Sử Hộ Vương - Đáng khen và đáng trách
Sử Hộ Vương có lẽ là cái tên không còn xa lạ gì với cộng đồng mạng trong những ngày vừa qua.
Đây là một tựa game thẻ bài lấy cảm hứng từ lịch sử Việt Nam với ý tưởng ban đầu là mượn phong cách của văn hóa 2D nước ngoài để kết hợp với chất liệu lịch sử nước nhà để hướng giới trẻ Việt Nam trở về những giá trị truyền thống vốn đang dần mai một, dự án này đã từng làm dậy sóng dư luận khi tham gia chương trình Red Bull Chinh phục ước mơ. Mới đây, trong chương trình gọi vốn Thương Vụ Bạc Tỉ, dự án này lại gây tranh cãi thêm một lần nữa.
Tóm tắt câu chuyện gọi vốn của Phạm Vĩnh Lộc và Hồ Phương Thảo cho dự án Sử Hộ Vương
Theo trình bày của Vĩnh Lộc, trong vòng hai tháng khi kêu gọi quỹ cộng đồng, Sử Hộ Vương đã kêu gọi hơn 300 triệu đồng từ 800 người, là dự án đạt kỷ lục về số lượng người đóng góp cao nhất trên nền tảng hỗ trợ họa sĩ truyện tranh Việt Nam Comicola. Trong 10 ngày đầu tiên phát hành, Sử Hộ Vương đã tiêu thụ mạnh mẽ 6000 bộ trên toàn quốc. Phạm Vĩnh Lộc và Hồ Phương Thảo – 2 người sáng lập của tựa game này đã có một màn gọi vốn đầy tranh cãi khi không tìm được tiếng nói chung với các Shark cũng như với phần đông cộng đồng mạng. Trong những ngày vừa qua, dự án này cũng đã làm tiêu tốn không biết bao nhiêu giấy mực của giới truyền thông, chủ yếu là phê bình. chỉ trích hay thậm chí là lên án.
Vốn là một ý tưởng hay và táo bạo nhưng tại sao tựa game này lại bị cộng đồng phản ứng gay gắt đến như vậy? Hy vọng bài viết này sẽ đem đến cho bạn đọc những cái nhìn khách quan hơn.
Ý tưởng và mục tiêu không có gì cần bàn cãi
Tạm thời, chưa nói đến việc đúng và sai, nếu chỉ xét một cách khách quan dựa trên trên ý tưởng ban đầu và những giá trị cốt lõi mà những người sáng lập tuyên bố hướng đến thì chắc chắn ai cũng sẽ nhận thấy rằng Sử Hộ Vương là một startup rất có tiềm năng.
Theo như lời chia sẻ của 2 bạn trẻ là Phạm Vĩnh Lộc và Hồ Phương Thảo – Những người sáng lập của tựa game thì Sử Hộ Vương sẽ tận dụng được xu thế ưa chuộng văn hóa nước ngoài hiện nay của giới trẻ để mang đến hứng thú cho họ về lịch sử nước nhà. Đứng về lập trường khách quan mà nói thì đây thực sự là một ý tưởng rất hay và táo bạo. Thay vì cứ để mặc giới trẻ Việt Nam chơi những tựa game mang yếu tố lịch sử của nước ngoài và thuộc luôn lịch sử của họ thì tại sao chúng ta lại không mượn những thế mạnh của những tựa game đó về để tạo ra game lịch sử của Việt Nam?
Trong hơn 4000 năm lịch sử của Việt Nam thì trong đó đã có hơn 2000 năm từ Công Nguyên đến nay là khoảng thời gian xảy ra chiến loạn khói lửa liên miên và các sự kiện lịch sử diễn ra với tần suất dày đặc. Lịch sử Việt Nam chính là nguồn nguyên liệu dồi dào và vô giá để xây dựng văn hóa hiện đại, riêng về phần này thì chúng ta đã nắm giữ lợi thế hơn nước ngoài rất nhiều. Vấn đề muôn thuở được đặt ra ở đây là chúng ta có đủ trình độ để tận dụng nó hay không mà thôi. Quay lại với Sử Hộ Vương, đáng lẽ tựa game này đã phải cực kỳ thành công và nhanh chóng đánh sang các nền tảng khác chứ không chỉ mới chớm nở trên board game đã bị ném đá gay gắt như những ngày vừa qua…Vậy, cái sai là ở đâu?
Tiền đề của những tựa game “tiền bối”
Không phải tự nhiên mà Sử Hộ Vương lại có thể tạo ra tiếng vang lớn đến như vậy. Cũng không phải tự nhiên mà Sử Hộ Vương lại có hướng đi táo bạo như thế. Nếu để ý đến thị trường game một chút, bạn sẽ thấy đã có những tựa game cùng thể loại trên những nền tảng khác đã thành công rực rỡ mà điển hình nhất có thể nói đến như Kantai Collection (gọi tắt là KanColle, ) và Touken Ranbu (Hán Việt: Đao Kiếm Loạn Vũ).
Tạo hình của nhân vật Yamato – Hình tượng nhân hóa của thiết giáp hạm Yamato, soái hạm của soái hạm của Hạm đội Liên hợp Nhật Bản, một trong những nhân vật mang tính biểu tượng của KanColle
Tạo hình của nhân vật Munechika Mikazuki – Hình tượng nhân hóa của thanh danh kiếm cùng tên, một trong những nhân vật mang tính biểu tượng của Touken Ranbu.
Đây là những tựa game thẻ bài cực kỳ thành công và có tầm ảnh hưởng rộng rãi đến văn hóa 2D trên toàn cầu, được mang lên nhiều nền tảng và chuyển thể thành nhiều thể loại giải trí khác nhau như anime, manga, nhạc kịch, light novel… Và có hàng loạt các sản phẩm liên quan như figure và doujinshi. Sự thành công của những tựa game như thế chính là mục tiêu mà đội ngũ phát triển của Sử Hộ Vương hướng đến ngay từ đầu. Nếu giới trẻ Việt Nam đã quen thuộc và yêu thích những thể loại game như vậy thì chỉ cần làm tốt với chất liệu lịch sử nước nhà, Sử Hộ Vương hoàn toàn có quyền để mơ đến một sự thành công tương tự.
Vấn đề duy nhất ở đây là đội ngũ phát triển phải làm sao để cân bằng tốt được giữa văn hóa ngoại nhập và bản sắc dân tộc để 2 yếu tố này cùng nhau phát triển, làm cho những trang sử hào hùng của dân tộc trở nên gần gũi và dễ tiếp cận hơn. Tuy nhiên, đáng tiếc thay là họ đã không giải quyết được vấn đề này ngay từ khâu phát triển.
Ý tưởng độc đáo, cách làm táo bạo, nhưng…
Không ai có thể phủ nhận được ý tưởng ban đầu và mục tiêu hướng đên của Sử Hộ Vương đều mang mục đích rất đẹp. Đội ngũ phát triển cũng đã rất thông minh khi bắt đầu với thể loại card game (game thẻ bài), nếu phát triển tốt thì Sử Hộ Vương rất nhanh chóng sẽ có thể tiến đánh sang các nền tảng số hóa như máy tính và di động do bản chất của một tựa game thẻ bài sẽ không cần đến hệ thống animation/motion graphics quá phức tạp.
Bản chất của một game thẻ bài là nó không đòi hỏi một đội ngũ phát triển hùng hậu, những người sáng lập đã rất thông minh khi chọn thể loại này.
Tuy nhiên đến khi thành phẩm đầu tiên dưới dạng game thẻ bài xuất hiện trước công chúng thì mọi thứ gần như đã lệch đi hoàn toàn. Nhìn chung thì trong những ngày này, kể từ khi lên sóng trong khuôn khổ chương trình gọi vốn Thương Vụ Bạc Tỷ – Mùa 3 thì gần như mọi ý kiến nhận xét về dự án Sử Hộ Vương đều là những ý kiến tiêu cực. Đứng trên góc nhìn của một số người thì nó là “cái giá của hội nhập”, số khác thì lại xem minh chứng cho sự “xâm lược văn hóa”, cũng có người chỉ dùng 2 chữ nặng nề “bôi nhọ” để nhận xét.
Sau đây là một số hình ảnh của tựa game
Tạo hình và câu thoại gây tranh cãi của nữ sĩ Hồ Xuân Hương
Đây là một trong những tấm ảnh khiến tựa game gánh chịu nhiều lời chỉ trích nhất trong những ngày qua. Tạm thời bỏ qua tạo hình có phần gợi cảm quá đà, làm móp méo hình tượng của bà chúa thơ nôm thì câu thoại đậm chất đam mĩ về Nguyễn Huệ và Nguyễn Ánh cũng đã thực sự chọc giận cộng đồng mạng. Trong lịch sử, sau khi lật đổ nhà Tây Sơn với sự trợ giúp của quân đội Pháp, Nguyễn Ánh (tức vua Gia Long sau này) đã thực hiện một trong những cuộc thanh trừng thảm khốc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam, riêng phần di thể của vua Quang Trung (tức Nguyễn Huệ) đã bị Nguyễn Ánh cho quật lại để làm ô uế, chặt đầu, giã nát thân thể rồi vứt đi khắp nơi với mục đích làm cho ông phải hồn phi phách tán. Riêng về phần của Nguyễn Ánh khi đó làm việc kinh khủng này không phải chỉ để báo thù cho nỗi đau lưu lạc xa xứ của mình mà còn để rửa hận cho 8 đời chúa Nguyễn và thân phụ là Nguyễn Phúc Côn bị Nguyễn Huệ quật mộ và ném hài cốt xuống biển. Ông nội của ông là Định Vương Nguyễn Phúc Thuần (tức chúa Nguyễn đời thứ 9) và một số họ hàng thân thích khác cũng chết trong tay của quân Tây Sơn.
Mối thù không đội trời chung của Nguyễn Ánh và Nguyễn Huệ là một tấn bi kịch đen tối của lịch sử Việt Nam, là chuyện không thể lôi ra để đùa cợt trong bất cứ trường hợp nào. Nếu người viết nội dung cho Sử Hộ Vương thực sự tôn trong lịch sử thì chắc chắn sẽ không có câu thoại cợt nhả nêu trên.
lại một tấm ảnh gây tranh cãi khác
“Senpai” (phiên âm romaji) nghĩa là “tiền bối“, là kính ngữ của người Nhật, “Keikaku“, “kế hoạch” cũng vậy. Những từ ngữ ngoại lai như thế này không nên xuất hiện trong cách nói của người Việt Nam, dù chỉ là một câu nói đùa, nhất là khi chúng xuất hiện một cách kém duyên và thiếu chuyên nghiệp như thế.
Tạo hình và câu Slogan của Nguyễn Ánh
Tóc bạch kim? mắt 2 màu?… Câu thoại không đầu không đuôi? Có mùi teenfic ở đây.
Trong lịch sử và những truyền thuyết dân gian của Việt Nam thì vị này hình như là không được biết đến nhiều lắm thì phải
Tạo hình của Lê Uy Mục – Hoàng đế thứ 8 của nhà Lê, mặc dù nổi tiếng tàn bạo hoang dâm, bị dân chúng đương thời gọi là Quỷ vương nhưng chắc chắn diện mạo của ông ta cũng sẽ không đến nỗi “cà chớn” như thế này.
Đến cái này thì người viết cũng thực sự khó hiểu, có lẽ bạn đọc cũng đã đoán ra được chữ cái mà người viết cố tình che đi rồi. Một khi phải sử dụng nhân vật này trong lúc chơi game thì chẳng biết là bạn sẽ nên khóc hay nên cười nữa.
Cho dù tựa game này được tạo ra với mục đích như thế nào đi chăng nữa thì việc gán cho những nhân vật lịch sử hay thậm chí là những vụ anh hùng dân tộc những câu slogan có phần khó hiểu những hình tượng “chẳng ăn nhập vào đâu” cũng là việc làm rất khó chấp nhận đối với đại đa số người Việt Nam.
Phản ứng của cộng đồng
Tạm kết
Ngay từ đầu, Sử Hộ Vương được tạo ra với một mục đích tốt đẹp và trái tim đầy nhiệt huyết của những con người trẻ tuổi, mong muốn đem những tinh hoa sử Việt đến với những lớp người đi sau. Nhưng đáng tiếc thay là họ đã để những yếu tố vay mượn lấn át những gì mà họ tôn vinh. Với một đội ngũ phát triển mang tính tự phát, còn quá non trẻ và bị chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa nước ngoài thì kết quả này cũng là điều khó tránh khỏi. Không phải lý tưởng của họ không đẹp, không phải họ không có tài năng, chỉ là họ cần thêm thời gian để hoàn thiện.
Đôi lời của người viết:
Bản thân người viết không bênh vực cho cái sai của đội ngũ phát triển Sử Hộ Vương, bản chất của một bài báo tốt là khách quan và không thiên vị. Cái gì sai thì đáng bị bài xích, điều đó là đúng nhưng vẫn còn thiếu. Nếu chúng ta chỉ biết bài trừ và chỉ trích Sử Hộ Vương mà không có lời động viên dành cho đội ngũ phát triển ngay lúc này thì mai sau, liệu còn ai dám nhân danh tinh hoa dân tộc để tạo nên những sản phẩm văn hóa hiện đại, đậm đà bản sắc Việt Nam nữa?
GEARVN (Axium Fox)