Một vài HDD ngày nay còn kém bền hơn cả SSD
Độ bền của HDD có khi còn chưa bằng SSD bình dân luôn các bạn ạ.
Phương tiện ghi từ tính (magnetic recording media) ngày nay – thành phần cấu tạo nên HDD – có độ bền cao hơn so với hầu hết bộ nhớ NAND flash dùng trong SSD hiện nay. Tuy nhiên, các thông số độ bền (workload rating) do những hãng HDD đưa ra nhằm đa dạng hóa dải sản phẩm của họ cho thấy độ bền của các ổ cứng dành cho NAS còn tệ hơn cả SSD bình dân.
Trên thị trường hiện nay có kha khá loại HDD: ổ cứng dành cho doanh nghiệp với độ bền 550TB/năm, ổ cứng NAS dành cho doanh nghiệp với độ bền 300TB/năm, và ổ cứng dành cho desktop với độ bền 180TB/năm. SSD không có thông số độ bền theo kiểu đó mà được tính theo kiểu “terabytes to be written” (TBW) và “drive writes per day” (DWPD) để người dùng có thể tính độ bền tổng thể.
Trang ServeTheHome vừa mới so sánh độ bền của ổ cứng Western Digital WD Red Pro 20TB NAS có độ bền 300TB/năm (bao gồm đọc và ghi) với độ bền của SSD hiện nay. WD Red Pro có chế độ bảo hành 5 năm, cho nên nó có thể chịu được khối lượng dữ liệu 1500TB (bao gồm đọc và ghi). Ổ HDD Seagate IronWolf Pro cũng có độ bền tương tự như vậy, tương tự với sản phẩm của Toshiba.
Ngược lại, độ bền của SSD Western Digital 2TB WD_Black SN850 là 1200TB trong vòng 5 năm, còn mẫu SSD 4TB WD Red SA500 NAS SATA thì có độ bền là 2500TB trong vòng 5 năm, cao hơn so với HDD WD Red Pro 20TB. Cả 2 ổ SSD WD_Black và WD Red đều được thiết kế cho các tác vụ hỗn hợp và đọc nhiều dữ liệu, đó là chưa nói đến SSD dành cho doanh nghiệp vốn được thiết kế cho các tác vụ chuyên ghi nhiều dữ liệu. Chẳng hạn, Western Digital Ultrastar DC SN840 6,4TB có độ bền lên đến 35.000TB trong vòng 5 năm.
Nếu so sánh SSD và HDD về khía cạnh tỷ lệ độ bền trên mỗi terabyte dung lượng (endurance per terabyte capacity) thì phần thắng sẽ tiếp tục nghiêng về SSD. Vậy điều này có chứng tỏ rằng SSD bây giờ còn bền hơn cả HDD hay không? Thật ra là vừa có vừa không nhé.
Phiến đĩa HDD vẫn đáng tin cậy (reliable) hơn nhiều so vơi chip NAND flash. Lý do là vì các hãng SSD phải dùng những bộ điều khiển phức tạp để hỗ trợ thuật toán sửa lỗi, từ đó cải thiện độ bền của sản phẩm.
Mặt khác, phương tiện từ tính (magnetic media) – phần bọc các phiến đĩa – có thể ghi đi chép lại gần như là vô hạn lần. Tuy nhiên, những ổ cứng HDD ngày nay cũng sử dụng các cơ chế với độ chính xác cao và môtơ quay 5000-7200 vòng/phút. Mặc dù chúng đáng tin cậy, chúng lại mỏng manh và đôi lúc bị hỏng. Đây cũng là lý do vì sao các hãng ổ cứng lại đưa ra thông số độ bền của sản phẩm vài năm về trước.
HDD và SSD trong các trung tâm dữ liệu được sử dụng theo kiểu xếp tầng (tiered storage subsystem) và kiểu RAID để lưu dữ liệu một cách an toàn. Dù trong trường hợp nào đi nữa thì chúng ta cũng chưa thể khẳng định là loại ổ cứng nào bền hơn loại nào. Chúng đều có khả năng bị hỏng và cần có phương pháp lưu trữ một cách an toàn.
Tuy nhiên, nếu chỉ xét trên khía cạnh workload và TBW thì chí ít SSD cũng bền ngang ngửa HDD WD Red Pro dành cho NAS. Tất nhiên, ổ cứng dành cho trung tâm dữ liệu được thiết kế với độ bền cao hơn (có thể lên đến 2750 TBW trong 5 năm), nhưng SSD dành cho trung tâm dữ liệu với cường độ ghi chép nhiều thậm chí còn có thể đánh bại chúng luôn.
HDD và SSD đều có ưu điểm và nhược điểm riêng, và chúng vẫn chưa thể thay thế cho nhau được. Mặc dù thông số workload, TBW, và DWPD đều quan trọng, bạn vẫn không nên chỉ dựa vào 1 thông số để đánh giá về độ tin cậy của sản phẩm, vì dù gì thì bạn vẫn cần từ 2 ổ cứng trở lên để đảm bảo an toàn cho dữ liệu của mình.
Tóm tắt ý chính:
- Các thông số độ bền do hãng HDD đưa ra nhằm đa dạng hóa sản phẩm của họ cho thấy độ bền của các ổ cứng dành cho NAS còn tệ hơn SSD bình dân
- Ổ cứng Western Digital WD Red Pro 20TB NAS có độ bền 300TB/năm
- WD Red Pro có chế độ bảo hành 5 năm, suy ra nó có thể chịu được khối lượng dữ liệu 1500TB (bao gồm đọc và ghi)
- Còn độ bền của SSD Western Digital 2TB WD_Black SN850 là 1200TB trong vòng 5 năm, hoặc SSD 4TB WD Red SA500 NAS SATA là 2500TB
- Nếu chỉ xét trên khía cạnh workload và TBW thì chí ít SSD cũng bền ngang ngửa HDD WD Red Pro dành cho NAS
Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:
- Hướng dẫn giải phóng ổ cứng bị đầy lên sau mỗi lần cập nhật Windows 10
- Hướng dẫn xóa file tạm thời trên Windows 10, giải phóng dung lượng ổ cứng cho máy tính
- Đừng để ổ cứng chết mà không kịp cứu, hướng dẫn dò và sửa lỗi bad sector
Nguồn: tom’s HARDWARE