CPU nhanh hơn và có rất nhiều công ty sẵn sàng hợp tác với Apple để tạo ra nền tảng CPU mới. Cuối cùng thì họ đã hợp tác với IBM và Motorola để tạo ra CPU PowerPC. Đây là thời kỳ các dòng CPU của Intel và hệ điều hành Windows tìm được chỗ đứng trong giới công nghệ nên Apple đã tạo ra liên minh này để chống lại sự thống trị của cặp đôi Intel và Microsoft.
Kiến trúc PowerPC được sử dụng lần đầu trong các dòng workstation của IBM, đến năm 1994 thì được dùng trên dòng máy Power Macintosh 6100 của Apple. Và nếu anh em từng dùng máy của Apple thì sẽ biết họ rất chịu khó trong việc tốt ưu phần cứng với phần mềm để tối ưu trải nghiệm cho người dùng. Vì vậy, trong giai đoạn chuyển đổi sang kiến trúc CPU mới, Apple có tích hợp một chương trình giả lập giúp các dòng Mac mới có thể chạy phần mềm từ thời CPU 68000 chạy mượt mà nhất có thể.
Trong thời hoàng kim của mình, CPU PowerPC được sử dụng trên 87 dòng Mac khác nhau, bao gồm các thế hệ CPU 601, 603, G3, G4 và G5 series. Xung nhịp của dòng PowerPC cũng được cải tiến liên tục, từ 60MHz lên đến 2,7MHz. Dòng Mac cuối cùng sử dụng CPU kiến trúc PowerPC là Power Mac G5 ra mắt năm 2005.
2006 – hiện nay: Intel x86
Trước năm 2006, Macbook không những không dùng CPU Intel mà còn rất hay “cà khịa” Intel và đề cao sức mạnh của CPU PowerPC của họ. Nếu anh em thắc mắc vì sao Apple không thèm dùng CPU Intel thì có thể click vào đây để tìm hiểu thêm. Tuy nhiên, đến cuối cùng thì các dòng Mac lại không nhanh, mạnh bằng các loại PC sử dụng CPU Intel vì sự chậm trễ trong quá trình sản xuất và thiết kế thế hệ CPU PowerPC mới. Ngoài ra, thế hệ CPU PowerPC G5 rất tốn điện, yêu cầu phải dùng hệ thống tản nhiệt mạnh nên không thể dùng cho laptop được.
Vì vậy, lúc Apple tuyên bố sẽ chuyển sang dùng chip của Intel tại WWDC 2005 đã khiến giới công nghệ, từ các chuyên gia đến người dùng vô cùng bất ngờ và phần nào là hào hứng. Các dòng chip của Intel như một chiếc phao cứu sinh, giúp tăng hiệu suất của các dòng Mac lên khoảng 4 lần so với lúc trước.
Cũng giống như lần chuyển đổi trước, Apple cũng duy trì khả năng tương thích phần mềm giữa các thế hệ Mac bằng cách tích hợp thêm công nghệ giả lập có tên là Rosetta vào Mac OS X 10.4.4 giúp chuyển đổi code của các phần mềm viết cho PowerPC sang Intel vô cùng dễ dàng. Đến khi các nhà phát triển bắt đầu lập trình cho phần mềm có thể chạy ổn định trên cả hai nền tảng CPU thì Apple đã loại bỏ Rosetta khỏi hệ điều hành Mac OS X từ bản 10.7 Lion.
Trong giai đoạn từ năm 2006, Apple cho ra khoảng 80 đến 100 dòng Mac dùng CPU Intel. Hiện nay vẫn chưa có thông tin về dòng Mac cuối cùng sử dụng CPU Intel nhé.
Từ 2021 trở đi: CPU ARM
Trong những năm gần đây, các dòng Mac sử dụng CPU Intel vẫn bán rất chạy, luôn chứng tỏ được hiệu năng và độ ổn định của mình. Tuy nhiên, thông tin Apple sẽ sớm chuyển sang dùng CPU ARM và đây chính là lần chuyển đổi thứ kiến trúc CPU thứ 3 của Apple đang gây xôn xao giới công nghệ.
Kể từ năm 2010, Apple đã thu được rất nhiều kinh nghiệm thiết kế CPU ARM vì họ đã tự thiết kế các dòng chip SoC trên iPhone, iPad, Apple TV. Thậm chí, Apple thiết kế chip tốt đến nỗi một số con chip SOC trên iPad có thể cạnh tranh với Macbook về hiệu suất đơn nhân luôn chứ không phải dạng vừa đâu. Ngoài việc cải thiện hiệu suất thì việc chuyển sang dùng CPU ARM cũng sẽ cho Apple nhiều lợi ích khác nữa.
Chẳng hạn như Apple có thể tích hợp các thế mạnh của chip SoC như khả năng xử lý hình ảnh nhanh hơn, nhận diện khuôn mặt AI vào máy Mac. Như vậy, Apple sẽ có nhiều dòng Mac có tính năng độc đáo và thích hợp cho nhiều tác vụ, nhu cầu khác nhau. Ngoài ra, việc chuyển sang dùng CPU ARM “cây nhà lá vườn” sẽ giúp giảm chi phí mua CPU từ Intel. Nếu Apple không giảm giá bán các dòng Mac dùng CPU ARM thì họ sẽ có lợi nhuận cao hơn. Và nếu tính theo logic thông thường thì giảm chi phí sản xuất thì giá bán cũng sẽ giảm, nhưng Apple nồi tiếng là hút máu nên anh em khoan vội mừng nhé.
Bên cạnh đó, các nhà phát triển phần mềm cũng phần nào được hưởng lợi vì khả năng cao là các dòng CPU ARM dựa trên nền tảng chip SoC sẽ chạy được các ứng dụng dành cho iPhone và iPad luôn. Họ sẽ dễ dàng tạo ra các phần mềm có khả năng tương thích cho ba nền tảng PC, smartphone và máy tính bảng đồng thời có tính năng tương đương nhau.
Hiện tại cả Apple và Intel đều đã xác nhận hai bên sẽ chia tay nhau trong một tương lai không xa nhưng chưa công bố thời điểm chính xác nha anh em.
Nguồn: How To Geek