Động cơ piston chỉ cần cục máy để chạy, thế cái ống pô có tác dụng gì?
Giờ nếu bạn tháo cái ống pô trên xe mình ra thì thường là động cơ sẽ chạy bình thường, chỉ là nó đổi tiếng nổ thôi. Vậy thì cái ông pô có tác dụng gì nhỉ? Nếu có tò mò thì mời mấy bạn cùng GVN 360 theo dõi bài viết sau nhé.
Giữ áp suất trong buồng đốt, tăng công suất động cơ
Pô xe không chỉ đơn giản là một cái ống xả mà nó còn đóng vai trò như một thiết bị hỗ trợ nén. Hệ thống pô sẽ không cho khí thoát thẳng một đường từ động cơ ra môi trường mà sẽ đi qua nhiều bộ phận khác nhau như cổ pô, bầu pô, lon pô. Những thứ này sẽ tạo ra một sức cản khí nhất định, khiến cho khí xả bị nén lại.
Sức nén từ ống pô sẽ giúp hòa khí (hỗn hợp khí trộn nhiên liệu) không bị thoát ra ngoài khi chưa được đốt. Cũng chính nhờ lượng khí xả bị nén này mà động cơ có thể nén hòa khí hiệu quả hơn. Từ đó hệ thống pô giúp tăng công suất động cơ. Nếu xe độ được độ lại với hệ thống pô không tối ưu thì nó sẽ gây hao nhiên liệu, giảm sức mạnh động cơ và khiến động cơ kém bền hơn.
Cách đây mấy năm có một lần nọ mình lái con Wave Alpha của mẹ đi dự sự kiện ở Làng Đại Học, Thủ Đức. Đợt đó con ốc giữ cây pô nó long mất tiêu rồi nhưng mình vẫn cố chấp chạy mà không thèm bắt ốc lại, cứ nghĩ chẳng sao đâu. Thế mà trời xui đất khiến sao đó mà mình cán phải một cái ổ gà sâu hoắm mấy bạn ạ. Mình nghe tiếng “rắc” một cái, và tiếng xe của mình từ “pụp pụp pụp” biến thành “bủm bủm bủm” luôn. Dừng xe lại check thì ôi mẹ ơi, cái cổ pô nó gãy làm đôi.
Mất đi cái bầu pô, đường xả trở nên quá thoáng và máy mình mất lực. Xe mình hễ vặn ga là nó la um sùm đinh tai nhức óc mà chẳng đi được bao nhiêu cả. Thế là hôm đó mình phải lê lết đi tìm chỗ sửa xe gấp để nhờ người ta hàn lại cái cổ pô cho mình, mà đi mấy chỗ mới có chỗ chịu hàn. Ta nói nó khổ thiệt sự luôn.
Giảm độ ồn từ tiếng nổ của động cơ
Ngoài cái vụ “ém khí buồng đốt” có liên quan trực tiếp đến công suất động cơ thì còn một vấn đề khác mà hệ thống pô được sinh ra để giải quyết, đó là tiếng động cơ. Như các bạn đã biết thì âm thanh của động cơ thực chất là âm thanh của một vụ nổ, vốn có âm lượng rất lớn. Thế nên ống pô được thiết kế với các vách ngăn đặc biệt, hoặc độn nỉ hoặc làm bất cứ thứ gì miễn là nó triệt tiêu bớt được âm thanh.
Nếu bạn thấy mấy ông “báo thủ”, “racing boi” ngoài đường, chạy mấy dòng xe thường thường như Dream, Wave, Sirius mà tiếng to ơi là to thì thường là mấy ông thành này đi móc pô. Móc pô tức là phá một vài vách ngăn để giảm khả năng giảm thanh của hệ thống pô, từ đó cho âm lượng lớn hơn. Tất nhiên là chơi kiểu này thì pô cũng thoáng hơn, động cơ cũng bị giảm công suất chút đỉnh.
Giảm độ ô nhiễm từ khí thải động cơ
Khí thải từ xe cộ là một trong những tác nhân chủ yếu gây ô nhiễm môi trường. Thế nên nhiều nước trên thế giới đã đặt ra quy định về khí thải cho các mẫu xe được phép lưu thông. Ví dụ như các nước Châu Âu dùng hệ thống tiêu chuẩn khí thải Euro. Chuẩn Euro càng cao thì nó sẽ càng khắt khe hơn. Đây là một bộ tiêu chuẩn khắt khe, chỉ cho phép những chiếc xe đủ thân thiện với môi trường được phép lưu thông mà thôi.
Để bán được xe cho các nước này thì bắt buộc các nhà sản xuất xe phải tìm cách cho xe xả ít khí thải hơn và khí thải của nó cũng ít độc hại hơn. Để làm được điều đó thì họ phải thay đổi nhiều thứ trên xe, ví dụ như hệ thống pô. Nhiều mẫu xe hiện nay, đặc biệt là mô tô phân khối lớn thường có một cái bầu bô, trong đó chưa chất xử lý khí thải, giúp khí thải đi qua sẽ bớt độc hại hơn. Nếu không có hệ thống xử lý khí thải này thì sẽ có rất nhiều chiếc xe không thể qua được màn kiểm duyệt của bộ tiêu chuẩn Euro.
Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:
- Động cơ phản lực trên máy bay hoạt động như thế nào?
- “Lỗ hậu” dưới chóp đuôi máy bay thương mại dùng để làm gì?
- Vì sao máy bay chiến đấu phải vứt thùng nhiên liệu phụ khi lao vào không chiến?
Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!