Kiến thức cơ bản về linh kiện PC - Phần 4 - Bộ nhớ lưu trữ - Ổ Cứng
Bộ nhớ hay ổ cứng là thiết bị để lưu trữ hầu hết dữ liệu trong một hệ thống PC như hệ điều hành, các ứng dụng (game, phần mềm…) , dữ liệu người dùng (phim, ảnh…) và nhiều thứ khác nữa.
Một chiếc ổ cứng cơ (HDD) truyền thống.
Thực ra cách gọi “ổ cứng” trước đây được dùng để chỉ ổ cứng cơ. Hiện nay thì cách dùng từ “ổ cứng” để chỉ bộ nhớ lưu trữ nói chung không còn đúng hoàn toàn nữa, nhưng vì cách gọi này đã quá thông dụng cho nên người viết sẽ dùng từ này để gọi chung các thiết bị bộ nhớ lưu trữ dành cho máy tính.
Sau đây là những thông tin cơ bản nhất về các thông số kĩ thuật của ổ cứng.
1. Dung Lượng
Dung lượng của một chiếc ổ cứng là khả năng lưu trữ dữ liệu của chiếc ổ cứng đó hay tổng dung lượng dữ liệu mà nó có thể lưu trữ được. Dung lượng càng lớn thì lượng dữ liệu có thể chứa được càng lớn.
Ví dụ một chiếc ổ cứng HDD với dung lượng khoảng 1-2 TB sẽ cho phép người dùng phổ thông lưu game, phim ảnh, dữ liệu một cách thoải mái
2. Tốc độ đọc
Là tốc độ truy xuất tối đa mà một chiếc ổ cứng có để đáp ứng được. Tốc độ đọc càng lớn thì dữ liệu từ ổ cứng sẽ được tải lên RAM càng nhanh, khởi động chương trình càng nhanh.
Ví dụ: Nếu chạy cùng một ứng dụng thì chiếc ổ cứng có tốc độ đọc 500MB/s sẽ khởi động ứng dụng đó nhanh hơn là một chiếc ổ cứng có tốc độ đọc 140MB/s
3. Tốc độ ghi
Tốc độ ghi của một chiếc ổ cứng thể hiện tốc độ tối đa mà dữ liệu có thể được nhập lên ổ cứng. Cũng như tốc độ đọc, đây là một thông số mang tính chất tham khảo. Tốc độ ghi càng nhanh thì những thao tác như copy, di dời dữ liệu, nhân bản dữ liệu… sẽ càng nhanh.
Ví dụ như khi bạn copy một tập tin thành 2 bản thì một chiếc ổ cứng có tốc độ ghi cao hơn sẽ cho phép bạn làm việc đó nhanh hơn.
4. Các loại ổ cứng
Không như những linh kiện khác trong 1 dàn PC, ổ cứng có thể chia ra rất nhiều dạng dựa trên 3 yếu tố: dạng thức, giao thức và chuẩn kết nối. Và để hiểu chính xác về những yếu tố này thì sẽ cần khá nhiều kiến thức chuyên môn nên người viết sẽ không tiện chia sẻ ở đây.
Trên thị trường hiện nay, có 2 loại ổ cứng là SSD và HDD, chia làm rất nhiều dạng, nhưng phổ biến nhất là 4 dạng sau đây:
HDD (Hard Disk Drive): Là ổ cứng cơ truyền thống, sử dụng đĩa từ để lưu trữ dữ liệu. Sử dụng giao thức SATA.
Một chiếc HDD Barracuda 1TB của Seagate, đây là một trong những chiếc HDD rất được ưa chuộng do hoạt động ổn định và giá cả phải chăng
SSD chuẩn 2.5″: SSD (Solid State Drive) còn gọi là ổ cứng thể rắn, ra đời sau HDD, sử dụng bộ nhớ flash NAND để lưu trữ dữ liệu, tốc độ đọc/ghi lớn hơn HDD. Tuy nhiên giá thành cũng đắt hơn HDD có cùng dung lượng. Kết nối với hệ thống máy tính qua cổng SATA.
Fury RGB 480GB một sản Phẩm SSD 2.5″ được trang bị cả LED RGB
SSD M.2 SATA: Về bản chất thì chúng giống như những chiếc SSD2.5″ thông thường nhưng nhỏ gọn hơn nhiều, kết nối với mainboard qua khe M.2. Sử dụng chung giao thức kết nối SATA như SSD 2.5′ và HDD.
Một chiếc SSD M2 chuẩn SATA, có thể dễ dàng phân biệt với SSD M2 NVMe qua 2 chỗ khuyết trên phần chân cắm
SSD M.2 PCIe NVMe: Sử dụng giao thức kết nối PCIe, cho giới hạn băng thông lớn hơn giao thức SATA rất nhiều. Đây cũng là loại ổ cứng tiên tiến nhất, có tốc độ đọc ghi cao nhất và cũng đắt tiền nhất. Kết nối với mainboard thông qua khe M.2.
Samsung SSD 970 Evo – ổ cứng SSD PCIe NVMe, nổi tiếng với hiệu năng vô cùng mạnh mẽ, tốc độ đọc có thể lên đến hơn 3400MB/s cùng với tốc độ tốc độ ghi tối đa 2500MB/s, tuy nhiên,kèm theo chất lượng vượt trội thì giá của dòng ổ cứng này cũng khá “chát”.
Trên đây là một số thông tin cơ bản về ổ cứng dành cho máy tính, hy vọng có thể cung cấp được cho bạn đọc những thông tin hữu ích.
Nguồn: GEARVN (Axium Fox)