Siêu tiêm kích F-35 Lightning II hạ cánh thẳng đứng như thế nào? Đây là câu trả lời cho bạn
Máy bay tiêm kích thế hệ 5 F-35 dòng B của Mỹ là một mẫu máy bay thú vị, cực kỳ nổi tiếng với khả năng hạ cánh thẳng đứng và cất cánh trên đường băng rất ngắn. Trong bài viết này, mời các bạn cùng mình tìm hiểu xem mẫu máy bay này đã làm điều kì diệu đó như thế nào nhé.
F-35 dòng B có thể uốn cong hướng phụt của động cơ xuống đất
Bí quyết của F-35 dòng B không nằm ở khối động cơ Pratt & Whitney F135 của nó mà là ở những thứ “đồ chơi độc lạ” mà nó mang theo. Chúng ta sẽ bắt đầu đi từ cái dễ thấy nhất là cái ống xả phản lực siêu dị của nó các bạn nhé. Ống xả phản lực của F-35B có hệ thống khớp nối 3 vòng bi đặc biệt, cho phép nó uốn cong 90 độ để hướng luồng khí phản lực xuống mặt đất, từ đó tạo lực nâng để máy bay có thể hạ cánh thẳng đứng như một chiếc trực thăng.
Tuy nhiên ống xả nằm ở phần đuôi máy bay. Nếu như nó chỉ dùng mỗi cái ống xả này thôi thì máy bay chỉ được nâng phần đuôi, trong khi phần đầu không có lực nâng sẽ bị “chúi nhủi” ngay lập tức, khiến máy bay mất thăng bằng. Vì thế để hạ cánh thẳng đứng thì máy bay phải có cách phân bố lực nâng ở mũi, cân bằng với phần đuôi.
F-35B có một cái quạt cực mạnh trong thân, ngay sau buồng lái, truyền động với trục động cơ
Các kỹ sư tại Lockheed Martin đã đưa ra giải pháp là lắp thêm một hệ thống cánh quạt có sức đẩy lên đến 89kN ở ngay sau buồng lái phi công. Nó hút khí từ trên nóc máy bay, thổi thẳng xuống mặt đất và tạo ra lực nâng cho phần mũi, cân bằng lực nâng giữa mũi và đuôi. Hệ thống quạt này bình thường sẽ không nhìn thấy do nó được nắp của hút trên nóc và nắp cửa xả dưới gầm máy bay che lại. Khi hoạt động thì các nắp này sẽ mở ra để chiếc quạt có thể hút và xả khí.
Nếu bạn thắc mắc về việc chiếc quạt siêu khủng này lấy năng lượng từ đâu mà chạy thì câu trả lời là từ động cơ chính đấy. Nó được truyền động với động cơ phản lực Pratt & Whitney F135 của F-35. Khi máy bay hạ cánh thì chiếc quạt này sẽ quay cùng với trục động cơ.
Tất nhiên, để trang bị cả hệ thống quạt đặc biệt, to đùng và nặng khoảng 1 tấn, tương đương 8% khối lượng máy bay này thì F-35B cũng phải hy sinh tương ứng. Mẫu F-35 này có vỏ mỏng hơn và mang được ít nhiên liệu hơn, khoang chứa vũ khí trong thân cũng bị thu hẹp để chừa khoảng trống cho chiếc quạt.
F-35B trích khí nén từ động cơ, phân bổ lực nâng sang 2 bên cánh để giữ thăng bằng
Ngoài khối động cơ và hệ thống quạt hỗ trợ cất, hạ cánh ra thì F-35B còn phải có cơ chế hỗ trợ giữ thăng bằng nữa. Động cơ phản lực kiểu turbojet hoạt động bằng cách hút khí, nén khí, đốt nóng khí, xả khí và tận dụng nguồn năng lượng của khí giãn nở để giữ động cơ tiếp tục xoay (bạn nào muốn tìm hiểu thêm có thể xem bài viết về nguyên lý của động cơ phản lực của mình). Khi khối động cơ phản lực Pratt & Whitney F135 hoạt động, nó sẽ nén rất nhiều không khí. F-35B sẽ trích một phần khí nén này vào 2 ống khí dẫn sang 2 bên cánh. Lượng khí này cũng sẽ thổi thẳng xuống mặt đất, giúp máy bay giữ thăng bằng tốt hơn.
Trên đây là những thông tin cơ bản về cách mà máy bay F-35B hạ cánh thẳng đứng như một chiếc trực thăng. Hy vọng bài viết đã mang đến cho các bạn những thông tin thú vị. Cảm ơn các bạn đã quan tâm theo dõi và chúc các bạn có một ngày tốt lành.
*Thông tin thêm: Thiết kế ống xả phản lực của F-35B tương tự với máy bay Yak-141 do phòng thiết kế Yakovlev của Liên Xô phát triển. Mẫu máy bay bay này cũng có vai trò tương tự như F35 của Mỹ, có khả năng cất cánh trên đường băng cực ngắn, chỉ từ 60 đến 120m và hạ cánh thẳng đứng. Tuy nhiên thay vì dùng quạt được truyền động từ động cơ chính như F-35B thì nó dùng luôn 2 động cơ phản lực phụ để tạo lực nâng cho phần mũi.
Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:
- Động cơ phản lực trên máy bay hoạt động như thế nào?
- Tìm hiểu về pulsejet – loại động cơ phản lực đơn giản như một cái ống pô
Nguồn: Wikipedia – Lockheed Martin F-35 Lightning II, Wikipedia – Yakovlev Yak-141, Lockheed Martin