MBR và GPT là gì? Nên dùng định dạng nào cho ổ cứng?
Mỗi khi tạo phân vùng cho ổ cứng, bạn sẽ được chọn một trong 2 chuẩn định dạng là MBR và GPT. Vậy thì nên dùng chuẩn nào nhỉ? Trước hết thì chúng ta phải biết chúng thực chất là gì và chúng khác nhau như thế nào cái đã.
MBR và GPT là gì?
Ổ cứng giống như một cái kho vậy, và dữ liệu thì giống như hàng hóa. Các chuẩn định dạng ổ cứng cũng giống như cách sắp xếp hàng hóa trong kho vậy. Tùy theo cách sắp xếp mà bạn có thể vào kho lấy hàng theo những cách khác nhau. Tương tự, các chuẩn định dạng khác nhau cũng sẽ cho phép hệ thống truy xuất dữ liệu theo những cách khác nhau.
MBR là chuẩn định dạng cũ đã được sử dụng rộng rãi từ đầu những năm 1980, cho đến nay nó vẫn còn khá phổ biến. GPT là chuẩn định dạng mới hơn, được ứng dụng nhiều trên các hệ điều hành và phần cứng mới. GPT có nhiều điểm tốt hơn và cho phép những giới hạn lớn hơn nên nó đang dần thay thế MBR. Tuy nhiên vì có lịch sử ứng dụng lâu đời hơn mà MBR vẫn có độ tương thích rất tốt và cần thiết trong nhiều trường hợp, nhất là với phần cứng và hệ điều hành cũ.
Sự khác biệt của MBR và GPT
MBR | GPT |
Hỗ trợ tất cả hệ điều hành Windows | Hỗ trợ phiên bản 64-bit từ Windows 7 trở đi |
Hỗ trợ chia 4 phân vùng | Hỗ trợ chia 128 phân vùng |
Hỗ trợ cả BIOS và UEFI | Chỉ hỗ trợ UEFI |
Hỗ trợ ổ cứng tối đa 2TB | Hỗ trợ ổ cứng tối đa 1ZB (1024^3 TB) |
1 thông tin lưu trữ phân vùng | 2 thông tin lưu trữ phân vùng |
Nên dùng MBR hay GPT?
Nói cho rõ ràng theo từng trường hợp thì dài dòng và phức tạp lắm nhưng nếu là người dùng phổ thông thì bạn chỉ cần quan tâm một số trường hợp sau đây thôi.
- Bạn dùng ổ cứng dung lượng bao nhiêu? Nếu hơn 2TB thì chắc chắn phải định dạng là GPT vì nếu dùng MBR sẽ nhận không đủ dung lượng. Bạn có thể sử dụng phần mềm MBR4TB để định dạng phân vùng của ổ cứng lên đến 4TB nhưng sẽ khá rắc rối.
- Đối với máy tính khởi động bằng UEFI thì bạn sẽ có thể boot được vào Windows với cả định dạng MBR lẫn GPT. Khởi động bằng Legacy BIOS thì chỉ có thể boot với định dạng MBR thôi.
- Bạn cũng cần nhớ là không phải hệ thống dùng UEFI nào cũng cho phép boot vào Windows trong ổ cứng định dạng MBR
- Định dạng GPT chỉ hỗ trợ các hệ điều hành 64-bit từ Windows 7 trở đi. MBR thì hệ điều hành Windows nào nó cũng hỗ trợ được.
- Định dạng GPT lưu trữ nhiều bản sao của dữ liệu nên nếu có sự cố thì bạn có thể khôi phục lại được. Vì thế nên lưu trữ thông tin trên phân vùng định dạng GPT sẽ an toàn hơn.
Với tư các cá nhân thì mình khuyên anh em nên dùng GPT vì chuẩn này mới hơn và mang lại nhiều tiện ích hơn, trừ khi bạn dùng hệ điều hành và máy tính cũ. Nếu dùng định dạng GPT đi kèm với khởi động Windows bằng UEFI thì tốc độ tắt mở máy cũng sẽ nhanh hơn đáng kể so với dùng định dạng MBR đi chung với BIOS hoặc UEFI.